Các cửa khẩu biên giới phía Bắc tăng cường ngăn chặn dịch cúm A(H7N9)

Thứ Bảy, 25/02/2017, 17:29
Tuần vừa qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhiều người tử vong do cúm A(H7N9) , vì thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định tình hình dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp với số người mắc tiếp tục gia tăng.

Điều đáng lo ngại ở dịch cúm A(H7N9) là dù có nguồn gốc từ cúm gia cầm, nhưng hầu hết gia cầm nhiễm virus  không có biểu hiện bệnh, trong khi lại có khả năng lây bệnh cho người. Khác với virus cúm A(H7N9), virus cúm A(H5N1) khi lây nhiễm trên các đàn gia cầm thường gây hiện tượng chết gia cầm hàng loạt nên dễ phát hiện các ổ dịch, nhưng kết quả giám sát gần đây cho thấy trên các đàn ngan, vịt bị nhiễm virus cúm A(H5N1) nhưng cũng không có biểu hiện bệnh. Mà, bệnh do cúm A(H5N1) trên người thường có triệu chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao, tới 50%.

Tổ chức Thú y quốc tế cho biết, ngoài dịch cúm A(H7N9), A(H5N1) đang diễn biến phức tạp trên các đàn gia cầm hoặc trên người, nhiều nước ở châu Âu và châu Á đã xuất hiện cúm A(H5N6), cúm A(H5N8) gây dịch trên các đàn gia cầm. Việt Nam cũng đã xuất hiện một số ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại một số địa phương.

 Việt Nam đã xét nghiệm được các virus cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) ở người

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế tiếp tục củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các Trung tâm cúm quốc gia. Ngày 25-2, Bộ Y tế cho biết đã làm chủ được xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng virus cúm gia cầm, gồm cả cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6), đồng thời có thể giải trình tự gien để phát hiện sự biến chủng của virus, giúp cho việc phòng chống dịch kịp thời và hiệu quả.

Đứng trước tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) ở cả 2 đầu biên giới, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, điểm giám sát trọng điểm quốc gia, sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ để xác định tác nhân gây bệnh. Từ đầu năm 2017 đến nay đã Đã có 3.405 mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm virus cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) ở người và giám sát trên 700.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Campuchia.

Bộ Y tế cho biết vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như WHO, FAO, US CDC trong các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, đồng thời, đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác sẵn sàng phòng chống dịch tại các khu vực trọng điểm, vùng biên giới.

Các tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc như Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai đều đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch cúm A(H7N9) xâm nhập.

UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tăng cường đối đa công tác phòng chống cúm A(H7N9) và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc hay nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua các cửa khẩu, lối mòn, lối mở biên giới. Theo ông Nông Tiến Cương- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai- ngành y tế địa phương đang tăng cường kiểm soát dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại tất cả các cửa khẩu, lối mở và các xã, phường trên toàn tuyến biên giới của tỉnh, nhằm tạo ra một phòng tuyến chặn dịch hiệu quả.

Tăng cường tuyên truyền phòng chống cúm A(H7N9) cho người dân tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai 

 Trong đó, công tác tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc, nhất là các vùng giáp biên được đặc biệt coi trọng, để người dân biết được nguy hại của cúm A(H7N9) mà chủ động phòng tránh bằng việc không mua bán, giết mổ và sử dụng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Riêng khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã bố trí thêm nhiều màn hình, áp phích lớn để truyền thông về tác hại của cúm A(H7N9) cùng hệ thống phun khử khuẩn hoạt động trong suốt thời gian mở cửa khẩu. 

Các  hành khách nhập cảnh đều được đo thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện và cách ly nếu có dấu hiệu mắc cúm, đồng thời, mỗi hành khách đều được phát tờ rơi truyền thông các biện pháp phòng cúm A(H7N9). Ngành y tế Lào Cai cũng chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, hóa chất và con người để sẵn sàng ứng phó nếu có dịch.  

Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Lạng Sơn cũng tăng cường phòng chống dich cúm A(H7N9)  tại tất cả các cửa khẩu. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, ga Đồng Đăng đều được lắp đặt các máy đo thân nhiệt từ xa. Trung tâm còn tăng cường thêm một số máy test nhanh như đo nhiệt độ qua tai, đo trực tiếp qua trán tại các cửa khẩu và chuẩn bị sẵn sàng thuốc khử trùng, thuốc kháng sinh, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế ngay khi phát hiện có dịch. Trung tâm còn bố trí khu vực cách ly cho bệnh nhân cũng như phân luồng dành riêng để vận chuyển bệnh nhân nghi nhiễm cúm ngay khi phát hiện.

Hiện, 100% hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đều được giám sát bằng máy đo thân nhiệt từ xa, để phát hiện kịp thời những trường hợp mắc cúm A(H7N9). Trong đó, đặc biệt lưu ý những hành khách đến/đi từ vùng có dịch để kiểm tra y tế khi có biểu hiện sốt và tổ chức cách ly, tiến hành xét nghiệm và điều trị.

Ngày 25-2, Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam”, làm căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể. Kế hoạch của Bộ Y tế đưa ra 4 tình  huống dịch xảy ra cùng các biện pháp ứng phó, để khi có dịch các lực lượng có thể nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch, hạn chế tối đa tử vong. 

Thanh Hằng
.
.
.