Tán sỏi nội soi qua da ở Bệnh viện Xanh Pôn: An toàn, ít đau, thời gian nằm viện ngắn

Thứ Sáu, 22/07/2016, 15:51
Sáng 22-7, chị Nông Thị Ngọc Th. (Hạ Lang, Cao Bằng) đã được ra viện chỉ sau 3 ngày tán sỏi thận qua da bằng laser đường hầm nhỏ tại Bệnh viện (BV Xanh Pôn). Đây là một trong những bệnh nhân được điều trị sỏi thận bằng kỹ thuật mới tại BV Xanh Pôn với chi phí rất thấp so với nhiều BV trên địa bàn Hà Nội.

Kỹ thuật tán sỏi qua da hoàn toàn thay thế cho mổ mở, người bệnh không phải chịu đau đớn vì phẫu thuật, lại ít sang chấn, thời gian nằm viện rất ngắn. Nhưng thời gian qua chưa nhiều người được tiếp cận phương pháp này, bởi nhiều bệnh viện chưa triển khai, chi phí điều trị ở nhiều BV rất đắt, có khi tới 100 triệu đồng/ca. 

Giờ đây, với kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng laser đường hầm nhỏ mà BV Xanh Pôn vừa triển khai từ tháng 12-2015, chi phí mỗi ca chỉ khoảng 20 triệu đồng, là cơ hội cho nhiều người bệnh cải thiện cuộc sống. “Tiếng lành đồn xa” nên những tháng qua, số bệnh nhân đăng ký tán sỏi qua da ở BV Xanh Pôn tăng nhanh.

BS CKII. Phạm Huy Huyên, Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu -BV Xanh Pôn, là người trực tiếp tiến hành nhiều ca tán sỏi tán sỏi qua da, cho biết: Sỏi thận là căn bệnh hay gặp ở Việt Nam, gây nên những cơn đau quặn cho người bệnh. 

BSCKII. Phạm Huy Huyên tiến hành tán sỏi qua da cho bệnh nhân.

Nếu để muộn, sỏi sẽ có kích thước lớn làm thận bị giãn to, phải mổ mở với nguy cơ về chảy máu, nhiễm trùng, lâu bình phục. Từng có bệnh nhân bị vỡ thận và vỡ bàng quang do sỏi. Sỏi thận còn có thể gây các biến chứng như giảm chức năng thận, suy thận, gây nhiễm trùng bể thận, phải cắt bỏ nếu thận viêm nhiễm, có mủ toàn diện, thậm chí tử vong.

Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng ở Việt Nam, bệnh nhân sỏi thận thường được phát hiện muộn với nhiều biến chứng, khiến cho việc điều trị khó khăn. Nếu phải mổ mở để lấy sỏi, bệnh nhân phải chịu đau đớn, bị chảy máu, ảnh hưởng sức khoẻ. Vì thế, phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ là một bước tiến vượt bậc trong điều trị sỏi thận.

Theo BS. Phạm Huy Huyên, phương pháp này giúp điều trị những bệnh nhân bị sỏi thận và sỏi niệu quản ở khúc nối bể thận niệu quản với viên sỏi có kích thước lớn trên 2cm, sỏi san hô. Viên sỏi lớn bị phá vỡ thành những vụn nhỏ và được một thiết bị bơm đẩy ra ngoài cơ thể qua đường hầm. Phương pháp này còn cho phép thực hiện với cả bệnh nhân bị sỏi to có chỉ định mổ mở và giúp cho bệnh nhân đã mổ sỏi thận không phải mổ mở thêm lần nữa, mà việc mổ thường khá khó khăn và lâu bình phục.

Tán sỏi qua da taih BV Xanh Pôn.

Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ có nhiều ưu việt, an toàn hơn mổ mở, ít sang chấn, ít tổn thương vùng lành, giảm chảy máu, bệnh nhân sớm bình phục nên thời gian nằm viện ngắn. Nếu mổ mở phải mở một lỗ chừng 5-8cm và mất ít nhất 7 ngày mới cắt chỉ để được ra viện, thì tán sỏi qua da đường hầm nhỏ chỉ cần mở một lỗ trên da 0,5cm và chỉ nằm viện 3-4 ngày là ra viện và không cần phải cắt chỉ.

Không chỉ ưu việt hơn mổ mở, phương pháp này còn hiệu quả hơn cả phương pháp tán sỏi qua da đường hầm lớn mà trước đây một số BV đã áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Tán sỏi qua da đường hầm lớn phải mở một lỗ trên da lớn gần gấp đôi đường hầm nhỏ mà BV Xanh Pôn đang áp dụng, nên bị chảy máu nhiều hơn. 

Đặc biệt, bác sĩ phải sử dụng màn hình tăng sáng X quang nên độc hại với cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân, thời gian làm việc lâu hơn, cần nhiều người hơn. Với kỹ thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, bác sĩ thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm, vừa đảm bảo chính xác cao, tia laser sẽ đến được đúng vị trí sỏi và an toàn hơn nhiều sử dụng màn hình X quang.

Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật cao, đòi hỏi kỹ thuật viên phải có kinh nghiệm và BV phải đủ trang thiết bị. Vì thế, thường các BV lớn mới đủ điều kiện để tiến hành. BV Xanh Pôn dù đã được trang bị nhiều thiết bị, nhưng vẫn thiếu các thiết bị chuyên dụng trị giá hàng chục tỷ đồng để thực hiện kỹ thuật này. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế chưa thanh toán nên trước 2015, BV chưa triển khai được, dù nhu cầu của người dân rất lớn.

Đã có nhiều bệnh nhân được điều trị tán sỏi qua da không cần phẫu thuật.

Nhưng trong những lần dự hội thảo quốc tế, BS. Phạm Huy Huyên đã chứng kiến các giáo sư của Nhật và Trung Quốc thực hiện kỹ thuật này với nhiều trang thiết bị không chuyên dụng mà vẫn thành công nên rất tâm đắc. Vì thế, ông đã trao đổi với lãnh đạo BV để không thụ động chờ đợi đầu tư thiết bị chuyên dụng và cơ chế, mà linh hoạt ứng dụng kỹ thuật mới dựa trên điều kiện thực tế của BV để có nhiều người bệnh được chữa trị kịp thời. 

Với thế mạnh là bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm về phẫu thuật mổ mở và nội soi kết hợp với siêu âm, BS. Phạm Huy Huyên đã được lãnh đạo tin cậy và ủng hộ triển khai kỹ thuật này.

Dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, lại chưa có các trang thiết bị chuyên dụng hiện đại, nhưng việc BV Xanh Pôn mạnh dạn ứng dụng thành công kỹ thuật tán sỏi qua da bằng laser đường hầm nhỏ, đã cho thấy sự năng động và sáng tạo, cũng như trình độ tay nghề và cả bản lĩnh của các thầy thuốc trong mong muốn phục vụ người bệnh tốt nhất, với chi phí rẻ nhất. 

Thanh Hằng
.
.
.