Sẽ nâng mức cảnh báo cúm A(H7N9) như đã có dịch

Thứ Sáu, 03/03/2017, 17:27
Đối diện với khả năng dịch cúm A(H7N9) độc lực cao xâm nhập vào nước ta, ngày 3-3, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với các ngành liên quan để có các giải pháp ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Trước tình hình dịch cúm A(H7N9) gia tăng mạnh cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - chủ trì cuộc họp - đã đề nghị nâng mức cảnh báo với dịch cúm A(H7N9) lên mức 2 trong 4 tình huống theo kế hoạch phòng chống cúm gia cầm, coi như Việt Nam đã có ca bệnh xâm nhập để nâng cao cấp độ giám sát.

Ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – đã đưa đến những thông tin mới nhất về diễn biến của dịch cúm A(H7N9). Theo đó, thời gian từ ngày khởi phát đến ngày tử vong đã nhanh hơn, khi chỉ có 8,5 ngày, so với trước đây là 17 ngày. Trong tuần gần nhất, đã có 56 ca mắc mới tập trung ở các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây- 2 tỉnh có chung đường biên giới với 7 tỉnh ở Việt Nam. 

Các tỉnh này có cửa khẩu quốc tế giao thương với Trung Quốc với lượng người, phương tiện, hàng hóa lưu thông rất lớn như cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai), Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn). Mỗi ngày có khoảng 1.000 đến 10.000 lượt người, 100-200 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu trên. Từ năm 2016 đến giữa tháng 2-2017, cơ quan chức năng đã bắt giữ số gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu gồm hơn 350.000 con giống, hơn 2.300 con gia cầm thịt, hơn 62.000kg thịt gia cầm và hơn 212.000 quả trứng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp khẩn

Ông Hoàng Minh Đức cũng cho biết còn rất nhiều cửa khẩu tiểu ngạch, lối  mở khác cũng giao lưu buôn bán với Trung Quốc mà chưa kiểm soát được.

Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNN), nguy cơ xâm nhập cúm A(H7N9) rất cao, nhất là các tỉnh có buôn bán, tiêu thụ gia cầm. Vì thế, Cục Thú y đã yêu cầu tiêm chủng trở lại các đàn gia cầm. Tuy vậy, việc phòng chống dịch còn gặp khó khăn do cúm A(H7N9) không biểu hiện trên đàn gia cầm như cúm A(H5N1). 

Trong khi đó, tình trạng vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch vẫn chưa kiểm soát được. Việt Nam và Trung Quốc chưa có văn bản chính thức về buôn bán gia cầm, vì thế, vấn đề lúc này là giám sát tiểu ngạch để ngăn chặn nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm vào Việt Nam. Hiện ở nội địa, cúm A(H5N1) đã quay lại với số ổ dịch nhiều hơn năm ngoái.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định báo cáo, hiện địa phương còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh chưa qua 21 ngày. Những người ở các hộ có gia cầm ốm, chết và những người làm nhiệm vụ trong vùng dịch, tham gia tiêu hủy gia cầm đều được lập danh sách theo dõi, báo cáo sức khỏe hàng ngày và hiện họ vẫn khỏe mạnh.

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành liên quan về tình hình dịch cúm gia cầm, GS.TS. Nguyễn Thanh Long nhận định diễn biến dịch đang hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan cúm A(H7N9) vào Việt Nam là rất cao. Đã có người từ Ma Cao, Đài Loan, Malaysia, Canada đi du lịch tiếp xúc với gia cầm cũng mắc. Đã vậy, việc buôn bán, nhập lậu gia cầm qua đường tiểu ngạch chưa kiểm soát được. 

Việc gia cầm mắc cúm A(H7N9) không có biểu hiện ốm dễ khiến người giết mổ, tiêu thụ hay buôn bán gia cầm chủ quan. Hơn nữa, cúm A(H7N9) đã có sự biến đổi từ độc lực thấp sang cao trên gia cầm và dù chưa có bằng chứng thuyết phục lây từ người sang người, thì khả năng lây lan vẫn có thể. Một vấn đề nữa trong việc phòng chống dịch là đã xuất hiện các chủng virus cúm kháng thuốc.

Giám sát chặt dịch cúm trên đàn gia cầm sẽ hạn chế việc lây sang người 

Nguy cơ lây lan cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người cao, còn do tập quán chăn nuôi, giết mổ gia cầm ở nước ta. Mỗi năm có khoảng 1,2 tỷ gia cầm được tiêu thụ ở 7 triệu hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ. Ở nông thôn, nhà nào cũng nuôi gia cầm và việc tiếp xúc giữa người và gia cầm rất gần. Hiện 7 tỉnh đã có cúm A(H5N1), khả năng tái xuất hiện cúm A(H5N1) ở nhiều nơi là có thể.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản là không có cúm trên gia cầm thì không có trên người, do đó, kiểm soát tốt ở cửa khẩu để hạn chế tối đa dịch vào nước ta. Cần ngăn chặn triệt để gia cầm nhập lậu để không ảnh hưởng đến gia cầm và sức khỏe người dân nước ta. Phải tiêm vaccine phòng cúm A(H5N1) ở những khu vực có nguy cơ, vì cúm A(H5N1) có thể bùng phát thành dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý các lực lượng 389, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường cần ngăn chặn triệt để hơn nữa việc gia cầm nhập lậu qua các đường mòn, lối mở vv… ở biên giới. Sở Y tế Hà Nội phải tăng cường giám sát chợ Hà Vỹ vì lượng gia cầm tiêu thụ ở đây lớn. 

Phát hiện ca đầu tiên mắc cúm A(H7N9) rất quan trọng để có các biện pháp khống chế kịp thời, không để dịch bùng lên, vì thế, ngành y tế đã chỉ đạo mở rộng đối tượng giám sát, chủ động lấy mẫu ở vùng/người có nguy cơ, nhất là ở các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, Campuchia.

Sẽ mở ba phòng xét nghiệm nhanh tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai để giám sát trên gia cầm, chợ đầu mối buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm vv… Trong bối cảnh cúm A(H5N1) ở Campuchia diễn biến phức tạp, tháng 5-2017 sẽ mở rộng phòng xét nghiệm nhanh tại các tỉnh Tây Nam.

Thanh Hằng
.
.
.