Tổng kết và trao giải cuộc vận động sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND

Thứ Tư, 17/08/2016, 15:23
Cuộc vận động sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND đã khép lại sau 3 năm triển khai bằng lễ tổng kết Cuộc vận động và trao giải cuộc thi viết “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” vào ngày 17-8 tại Hà Nội. 


Cuộc vận động sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND do Bộ Công an phát động từ 9-2012, với mục đích để tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về truyền thống cách mạng vẻ vang, cũng như để sưu tầm những kỷ vật lịch sử, văn hóa –những di sản của lực lượng CAND, của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động do Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an làm Trưởng Ban.

Việc sưu tầm các kỷ vật có ý nghĩa đặc biệt để khơi dậy truyền thống yêu nước cho thế hệ sau, nhất là khi các thế hệ chiến sĩ trực tiếp tham gia vào các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đã có nhiều người “ra đi” và nhiều người cũng đã tuổi cao, sức yếu.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng BTC Cuộc vận động tổng kết Cuộc vận động

Nhìn lại Cuộc vận động sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND, Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng BTC Cuộc vận động, khẳng định: Cuộc vận động nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các thế hệ CBCS CAND và nhân dân cả nước, nên sau 3 năm triển khai đã thành công tốt đẹp.

Nhiều đơn vị thuộc lực lượng Công an đã tích cực tuyên truyền, vận động và hiến tặng kỷ vật, tiêu biểu như CLB sĩ quan Công an hưu trí Bộ Công an và Công an TP Hà Nội; Tổng cục hậu cần –kỹ thuật CAND, Công an các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế; Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Báo CAND, Truyền hình CAND, NXB CAND, Báo ANTĐ, nhiều đơn vị thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp vv… 

Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, Ủy viên BTC- Phó Trưởng Ban Giám khảo, đánh giá lại cuộc thi viết “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” 

Các tập thể ngoài lực lượng Công an cũng tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động của Cuộc vận động, tiêu biểu như Vietinbank, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Quân khu 9 vv…

Trong quá trình diễn ra Cuộc vận động, nhiều chương trình giao lưu –nghệ thuật, giới thiệu về Cuộc vận động đã được tổ chức, góp phần làm lan tỏa Cuộc vận động sâu rộng trong nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười nhấn mạnh: Rất nhiều kỷ vật có giá trị gắn liền với lịch sử của lực lượng Công an và cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập của các thế hệ CBCS CAND đã được sưu tầm và tiếp nhận từ các tập thể, cá nhân trong và ngoài lực lượng CAND. 

Các nhân chứng lịch sử, các đồng chí Công an lão thành, Anh hùng LLVTND, CBCS Công an cùng các cá nhân trong và ngoài lực lượng CAND đã tích cực vận động và hiến tặng, như Trung tướng, Anh hùng LLVTND Võ Viết Thanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; 

Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND); Trung tướng, Anh hùng LLVTND Châu Văn Mẫn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND; Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Hinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V; 

Thiếu tướng Đỗ Hùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Huỳnh Huề, nguyên Cụm phó Cụm Điệp báo A10, Ban An ninh Khu Sài Gòn –Gia Định; Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Minh Châu, Anh hùng LLVTND Mai Thị Rân, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Cường vv…

    Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng BTC Cuộc vận động trao giải Nhất cho tác giả Đặng Vương Hưng

3 năm qua, BTC Cuộc vận động đã tổ chức sưu tầm tại gần 300 đơn vị, trên 500 cá nhân trong và ngoài lực lượng Công an; vận động tổ chức được 11 đợt tiếp nhận và triển lãm kỷ vật lịch sử CAND, trong đó riêng tại Hà Nội là 4 đợt, ngoài ra còn tổ chức tại Sơn La, Thái Bình, Cần Thơ và Huế. 

