"Những kỷ vật kháng chiến" - Ký ức tự hào về cha anh

Thứ Ba, 21/12/2010, 11:31
Mỗi hiện vật, là một dấu ấn thời gian, đánh thức ký ức đầy tự hào của một thế hệ như huyền thoại về tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự hi sinh quên mình và những đóng góp của bạn bè quốc tế, giúp cho việc nghiên cứu khoa học quân sự, đồng thời, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc.

Đúng vào ngày kỷ niệm Toàn quốc kháng chiến 19-12 và 66 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, lễ tổng kết cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu "Những kỷ vật kháng chiến" đã diễn ra tại Hà Nội.

Dự buổi lễ, có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và đại diện nhiều bộ, ban, ngành v.v…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á và tập thể Ngân hàng TMCP Bắc Á.

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trưởng BCĐ cuộc vận động, nhấn mạnh: Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu "Những kỷ vật kháng chiến" nhằm phát huy, bảo tồn giá trị to lớn của những di sản văn hóa quân sự trong nhân dân.

3 năm qua, cuộc vận động đã thu được thành công đáng ghi nhận, với khoảng 11 ngàn hiện vật được hiến tặng, có giá trị có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, khoa học, xã hội và nhân văn. Với thông điệp đầy ý nghĩa: Hãy giữ gìn những thành quả mà bao con người đã hy sinh xương máu để có được, cuộc vận động là sự ghi nhận, tôn vinh sự cống hiến to lớn của quân và dân ta, của bạn bè quốc tế trong các cuộc kháng chiến, góp phần giáo dục truyền thống anh hùng, bất khuất và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Các đại biểu đã hết sức xúc động khi được ôn lại quá khứ oai hùng của Quân đội ta trong 66 năm qua với những chiến công lừng lẫy, đánh thắng 2 đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ. Từ năm 1946, thực dân Pháp đã phải ngạc nhiên đến sửng sốt trước tinh thần quả cảm của quân và dân ta: Ở Hà Nội, có một trung đoàn bộ đội "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"; trên chiến khu Việt Bắc, những người lính quả cảm cũng góp phần làm nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, người tham gia kháng chiến từ ngày đầu, rưng rưng nhớ về kỷ niệm với Tiểu đoàn 42 Bình Ca anh hùng trong những ngày bảo vệ Bác Hồ, TW Đảng và Chính phủ. Ông bảo, hành trang những người lính khi ấy chỉ có lời thề ngày 2-9-1945 là quyết bảo vệ độc lập, tự do. Đó là lời thề đã đi theo thế hệ ông cho đến ngày 30-4-1975 mới trọn vẹn. Trước tâm sự của vị tướng già, cả hội trường rộng lớn của Bộ Quốc phòng bỗng ngập tràn những tràng pháo tay vang dội, cùng lời ca hào sảng "Đời mình là một khúc quân hành…" của các thế hệ người lính.

Sự khốc liệt của cuộc chiến tưởng như không có chỗ cho tình yêu tồn tại. Nhưng chính sự lãng mạn của những người lính đã viết nên nét đẹp riêng cho cuộc chiến. Đó là những bức thư tình của đôi vợ chồng cựu binh Vũ Quang Bích - Đỗ Chu Ngân, là đám cưới giản dị, bắt đầu cho một cuộc chờ đợi thủy chung dài theo năm tháng. Cũng như bao người phụ nữ khác, với bà Chu Ngân, tình yêu giản dị đó đã trở thành nguồn động viên to lớn để bà yên tâm công tác, thủy chung chờ đợi ông những năm dài dặc nơi chiến trường v.v…

Trong cuộc giao lưu đặc biệt, khán giả còn được gặp lại chiếc mũ sắt của một liệt sĩ và câu chuyện vô cùng xúc động về những người con Hà Nội trong trận đầu đọ sức với lính Mỹ ở Chư Tan Kra, mà Thượng tướng Nguyễn Thế Trị mang đến. Họ là những chiến sĩ của Thủ đô Hà Nội thuộc Sư đoàn 312, bằng sự thông minh, dũng cảm, đã đánh bật quân Mỹ có đủ vũ khí tối tân hỗ trợ, trong đêm 26/3/1968. Trận đánh đã gây được tiếng vang trong nhân dân Mỹ tiến bộ. 150 chiến sĩ đã nằm lại Chư Tan Kra, trong rừng xanh xa vắng, trong nỗi khắc khoải của gia đình. Đồng đội của họ đã nhiều lần trở lại, nhưng mới chỉ tìm được 38 đồng chí.

Thật kỳ lạ khi một ngày trước buổi lễ diễn ra, ngày 18/12/2010, đồng đội của họ đến Chư Tan Kra và đã tìm thấy một ngôi mộ tập thể chừng 70 người v.v…

Buổi lễ thêm một lần tôn vinh những người mẹ. Có người mẹ mấy chục năm không trọn giấc, vì thấp thỏm đợi tiếng tàu đưa đứa con trai đã hy sinh trở về. Có người mẹ không chỉ là điểm tựa tinh thần của những người lính, mà còn trực tiếp tham gia cách mạng. Một trong những tấm gương ngời sáng đó là mẹ Trần Thị Xân (Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam). Mẹ có 5 con là liệt sĩ và chính mẹ cũng tham gia cách mạng. Mẹ đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt, bên nồi cơm nấu dở cho thương binh, để lại niềm khâm phục cho bà con, đồng đội…

Người xem có dịp gặp lại cây đàn piano của nhạc sĩ danh tiếng Đỗ Nhuận, người đã tạc vào năm tháng cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc bằng những tác phẩm âm nhạc bất hủ. Hôm nay, con trai ông, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lại tự tay chơi bài ca đi cùng năm tháng "Áo mùa đông" của cha, như lời khẳng định về sự tiếp bước thế hệ cha anh…

Mỗi hiện vật, là một dấu ấn thời gian, đánh thức ký ức đầy tự hào của một thế hệ như huyền thoại về tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự hi sinh quên mình và những đóng góp của bạn bè quốc tế, giúp cho việc nghiên cứu khoa học quân sự, đồng thời, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trưởng BCĐ cuộc vận động; bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á và tập thể Ngân hàng TMCP Bắc Á, đơn vị tài trợ cho cuộc vận động. Đại tướng Phùng Quang Thanh và Đại tướng Lê Văn Dũng đã trao Bằng khen của Bộ Quốc phòng tặng 5 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu "Những kỷ vật kháng chiến"

Thanh Hằng
.
.
.