Cúm A/H7N9 rình rập ở 2 đầu biên giới

Chủ Nhật, 19/02/2017, 20:17
Đúng như dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh năm 2017 sẽ diễn biến phức tạp, hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ cúm A/H7N9 rình rập ở biên giới cả phía Bắc lẫn Tây Nam, khi Trung Quốc và Campuchia đều đang bùng phát dịch này.


Tỉ lệ tử vong do cúm A/H7N9 ở Trung Quốc chiếm khoảng 40% số người mắc là con số đáng báo động. Trong khi đó, nhiều tỉnh có dịch cúm A/H7N9 ở 2 nước lại có chung đường biên giới với nước ta.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), chủng cúm A/H7N9 xuất hiện ở Trung Quốc từ 2013 vẫn chưa khống chế được, mà còn bùng phát thành đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay, khiến hàng trăm người mắc và gần 100 người tử vong chỉ trong một thời gian rất ngắn. Trong khi đó, chúng ta có đường biên dài với Trung Quốc, nên nếu không quản lý tốt đàn gia cầm giữa các nước thì nguy cơ bùng phát dịch là khó tránh. 

Mặc dù năm 2015, khi dịch cúm gia cầm A/H7N9 bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam đã có nhiều biện pháp tổ chức giám sát và ngăn chặn dịch xâm nhập tốt, nên không để dịch xảy ra. Song, sự xuất hiện thêm những chủng cúm mới khiến chúng ta phải nâng cao cảnh giác.

TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, để phòng dịch xâm nhập, nhiều nước đã cấm nhập thịt gia cầm từ các quốc gia có dịch. Hiện, ở châu Mỹ, châu Âu cũng đã xuất hiện một số trường hợp mắc cúm. Vì thế, với những đặc điểm về địa lý và kinh tế -xã hội, khả năng dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

Nhiều loại virus cúm A/H7N9 và các chủng virus độc lực cao khác như A/H5N2, A/H5N8… chưa từng xuất hiện ở Việt Nam nhưng hiện đang có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Đây là cảnh báo của Bộ NN&PTNT. Con đường lây truyền chính là từ việc nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Campuchia.

Một tin không mấy vui về việc phòng chống dịch cúm là nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học công bố vào ngày 18-2-2017 cho thấy loại siêu khuẩn kháng thuốc xuất hiện ở gần 90% thịt gà bán tại các siêu thị ở một tỉnh thuộc Trung Quốc, còn trong các công đoạn từ lò giết mổ cho đến cơ sở ấp trứng ở các trại chăn nuôi gà, có đến 97% mẫu thử bị nhiễm khuẩn.

Việt Nam có khả năng đủ khả năng xác định tất cả các bệnh mới nổi

Trước tình hình dịch cúm A/H7N có nguy cơ lây truyền vào Việt Nam, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết quyết tâm của ngành y tế là không để rơi vào tình trạng bị động trước dịch bệnh. Một vấn đề đáng quan tâm là cúm mùa không quá nguy hiểm, nhưng vẫn dễ gây tử vong ở người mắc bệnh mãn tính, người già yếu khi bị mắc. Nỗi lo không nhỏ là khả năng và tốc độ biến chủng của cúm. Các chủng cúm liên tục thay đổi, nhanh và nhiều nên không thể không đề phòng, nhất là khi thế giới từng có những đại dịch cúm khiến hàng triệu người chết.

PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo một số bệnh nguy hiểm hiện đã có vaccine tiêm phòng vẫn có nguy cơ lây lan mạnh. Tuy nhiên, do đã có vaccine nên có thể sớm khống chế được những bệnh này nếu người dân chú ý cho con em tiêm phòng đầy đủ. 


Thanh Hằng
.
.
.