Suýt thủng thực quản vì hóc xương gà chữa “mẹo”
- Bệnh viện E kỷ niệm 50 năm thành lập
- Hội nghị khoa học của Bệnh viện E thu hút hơn 100 báo cáo
- Bệnh viện E cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp
- Bệnh viện E ký cam kết thực hiện đổi mới phong cách phục vụ
Theo BS. Đặng Trung Thành, Phó Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện E, người trực tiếp nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân, ca bệnh này khá nguy hiểm khi dị vật mắc ở ngang mức đốt sống ngực 3 (vùng trung thất) có thể gây những biến chứng bất ngờ, thậm chí nguy cơ tử vong cao cho bệnh nhân trước, trong và sau ca phẫu thuật.
Trước đó bệnh nhân nhập viện vì bị đau đớn, không ăn được, tức ngực nhưng không khó thở, không sốt, không ho... Kết quả nội soi dạ dày cho thấy bệnh nhân bị một miếng xương bám chắc vào hai bên thực quản.
Hỏi ra mới biết trước đó 1 tuần, bệnh nhân ăn thịt gà và không may nuốt phải một mảnh xương. Bệnh nhân đã chữa “mẹo” cho xương xuôi xuống nhưng mảnh xương vẫn mắc lại ở thực quản.
Phim chụp dị vật của bệnh nhân |
Tuy nhiên, thay vì đến bệnh viện để được điều trị sớm thì bệnh nhân vẫn tiếp tục chữa “mẹo” dân gian và uống sữa để hy vọng mảnh xương đó… tiêu và tự trôi xuống. Chỉ đến khi đau đớn không chịu nổi nữa, bệnh nhân mới chịu đến bệnh viện.
Kết quả chụp CT tiếp tục cho các bác sĩ thấy đây là trường hợp rất nguy hiểm, bởi bệnh nhân bị hóc xương đã biến chứng áp xe, nhiễm trùng nặng. Dị vật nằm trên quai động mạch chủ gần vị trí động mạch cảnh trái.
Bệnh nhân bị hóc xương gà rất nguy hiểm |
BS. Đặng Trung Thành cho biết, nếu dị vật không được gắp bỏ kịp thời thì sẽ gây áp xe, nhiễm trùng thực quản, phổi, áp xe phổi, nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.
Ca mổ lấy mảnh xương bị hóc cho bệnh nhân ngày 7-11 tại BV E |
Ca mổ được chuẩn bị kỹ càng đã diễn ra khoảng 30 phút và dị vật đã được lấy ra khỏi thực quản của người bệnh. Đó là một mảnh xương gà hình chữ L cắm sâu vào thực quản và gây 2 vết loét đối xứng nhau, trong đó một vết loét sâu qua lớp cơ thực quản nhưng hiện tại chưa gây thủng thực quản.
BS Thành nhấn mạnh, ca mổ tuy diễn ra thành công nhưng quá trình theo dõi sau mổ đối với bệnh nhân này rất quan trọng: mạch, huyết áp ổn định; tình trạng hô hấp tốt; đau ngực (do áp xe xâm lấn); sốt cao do nhiễm trùng. Nếu không gặp biến chứng và bệnh nhân đáp ứng tốt các loại thuốc điều trị thì dự kiến bệnh nhân có thể ra viện sau 7 -10 ngày.