Làm gì để ngăn chặn hậu quả đau lòng từ rượu?

Thứ Tư, 31/01/2018, 18:07

Đó là câu hỏi nhức nhối đặt ra tại hội thảo “Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Mậu Tuất và mùa lễ hội 2018” do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an và UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 31-1.


“Có một thực trạng đau lòng là cứ mỗi dịp Tết đến lại xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc rượu, dẫn đến phải cấp cứu thậm chí tử vong, mà nguyên nhân là do cả phía sản xuất và tiêu thụ rượu đều thiếu trách nhiệm. Nếu không chấn chỉnh vấn nạn này, sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân và gây nhiều hệ luỵ.” Đây chính là điều Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trăn trở.

Những con số đáng giật mình được ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực  phẩm (ATTP) – Bộ Y tế, cho biết: Năm 2015 Việt Nam sản xuất 188 triệu lít rượu công nghiệp; năm 2017 sản xuất 360 triệu lít và rượu do hộ gia đình sản xuất khoảng 250 triệu lít/năm. Từ 2013-2017, cả nước có 862 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 24.954 người mắc, 22.213 người đi viện và 130 người chết. Đặc biệt số tử vong chiếm tới 26,15% tổng số người chết do ngộ độc rượu, chưa kể những người bị di chứng như mù, rối loạn tâm thần.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc hội thảo

Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là vụ ngộ độc rượu ở Ninh Thuận làm 5 người chết; vụ ngộ độc rượu khiến 6 người chết ở Quảng Ninh và vụ ngộ độc rượu ở Lai Châu khiến 10 người chết cùng hơn 40 người phải nhập viện. Các vụ ngộ độc rượu có methanaol đều là ở các người trẻ. “Đặc biệt, rượu có hàm lượng methanol cao chiếm 25% tổng số vụ, làm 106 người mắc, chiếm 54,9% tổng số vụ và làm 23 người chết, chiếm 67,6% tổng số chết”- ông Nguyễn Hùng Long cho biết.

Theo ở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay Hà Nội có 40 bệnh nhân tại 12 quận/huyện ngộ độc methanol. Hầu hết do uống rượu không rõ nguồn gốc, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Chỉ riêng từ ngày 22-2 đến 15-5-2017 đã có 31 bệnh nhân bị ngộ độc methanol do uống rượu khiến 5 người tử vong.

Ông Long cho rằng, nguyên nhân của các vụ ngộ độc là do thị trường vẫn tồn tại rượu không an toàn và rượu chứa hàm lượng Methanol cao. Nhận thức hành vi đúng về chế biến, lựa chọn, tiêu dùng rượu của người tiêu dùng chưa cao dẫn đến việc sử dụng rượu không an toàn và lạm dụng rượu không nguồn gốc.

Đại diện các ngành đưa ra các giải pháp để ngăn chặn ngộ độc rượu

Thượng tá Bùi Đức Am –Phó trưởng Phòng 7 (Cục Cảnh sát Môi trường) cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là rượu thủ công truyền thống diễn biến phức tạp. 

Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật là xuất các loại rượu “nhái”, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc từ các chai rượu ngoại có giá thành rẻ để sản xuất các loại rượu ngoại giả có giá thành cao; sử dụng các loại nguyên liệu, nguồn men không có xuất xứ để tăng nồng độ cồn, hiệu suất thu hồi cao; pha chế các loại hóa chất vào các loại cồn thực phẩm để tăng nồng độ của rượu; quảng cáo và bán các loại rượu bổ với công dụng bồi bổ sức khỏe, các loại máy lọc rượu với công dụng có thể khử hết độc tố nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận…

Trước thực trạng này, đại diện các ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh rượu. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, chính quyền địa phương cần ban hành các văn bản quản lý, thực hiện phân cấp, bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm do cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP tại địa phương. Cần xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành  công vụ.

Những nạn nhân ngộ độc rượu tập thể trên địa bàn Hà Nội đang được cấp cứu

Còn đại diện Cục Cảnh sát môi trường kiến nghị các bộ, ngành rà soát sửa đổi, bổ sung và khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng thực thi pháp luật. Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại rượu thủ công, truyền thống, vì nhiều nơi sản xuất có sản lượng tiêu thụ lớn như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Bình Định…

Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia với đồ uống có cồn, nhưng chỉ quy định giới hạn tối đa cho phép của một số chỉ tiêu đối với rượu vang, rượu mùi và rượu vodka, còn các loại rượu thủ công chưa có quy chuẩn kỹ thuật riêng mà vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn về rượu trắng.

Thượng tá Bùi Đức Am cũng đề nghị các lực lượng QLTT, Thanh tra Y tế,  Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển... tăng cường phối hợp trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.

“Nghiên cứu lựa chọn một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét khởi tố để răn đe, phòng ngừa chung. Khi có vụ ngộ độc rượu, cần kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc ngay từ đầu để thu thập các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho công tác chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội (nếu có), kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của các cán bộ” - Đại diện Cục Cảnh sát môi trường đề xuất.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, cần tập trung ngăn ngừa rượu, men không nguồn gốc nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu, đường biên; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng đồ uống, thực phẩm không nguồn gốc. Nhanh chóng có chỉ thị màu với rượu công nghiệp, vì hiện nay cồn công nghiệp và rượu trắng đều màu trắng nên không thể phân biệt được.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chức tăng cường kiểm tra và công khai những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP nhằm hạn chế hậu quả.


Thanh Hằng
.
.
.