Họp khẩn để ngăn chặn dịch cúm A(H7N9) xâm nhập

Thứ Hai, 20/02/2017, 19:43
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cúm A/H7N9 ở Trung Quốc, cuối giờ chiều ngày 20-2, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với các bộ, ngành liên quan và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết những đặc điểm khác biệt của đợt dịch cúm A/H7N9 lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc: Có tới 425 trường hợp mắc ở 14 tỉnh, trong đó, 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp Việt Nam với đường biên dài. Tỷ lệ tử vong cao. Trên 90% người bệnh đều từng tiếp xúc với gia cầm. 

Virus cúm A (H7N9) có nguồn gốc từ gia cầm, gây nhiễm trên gia cầm, nhưng gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng (khác với H5N1); có dấu hiệu lây truyền từ người với việc xuất hiện các chùm ca bệnh sang người nhưng chưa chứng minh được: 2 cha con mắc bệnh (ông bố đã tử vong), dù không phơi nhiễm với gia cầm sống; bệnh nhân chung phòng 20 giờ, không phơi nhiễm với gia cầm sống; 2 chị em, 2 mẹ con phơi nhiễm với gia cầm sống cùng mắc vv…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp

Ngay sau khi có thông tin về đợt dịch cúm A(H7N9) lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc, các bộ, ngành ở Việt Nam đã có những phản ứng kịp thời...

Các bộ, ngành liên quan và tổ chức quốc tế họp bàn biện pháp đối phó với dịch cúm A/H7N9 xâm nhập

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ y  tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đây là vụ dịch diễn ra lớn nhất và phức tạp nhất từ trước đến nay khi tỷ lệ tử vong khá cao nên phải hết sức cảnh giác. 

Đặc biệt là khả năng cúm A(H7N9)  lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, vì các tỉnh có dịch của Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam, nhất là tốc độ gia tăng của dịch nhanh, cộng thêm thời tiết hiện nay thuận lợi cho cúm phát triển; tình hình nhập lậu, buôn bán gia cầm và sản phẩm mua bán gia cầm ở Việt Nam cần phải được kiểm soát. 

Hơn nữa, trong nước mới xuất hiện 3 ổ dịch cúm A(H5N1) ở cả miền Bắc và miền Nam, không theo qui luật cũ. Thế giới cho rằng chưa có biến chủng cúm A(H7N9) nhưng tại sao tăng nhanh? Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải có các biện pháp phù hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu ngành y tế phải tập trung cao độ về dịch cúm A(H7N9), nhất là đối tượng có yếu tố nguy cơ, để người dân không giết mổ gia cầm ốm chết, không ăn tiết canh; đề nghị Bộ Tư lệnh biên phòng, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT ngăn chặn việc buôn bán nhập lậu gia cầm thì mới có thể ngăn chặn được dịch cúm A(H7N9), bởi đường lây chủ yếu từ gia cầm sang người và từ Trung Quốc sang các nước. Bộ Y tế sẽ báo cáo với Thủ tướng để chỉ đạo ngăn chặn việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam.

Thứ trưởng cũng đề nghị tăng cường mở rộng giám sát ở bệnh viện và cộng đồng để phát hiện sớm người mắc cúm, đồng thời, sẵn sàng thuốc men, trang thiết bị để cứu chữa người bệnh vì cúm A(H7N9) xuất hiện nhẹ nhưng chuyển sang tình trạng bệnh nặng rất nhanh, đòi hỏi phải có các thiết bị tốt mới cứu sống được bệnh nhân. Hiện các phòng xét nghiệm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của WHO nên đủ điều kiện để xét nghiệm. Rà soát lại kịch bản ứng phó với từng tình huống để không bị động nếu dịch xảy ra. 


Thanh Hằng
.
.
.