Bệnh viện Việt Đức áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị cột sống cho trẻ

Thứ Hai, 04/06/2018, 16:11

Ngày 4-6, GS. Stuart Weinstein, chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật cột sống, nguyên Chủ tịch hội Phẫu thuật Hàn Lâm Chấn thương Chỉnh hình Hoa Kỳ, đã có mặt tại Bệnh viện (BV) Việt Đức, để trực tiếp khám và tư vấn miễn phí cho các bé bị bệnh cột sống.



GS. Stuart Weinstein cho biết, ông sẽ chuyển giao cho các bác sĩ BV Việt Đức một số phương pháp chẩn đoán và kỹ thuật điều trị mới, tập trung ở những bệnh nhi dưới 10 tuổi để ngăn chặn tình trạng vẹo cột sống ở giai đoạn sớm nhất. Một trong những kỹ thuật mới là “thanh nẹp thần kỳ”, áp dụng cho các bệnh nhân còn rất bé, từ 3 tuổi trở lên. Bác sĩ dùng giá đỡ cho cột sống của bệnh nhân và nới dần dần theo từng năm trẻ lớn lên, ngăn chặn tình trạng vẹo cột sống nặng lên.

GS. Stuart Weinstein khám cho trẻ bị bệnh cột sống

Theo GS. Stuart Weinstein, “thanh nẹp thần kỳ” có thể giãn nẹp bằng dụng cụ điều khiển từ bên ngoài. Từ 3-6 tháng, bệnh nhân chỉ cần đến phòng khám, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ điều khiển để giãn nẹp ra. Khi bệnh nhân được 9-10 tuổi thì có thể mổ lấy nẹp ra và thay bằng một nẹp cố định. Trước đây, kỹ thuật cũ nên mỗi lần giãn nẹp, bệnh nhân phải mổ, còn nay, bệnh nhân chỉ đến phòng khám để giãn nẹp, vừa giảm đau đớn, lại giảm giá thành, không phải nằm viện và hiệu quả điều trị được nâng cao.

GS. Stuart Weinstein cũng cho hay, việc theo dõi hàng năm cho thấy chất lượng điều trị của các bệnh nhân cột sống tại BV Việt Đức ngày càng được cải thiện. Các bác sĩ đã làm rất tốt so với yêu cầu của các nước, do luôn cập nhật những kiến thức mới về phẫu thuật cũng như điều trị cột sống. Tuy nhiên còn nhiều bệnh nhân đến điều trị trong giai đoạn muộn, do đó cần bổ sung kiến thức cho các bác sĩ tuyến dưới để phát hiện bệnh sớm và điều này rất quan trọng bên cạnh phát triển chuyên khoa sâu.

GS. Stuart Weinstein trao đổi với các phẫu thuật viên của BV Việt Đức

GS. Stuart Weinstein cũng cho biết tỉ lệ vẹo cột sống ở Việt Nam cũng như các nước, có điều, số bệnh nhân nặng lại cao hơn, do phát hiện muộn và điều trị muộn hơn. “Ở Việt Nam, tôi gặp rất nhiều bệnh nhân 9-10 tuổi nhưng ở các nước bệnh nhân chỉ từ 3-4 tuổi đã được phát hiện”- GS. Stuart Weinstein lưu ý.

PGS.TS. Đinh Ngọc Sơn cho biết vẹo cột sống trẻ em chiếm từ 0,5 đến 1% dân số. Điều đáng nói là, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể, nhất là trong giai đoạn bé đang phát triển từ 5-8 tuổi, như hệ thống tuần hoàn, bị lép một bên phổi, ảnh hưởng đến tim và sau này, có thể khó khăn để sinh nở nếu là phụ nữ.

PGS.TS. Đinh Ngọc Sơn hy vọng, tới đây, với việc đầu tư cho đào tạo các bác sĩ tuyến cơ sở sẽ giúp phát hiện sớm bệnh nhân bị vẹo cột sống, để phối hợp với bác sĩ chuyên khoa có phác đồ điều trị sớm và ngăn chặn vẹo cột sống nặng lên. Kỹ thuật mới đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu và có máy monito theo dõi tủy. Nếu nẹp giãn căng quá, máy sẽ báo động. Bên cạnh đó, Khoa Phẫu thuật cột sống còn sử dụng robot định vị để hỗ trợ phẫu thuật, đảm bảo chính xác và an toàn.

 “Với đội ngũ bác sĩ có tay nghề và trình độ chuyên môn sâu, từ nay, kỹ thuật nẹp tăng trưởng sẽ được áp dụng thường quy tại BV Việt Đức.” PGS. Sơn thông tin.

Thanh Hằng
.
.
.