Việt Nam không lơ là với dịch Ebola

Thứ Hai, 04/06/2018, 17:24

Tại cuộc họp khẩn về các biện pháp ứng phó với dịch Ebola do Bộ Y tế tổ chức chiều 4-6, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Dịch Ebola vẫn đang diễn biến phức tạp với 58 người mắc, trong đó 27 người tử vong.



Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế tổ chức đánh giá nguy cơ lây truyền dịch bệnh Ebola tại Việt Nam và nhận định: Dịch bệnh Ebola năm 2018 tại Công Gô được phát hiện sớm, quy mô ổ dịch nhỏ, khu vực xảy ra dịch bệnh ở khu vực hẻo lánh cách xa khu vực đông dân cư, giao thông đi lại khó khăn, ít giao thương và không có khách du lịch. 

Hơn nữa, không có đường bay thẳng từ Công Gô đến châu Á –Thái Bình Dương cũng như tới Việt Nam. WHO, USCDC, các tổ chức quốc tế và Chính phủ Công Gô đã có kinh nghiệm đáp ứng sớm với dịch bệnh Ebola, đến nay bệnh đã có vaccine phòng bệnh (hiệu lực vaccine đạt 100%). Các quốc gia láng giềng với Công Gô và khu vực châu Phi đã có kinh nghiệm từ vụ dịch 2014. Hiện hệ thống phòng chống, ứng phó với dịch bệnh Ebola tại các nước này đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với WHO, US CDC theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình dịch tại Công Gô. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố có cảng hàng không quốc tế tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola. Ban hành văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh, tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, bệnh viện, cửa khẩu. Chỉ đạo các Trung tâm Kiểm dịch y tế, trung tâm phòng chống dịch bệnh tỉnh thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu.

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết công tác giám sát dịch đã được triển khai tại các cửa khẩu từ 2 tuần nay. Viện hàng ngày cập nhật tình hình và thông báo tới các Trung tâm; rà soát hướng dẫn chuyên môn để xem xét, có gì cần báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế. Viện liên tục theo dõi tin từ WHO để cập nhật. Việt Nam đã chuẩn bị ứng phó tốt từ vụ dịch Ebola năm 2014, nên hiện đã làm được xét nghiệm chẩn đoán Ebola và hiện vẫn còn đầy đủ năng lực, khả năng xét nghiệm.

Đại diện Cục An ninh cửa khẩu (Bộ Công an) cho biết, số lượng khách từ Công Gô xuất, nhập cảnh Việt Nam rất ít vì thường quá cảnh qua các nước. Từ đầu 2018 đến nay chỉ có dưới 10 người xuất nhập cảnh ở sân bay Nội Bài và 20 hành khách Tân Sơn Nhất. Trước tình hình dịch bệnh, Cục An ninh cửa khẩu sẵn sàng cung cấp các số liệu về số lượng khách từ Công Gô đến Việt Nam và ngược lại, theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý tỉ lệ tử vong do Ebola ở Công Gô tới gần 50% số mắc là rất cao nên mức độ là nguy hiểm. Vì thế, Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt với các tổ chức quốc tế để đánh giá khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Dù dịch xảy ra ở vùng hẻo lánh của Công Gô, điều kiện y tế kém, không có khách du lịch, nhưng phòng chống dịch bệnh không cho phép lơ là chủ quan. 

Vì thế, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế, WHO và US CDC; tiếp tục theo dõi giám sát tại cửa khẩu, hiện đang áp dụng giám sát thân nhiệt, chưa áp dụng tờ khai y tế cửa khẩu. Nếu có diễn biến xấu về dịch, Cục Y tế dự phòng sẽ có hướng dẫn tờ khai và hạn chế đi lại.

Năm nay đã có vaccine phòng Ebola mà việc thử nghiệm lâm sàng cho biết là tốt. Vì vậy, Thứ trưởng Long chỉ đạo Cục Y tế dự phòng rà soát lại kế hoạch ứng phó và tình huống nào thì cho sử dụng vaccine. Việt Nam sẽ liên hệ chặt với WHO vì nếu khả năng phòng vệ gần 100% thì rất an toàn; tăng cường đào tạo, tập huấn cán bộ, rà soát các hướng dẫn về chuyên môn từ 2014, giao cho các địa phương trong tình huống nào. Hàng tuần COD Việt Nam trao đổi với các tổ chức quốc tế về tình hình. Các lực lượng An ninh cửa khẩu, hàng không theo dõi, giám sát chặt tình hình vv…



Thanh Hằng
.
.
.