Tỉ lệ chuyển tuyến ở nhiều bệnh viện là 0% nhờ được chuyển giao kỹ thuật

Thứ Tư, 13/12/2017, 22:39
Nhờ được chuyển giao kỹ thuật và tham gia dự án bệnh viện (BV) vệ tinh, nhiều kỹ thuật ngoại khoa ở tuyến dưới đã có tỉ lệ chuyển tuyến là 0%. Điều này cho phép cứu sống nhiều bệnh nhân tại chỗ, đồng thời, giảm tải cho tuyến trên rất hiệu quả.


Tháng 3-2017, một cô giáo ở Điện Biên bị tai nạn, bánh xe tải đè lên người cô làm dập thành bụng, thành ngực, vỡ cơ hoành ngăn cách giữa bụng và lồng ngực, khiến toàn bộ nội tạng dồn hết lên lồng ngực, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. 

Vào phút giây sinh tử của bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Điện Biên đã hội chẩn trực tiếp với các chuyên gia của BV Việt Đức thông qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine, nên đã được tư vấn kịp thời về tình trạng bệnh, khả năng thương tổn và cách xử trí. Để rồi nạn nhân đã được cứu sống ngay tại BV tuyến tỉnh, xác lập một kỳ tích trong y học Việt Nam nhờ công tác chỉ đạo tuyến của BV Việt Đức.

GS.TS. Trần Bình Giang cho biết kết quả của công tác chỉ đạo tuyến và BV vệ tinh

Cũng nhờ hệ thống Telemedicine do BV Việt Đức chuyển giao từ tháng 7-2016, đã có nhiều bệnh nhân ở BVĐK tỉnh Ninh Bình được cứu sống ngoạn mục. 

“Việc hỗ trợ sử dụng hệ thống Telemedicine đã tạo giúp BV chúng tôi kết nối và trao đổi chuyên môn với BV Việt Đức và các BV vệ tinh trong cùng hệ thống, nên nhiều ca bệnh nặng, ca bệnh khó được hội chẩn với các chuyên gia của BV Việt Đức, nên có hướng xử trí kịp thời, cứu sống hàng nghìn người bệnh. Thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, các thầy thuốc tuyến tỉnh còn nâng cao trình độ chuyên môn”- ThS. Phạm Văn Hiệp – Giám đốc BVĐK tỉnh Ninh Bình cho biết.

Sau khi tham gia dự án BV vệ tinh, BVĐK tỉnh Ninh Bình đã đủ khả năng phát triển thành nhiều khoa độc lập và nhiều kỹ thuật ngoại khoa đã trở thành thế mạnh như phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi tiết niệu, thay khớp háng, phẫu thuật cột sống vv…

Trước đó, năm 2015, BVĐK Phú Thọ cũng đã trở thành BV tuyến tỉnh đầu tiên ghép được thận sau khi BV Việt Đức chuyển giao kỹ thuật. Ngoài ra, BVĐK Phú Thọ còn thực hiện được nhiều kỹ thuật khó mà trước đây đều phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, như phẫu thuật cắt bỏ các khối u nằm sâu trong ổ bụng, can thiệp tim mạch, phẫu thuật sọ não vv...

Các chuyên gia đầu của BV Việt Đức chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ tuyến dưới

Không chỉ thế, hàng chục nạn nhân trong các vụ tai nạn thảm khốc như vụ sập cầu Chu Va (Lai Châu), vụ xe khách rơi xuống vực ở Sa Pa (Lào Cai), cùng hàng ngàn ca h cấp cứu đã được các cơ sở y tế trên địa bàn kịp thời cứu chữa, là những minh chứng sống động cho sự phát triển về ngoại khoa của các BV tuyến dưới những năm qua. Đây là kết quả từ sự hỗ trợ về công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của BV Việt Đức mà các thầy thuốc đã chia sẻ trong dịp tổng kết 10 năm BV Việt Đức thực hiện Đề án 1816 và dự án BV vệ tinh.

