Việt Nam có “72 giờ bình yên”; thế giới vẫn vật lộn với đại dịch COVID-19

Chủ Nhật, 19/04/2020, 07:53
Trong khi thế giới đang vật lộn với đại dịch COVID-19 thì Việt Nam trong 72 giờ qua không ghi nhận thêm ca bệnh mới, đồng nghĩa với việc con số bệnh nhân vẫn giữ nguyên ở 268 trường hợp. Liên tiếp các thông tin tích cực được công bố khiến chúng ta có thể tự hào về năng lực y tế của nước nhà...

Việt Nam đã có “72 giờ bình yên”

Thống kê COVID-19 tại Việt Nam. Nguồn: Bộ Y tế.

Trong ngày hôm qua, trong khi không ghi nhận thêm ca bệnh mới thì chúng ta lại có thêm 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đó là 2 bệnh nhân người Brazil đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (BN 151 và 207) và 1 bệnh nhân người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Cần Giờ (BN 97).

Một điều đáng mừng nữa là hơn 600 mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 của những người ở 3 chợ đầu mối của Hà Nội đều âm tính.

Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi cho 201/268 bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện chỉ còn 67 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 cơ sở y tế trên cả nước. Trong số đó, 14 ca hiện có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và 5 ca khác có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.

Cho đến nay, tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Việt Nam đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Chính vì thế các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công.

Tính đến hết ngày hôm qua, Việt Nam còn 62.998 trường hợp đang phải cách ly, trong đó 279 người cách ly tại bệnh viện; 11.338 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 51.381 người.

Thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch COVID-19

Thống kê COVID-19 trên thế giới. Nguồn: Worldometer.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 81 ngàn ca bệnh và hơn 6,5 ngàn ca tử vong mới. Như vậy, tổng số ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giời hiện đã lên tới hơn 2,33 triệu trường hợp trong khi tổng số ca tử vong do căn bệnh này đã là hơn 160,6 ngàn người.

Mặc dù đã điều trị khỏi tổng cộng hơn nửa triệu bệnh nhân, thế nhưng số ca bệnh vẫn đang còn phải điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế là hơn 1,57 triệu trường hợp - với hơn 55 ngàn trường hợp bệnh nặng.

Tại Mỹ, số ca bệnh/ca tử vong vẫn tiếp tục tăng mạnh - với hơn 29 ngàn trường hợp/gần 2 ngàn người tử vong mới được ghi nhận trong 24 giờ qua. Như vậy, nước Mỹ hiện đã có gần 739 ngàn ca bệnh và hơn 39 ngàn người tử vong do COVID-19. Tình hình cũng không mấy khả quan khi Mỹ hiện có tới hơn 13 ngàn ca bệnh được đánh giá là nghiêm trọng.

Tại châu Âu, các số liệu của Bỉ về ca tử vong do COVID-19 khiến nhiều nước châu Âu e ngại rằng các nước khác có thể báo cáo chưa đầy đủ về số người chết vì dịch bệnh này. Không giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Bỉ tính toán cả số ca tử vong được đăng ký bên ngoài bệnh viện, cũng như những ca mà bệnh nhân có triệu chứng COVID-19 nhưng không được xét nghiệm (chiếm gần một nửa).

Bỉ có dân số chỉ 11,6 triệu người, số ca tử vong do COVID-19 là hơn 5.450, vì vậy, trung bình cứ một triệu dân thì có hơn 460 người chết vì bệnh này. Các nước láng giềng như Anh và Pháp có trung bình lần lượt là 202 và 274 người thiệt mạng trên một triệu người.

Như vậy, nếu phương pháp này được áp dụng ở các quốc gia khác, số người chết thực sự do đại dịch có thể gấp đôi số liệu chính thức.

Tại châu Á, Singapore đang có số ca nhiễm mới tăng chóng mặt trong khi Nhật Bản đang phải vật lộn với dịch bệnh khi mà sự thiếu hụt về thiết bị y tế đang đe doạ đất nước mặt trời mọc.

Tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản đã lên mức báo động.

Còn tại châu Phi, theo báo cáo mới của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về Châu Phi (UNECA), khoảng 300.000 đến 3,3 triệu người ở châu lục này có thể tử vong vì COVID-19 do khả năng kiểm soát dịch bệnh còn yếu kém.

UNECA khẳng định rằng lục địa này sẽ là “địa điểm lý tưởng cho virus Corona” do thực tế là 56% dân số đô thị châu Phi - trừ khu vực Bắc Phi, tập trung ở những khu nhà ổ chuột quá đông đúc và chất lượng cuộc sống thấp.

Báo cáo cũng lưu ý rằng chỉ có 34% số hộ gia đình tại những khu vực nói trên có thể tiếp cận các thiết bị rửa tay cơ bản. Ủy ban này dự báo, chỉ còn vài tuần nữa thì châu Phi sẽ theo kịp các nước châu Âu về lây lan COVID-19 và còn lâu mới đạt được đỉnh điểm.

Thế giới cũng đang phải đối mặt với nỗi lo người bệnh tái nhiễm sau khi được chữa khỏi bệnh COVID-19. Tại Trung Quốc và Hàn Quốc đã ghi nhận một số trường hợp như vậy và người ta đang đi tìm câu trả lời liệu bệnh nhân có thể bị tái nhiễm virus Corona hay không?

K.Hiền
.
.
.