(NÓNG TUẦN QUA) COVID-19 hạ nhiệt dịp năm mới Tân Sửu; ông Trump được tha bổng

Thứ Hai, 15/02/2021, 08:12
Người dân một số quốc gia châu Á và cộng đồng gốc Á Đông trên toàn thế giới đón năm mới Tân Sửu trong bối cảnh COVID-19, cựu Tổng thống Mỹ Trump được tha bổng và căng thẳng giữa Nga-châu Âu… là những sự kiện được quan tâm tuần qua.


Thế giới đón năm mới Tân Sửu đặc biệt

Tết Nguyên đán năm 2021, không khí chào đón năm mới tại nhiều nơi ở châu Á có khác biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp. Tại nhiều quốc gia, các hoạt động ăn mừng đã bị hủy bỏ để ngăn nguy cơ người dân tụ tập, gia tăng nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Truyền thông khu vực cho biết hàng trăm triệu người thậm chí mắc kẹt tại nơi làm việc, không thể về nhà do ảnh hưởng của COVID-19. Xem chi tiết tại đây

Người đàn ông mặc đồ bảo hộ kín mít chờ tàu về quê ăn Tết tại nhà ga ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: ITN

COVID-19 giảm đà lây lan trên toàn cầu

Nhờ các biện pháp quyết liệt của các chính phủ, tổng số người nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong một tháng qua giảm 44,5% so với tháng trước đó và ở mức thấp nhất từng được ghi nhận từ tháng 10/2020. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Geneva, sự sụt giảm về số ca COVID-19 đang diễn ra toàn thế giới. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tái bùng phát là hiện hữu nếu các chính phủ lặp lại "những sai lầm trong quá khứ", tức dỡ bỏ phong tỏa quá sớm. Xem chi tiết tại đây

Trong diễn biến liên quan, người đứng đầu cơ quan phòng, chống dịch bệnh (ECDC) của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo virus SARS-CoV-2 sẽ biến đổi liên tục để thích nghi và đại dịch COVID-19 có thể tồn tại mãi mãi. Chuyên gia hàng đầu của ECDC bày tỏ lo ngại việc một số mẫu vaccine COVID-19 không mang lại hiệu quả cao với các biến chủng mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2, nhất là hai chủng được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và chủng ở Brazil. Xem chi tiết tại đây

Thượng viện Mỹ tha bổng cựu Tổng thống Trump

Sau năm ngày tranh luận trong chính căn phòng từng xảy ra vụ bạo loạn ngày 6/1 vừa qua, các Thượng nghị sĩ Mỹ ngày 13/2 (giờ địa phương) đã bỏ phiếu tha bổng cho cựu Tổng thống Donald Trump. The Guardian cho biết, chỉ có 57 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu luận tội ông, thiếu 10 phiếu để đạt con số 67 tối thiểu để luận tội vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Trong khi đó, 43 phiếu chống lại ông đồng tình với cáo buộc cựu tổng thống Donald Trump "kích động nổi dậy" ở tòa nhà quốc hội hồi đầu tháng trước, bao gồm lá phiếu của 7 nghị sĩ Cộng hòa. Xem chi tiết tại đây

Italy có Thủ tướng mới

Ông Mario Draghi, 73 tuổi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ngày 13/2 chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Italy, sau khi ông được Tổng thống nước này Sergio Mattarella bổ nhiệm trong một buổi lễ trang trọng diễn ra ở thủ đô Roma, theo FT. Ông Draghi là vị Thủ tướng thứ 30 của Italy từ năm 1946. Ông giành được sự ủng hộ của hầu hết các đảng phái lớn của Italia và sẽ lãnh đạo một chính phủ "đoàn kết dân tộc" với số lượng các bộ trưởng được chia đều cho các chính đảng. Xem chi tiết tại đây

Ấn Độ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về tranh chấp biên giới

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ ngày 11/2 cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý rút quân khỏi khu vực đang tranh chấp gay gắt ở phía Tây dãy Himalaya, một động thái đột phá sau thời gian dài nhiều tháng bế tắc ở biên giới tranh chấp. Không lâu sau, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết quân đội tiền tuyến của hai nước đã bắt đầu rút lui khỏi bờ hồ vào ngày 10/2. Xem chi tiết tại đây

Quân đội Myanmar thả 23.000 tù nhân

CNN ngày 12/2 dẫn lời Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar tuyên bố, chính quyền quân sự nước này ân xá 23.314 tù nhân trong Ngày Liên minh 12/2 – ngày lễ tôn vinh nỗ lực duy trì tình đoàn kết trong nội bộ đất nước. Chưa rõ tội danh và danh tính của những tù nhân được ân xá. Đây là lần đầu tiên chính quyền quân sự của Myanmar tiến hành ân xá từ khi giành được quyền kiểm soát đất nước sau cuộc đảo chính hôm 1/2, đồng thời bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức khác. Xem chi tiết tại đây

Nga dọa cắt đứt quan hệ với châu Âu vì Navalny

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói nước này có thể cắt đứt quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) nếu bị khối áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề liên quan nhân vật đối lập Navalny. "Chúng tôi không muốn tự cô lập mình khỏi dòng chảy toàn cầu, nhưng phải sẵn sàng cho điều đó. Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh", Ngoại trưởng Nga tuyên bố. Trước đó, EU úp mở chuyện sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các nhân vật mà họ cho là có liên hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì vụ việc xung quanh nhân vật đối lập Navalny. Xem chi tiết tại đây

Thiện Nhân
.
.
.