Đặc biệt, đợt tiếp nhận tại TP Hồ Chí Minh đã thu hút gần 17.000 lượt khách tham quan. Đến nay, Cuộc vận động đã sưu tầm, tiếp nhận được 5.159 kỷ vật lịch sử CAND và Bảo tàng CAND đã hoàn thiện khoảng 3.800 hồ sơ khoa học và lựa chọn, bổ sung trưng bày tại Bảo tàng CAND gần 400 kỷ vật lịch sử tiêu biểu.

Để đưa Cuộc Vận động đi vào chiều sâu, động viên nhân dân, các thế hệ CBCS Công an và bạn bè quốc tế hiến tặng thêm nhiều kỷ vật quý hiếm, BTC Cuộc Vận động đã phối hợp với Báo CAND tổ chức cuộc thi viết và sưu tầm kỷ vật mang tên “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” (2013-2015).

 Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng BTC Cuộc vận động trao giải Nhì cho các tác giả Thanh Hằng và Phan Hoạt

Tại buổi lễ, Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, Ủy viên BTC- Phó Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi viết đã đánh giá lại cuộc thi: Với hơn 400 tác phẩm của hơn 300 tác giả trong và ngoài lực lượng Công an tham dự, cuộc thi đã thu được những kết quả tốt đẹp. Hơn nửa số bài dự thi đã được sử dụng trên Báo CAND, Truyền hình CAND và nhiều cơ quan báo chí khác. 

Đặc biệt, chọn lọc từ những tác giả và tác phẩm có chất lượng, BTC cuộc thi đã xuất bản được 2 bộ sách cùng tên “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” với hơn 200 tác phẩm tiêu biểu và do chính Thượng tướng Đặng Văn Hiếu viết lời giới thiệu. Ban Giám khảo đã thảo luận, thống nhất đánh giá và lựa chọn trao giải cho 11 tác phẩm xuất sắc nhất, gồm một giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.

Thượng tá Phạm Khải cho biết thêm: Trong số các tác phẩm đoạt giải, ngoài việc giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn được lựa chọn trưng bày phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục, như bộ sưu tập ký họa của họa sĩ Lương Mạnh Tậm, góp phần tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ và tôn vinh, bảo vệ giá trị di sản văn hóa CAND.

Một số hình ảnh tại buổi tổng kết và trao giải:

Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban trao giải ba cho các tác giả.
Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban trao giải Khuyến khích cho các tác giả.
Ban tổ chức và các tác giả Báo CAND đoạt giải.

Danh sách các tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”:

Giải Nhất: Tác phẩm “Phát hiện một họa sĩ gần 80 tuổi với hàng trăm tác phẩm vô giá” của tác giả Đặng Vương Hưng

Giải Nhì gồm 2 tác phẩm: 

Tác phẩm “Khẩu súng và bản đồ thu giữ tại phòng Tổng thống Thiệu sáng 30-4-1975: những giá trị lịch sử” của tác giả Ngô Thanh Hằng.

Tác phẩm “Những kỷ vật của cán bộ đi B” của Phan Hoạt.

Giải Ba gồm 3 tác phẩm: “Nhiệt huyết tuổi 20 qua bức thư thời chiến” của tác giả Trần Duy Hiển; “Chiếc xe đạp chiến lợi phẩm và chiến công của lực lượng An ninh Quảng Trị” tác giả Minh Hiền –Vũ Linh; “Lá thư đặc biệt của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn” của Minh Chi.

5 giải Khuyến khích gồm: “Nhân lên niềm tự hào” của Hà Anh; “Bác Hồ trong ký ức của người lính cảnh vệ Nguyễn Ngọc Cẩn” của Bảo Hằng; “Người khởi xướng phong trào học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND” của Đoàn Xuân Tuyến-Phạm Thị Thanh Thủy; “Trở lại thị xã Quảng Trị ngày 1-5-1972” của Tạ Quang Thành và “Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường” của Việt Hải.


Thanh Hằng
.
.
.