Ngày 13-12, trao đổi với PV Báo CAND, GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc BV Việt Đức, cho biết: Sau 10 năm thực hiện Đề án 1816 và 5 năm triển khai Dự án BV vệ tinh chuyên ngành ngoại chấn thương giai đoạn 2013 – 2020, BV Việt Đức đã chuyển giao được 516 kỹ thuật, đưa 1.032 lượt cán bộ y tế xuống hỗ trợ cho hơn 100 BV tuyến dưới và gần 3.000 lượt học viên, giúp nâng cao trình độ cho các cán bộ y tế BV tuyến dưới.

Nhờ được chuyển giao kỹ thuật, BV huyện Thạch Thất đã cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung.

 “Nhờ những thành công của các BV tuyến dưới mà nhiều bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời, bởi nếu chuyển tuyến sẽ tử vong trên đường, đồng thời, tạo điều kiện để người dân địa phương được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại quê hương, không phải đi lại vất vả mà còn giảm chi phí khám, chữa bệnh. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng để tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, góp phần cải thiện tình trạng nằm ghép ở BV tuyến Trung ương” - GS. Giang chia sẻ.

Để làm được điều này, BV Việt Đức đã kế thừa kinh nghiệm thành công của giai đoạn trước, tổ chức khảo sát nhu cầu thực tế của các BV thuộc các tỉnh miền núi, biên giới để có phương án hỗ trợ, tránh lãng phí nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật. 

Một nội dung quan trọng của y tế hiện đại là hệ thống Telemedicine đã được lắp đặt, kết nối tại phòng mổ và phòng hội chẩn của 7 BV vệ tinh với BV Việt Đức – nhân tố quan trọng để cứu sống nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh. BV đã phối hợp với 11 BV hoàn thành Dự án BV vệ tinh chuyên ngành ngoại chấn thương giai đoạn 2016 - 2020.

Với sự hỗ trợ của BV Việt Đức, nhiều BV tuyến tỉnh đã được cải tạo, xây mới, phát triển mạnh cả về trình độ kỹ thuật lẫn cơ sở vật chất. 80% BV vệ tinh đang triển khai nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như bổ sung nhân lực phục vụ các hoạt động dự án, đặc biệt là hoạt động đào tạo, chuyển giao các gói kỹ thuật. 

Đặc biệt, các BV vệ tinh đã làm chủ nhiều kỹ thuật khó nên tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 100% còn 5-3%, thậm chí 0% như các kỹ thuật tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng, phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi, phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi, kỹ thuật cầm máu trong xuất huyết dạ dày, điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc vv… tại các BVĐK tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Thanh Hóa… Từ dự án BV vệ tinh, đã có 9 BV được nâng từ hạng 2 lên hạng 1 và hầu hết các BV đều cam kết nâng hạng.

BVĐK tỉnh Thái Bình cũng là một trong các BV có bước phát triển mạnh nhờ sự giúp đỡ hiệu quả của BV Việt Đức thông qua các Đề án, Dự án nên đã được nâng cao năng lực chuyên ngành ngoại khoa, đặc biệt ở các lĩnh vực được đào tạo, chuyển giao. 

Giám đốc BV này cho biết, BV đã triển khai và duy trì tốt các kỹ thuật được chuyển giao; phát huy hiệu quả các trang thiết bị được đầu tư. Nhờ đó, số bệnh nhân thụ hưởng kỹ thuật tăng lên, tỉ lệ phẫu thuật thành công cũng tăng, đồng thời, giảm tỷ lệ tai biến, biến chứng và giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên. Vì thế, BVĐK tỉnh Thái Bình đề nghị BV Việt Đức tiếp tục giám sát, chuẩn hóa các kỹ thuật đã được chuyển giao và giúp đỡ đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu.

 


Thanh Hằng
.
.
.