Gia tăng tình trạng ngộ độc rượu dịp cuối năm

Thứ Hai, 25/12/2017, 08:08
Cuối năm, nhu cầu gặp gỡ, tổ chức liên hoan nhân dịp tổng kết năm của một bộ phận người dân tăng. Tình trạng sử dụng rượu – bia vượt ngưỡng dẫn đến ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu, điều trị theo đó luôn diễn biến phức tạp…


Uống rượu thâu đêm, “nữ tú” nhập viện cấp cứu

Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) được biết đến là một trong những cơ sở y tế có chuyên khoa chống độc, chuyên cấp cứu, điều trị các ca ngộ độc, nhiễm độc nặng trong đó có ngộ độc rượu. Đến Trung tâm Chống độc những ngày cuối năm 2017 mới thấy rằng, tình trạng sử dụng rượu – bia dẫn tới ngộ độc đang diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, nếu như trước đây, số ca nhập viện cấp cứu do lạm dụng, ngộ độc rượu chủ yếu là nam giới (trung niên), thì nay số ca ngộ độc rượu phải nằm điều trị tích cực đang có chiều hướng trẻ hóa.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, không khỏi lo ngại khi gần đây, số ca ngộ độc rượu phải vào viện cấp cứu, điều trị là giới trẻ, là nữ giới đang có chiều hướng gia tăng. Tại thời điểm chúng tôi có mặt ở đây, các bác sĩ của Trung tâm đang phải cấp cứu, điều trị tích cực cho hai trường hợp bị ngộ độc rượu là nữ giới.

V.T.H, 24 tuổi, quê ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) là một trong những trường hợp bị ngộ độc rượu đang phải nằm điều trị ở Trung tâm. Trong buồng điều trị hồi sức tích cực, chúng tôi gặp chị N.T.C, 43 tuổi, mẹ của H. Khuôn mặt chị C phờ phạc đi sau nhiều đêm mất ngủ.

Chị C cho biết, sáng 21-12, gia đình chị nhận được cuộc điện thoại thông báo, con gái chị là V.T.H bị ngộc độc rượu và đang được chuyển lên Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Chị như muốn ngã khụy và không tin điều đó là sự thật, bởi từ trước tới giờ, chị chưa thấy H uống rượu ở nhà.

Nhận được tin báo, ngay chiều hôm đó, từ huyện Thanh Thủy, hai vợ chồng chị bắt xe xuống Hà Nội. “Lúc chúng tôi đến, em nó vẫn còn mê man, nói năng luyên thuyên. Không nhận biết được mọi thứ xung quanh. Chắc do rượu vẫn còn trong người chú ạ!”, chị C buồn bã cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thăm khám bệnh nhân V.T.H, SN 1993, bị ngộ độc rượu.

Nằm trên giường bệnh, đôi mắt lờ đờ, liên tục đòi chị C cho uống nước, H khiến chúng tôi thấy nổi da gà. “Sức hút” của rượu giờ thật khôn lường. Một cô gái có tuổi đời trẻ như H giờ lại phải nằm điều trị ở đây mà nguyên nhân lại chính là rượu.

Chị C tâm sự, H đang làm thuê tại Hà Nội. Chiều 19-12, H về tỉnh Bắc Ninh để dự buổi liên hoan - gặp mặt bạn. Tại đây, H cùng nhóm bạn có uống nhiều rượu. Đến chiều hôm sau, thấy H ngủ li bì, mê man nên nhóm bạn đã đưa H đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, do bệnh tình nặng, cơ sở y tế trên đã làm thủ tục chuyển H tới Trung tâm Chống độc để cấp cứu.

Theo bệnh án, H uống rượu từ 22h ngày 19-12 đến 6h ngày 20-12 mới về nghỉ. H sau đó ngủ li bì cho tới 17h thì được nhóm bạn phát hiện bị ngộ độc rượu. H nhập viện trong trạng thái mê man, nói sảng. Sau khi chẩn đoán tình trạng bệnh, các bác sĩ đã tích cực điều trị theo phác đồ giải độc rượu. “Chị H trong lúc uống rượu, ăn rất ít. Hôm sau lại còn bỏ bữa, nên đường huyết nhanh chóng hạ, gây thương tổn đến não. Rất may, H được người thân đưa đi cấp cứu kịp thời, nếu không khó có thể lường trước điều gì. Đến nay (sáng 22-12), H đã tỉnh táo hơn và nhận biết được xung quanh”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm.

Đừng vì rượu mà “đánh đu” với tử thần

Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần phản ánh về tình trạng rượu bày bán trôi nổi trên thị trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như những tác hại đi kèm với nó, thế nhưng, như một thứ “gia vị” không thể thiếu trong các cuộc nhậu - liên hoan, nhất là vào dịp cuối năm, nhiều người vẫn tìm đến rượu.

Theo các bác sĩ trực tại Trung tâm Chống độc cho biết, những ngày qua, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Trong số này, có nhiều trường hợp bị ngộ độc do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, có độc chất. Như trường hợp của bệnh nhân T.X.Đ, 57 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) được đưa vào Trung tâm để cấp cứu hôm 18-12 vừa rồi là một điển hình.

Trước đó, ngày 17-12, bệnh nhân Đ có mua và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc ở gần khu vực mình trọ. Sau một ngày uống rượu, bệnh nhân Đ xuất hiện triệu chứng đau đầu, mắt mờ, rối loạn nhịp tim dẫn tới hôn mê sâu. Người thân nhanh chóng đưa bệnh nhân Đ nhập viện cấp cứu…

Các bác sĩ cho biết thêm, kết quả xét nghiệm máu cho thấy methanol trong máu bệnh nhân Đ lên tới 169mg/dL. Trong khi bình thường, người uống rượu có methanol ở ngưỡng 20mg/dL trong máu đã là rất nghiêm trọng. Do vậy, các bác sĩ sau đó đã phải tiến hành lọc máu cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay, năm nào cũng vậy, vào thời điểm cuối năm, Tết âm lịch, số ca ngộ độc rượu luôn gia tăng. Ngộ độc các loại rượu thông thường đã gây hại, ngộ độc rượu có methanol lại càng nguy hại hơn. Khi bị ngộ độ rượu methanol, người bệnh sẽ gặp các thương tổn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây di chứng về mắt, tổn thương não, thậm chí còn tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trước những nguy cơ đi kèm với thú uống rượu hiện nay, các bác sĩ Trung tâm Chống độc khuyến cáo người dân nên hạn chế uống rượu – bia và tuyệt đối không uống các loại rượu mập mờ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng - vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi thấy người say rượu bất tỉnh, hôn mê, thở yếu… cần đưa ngay đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để cấp cứu, chẩn trị.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các trường hợp bị ngộ độc rượu nặng - nguy hiểm gồm những biểu hiện sau: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật; tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo; thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu, thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở, có thể hít sâu và nhịp thở nhanh; da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; đại tiện, tiểu tiện ra quần, tiểu tiện ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường); nhìn mờ, nhìn một vật thành hai; nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng; mệt nhiều.
Trần Huy
.
.
.