Ghép thận và trao cơ hội làm mẹ cho 5 bệnh nhân

Thứ Bảy, 08/12/2018, 19:01
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết: Sau hơn chục năm triển khai ghép thận, với những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật, các bác sĩ của BV đã không chỉ ghép thành công cho 250 người, mà trong số đó, có 5 phụ nữ đã được làm mẹ - điều mà trước khi ghép thận, với họ chỉ là một giấc mơ xa xỉ.


Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển - Trưởng khoa Thận tiết niệu của BV Bạch Mai, chỉ trong 1 năm qua, BV đã ghép được 90 ca. Từ 7 năm nay, ghép thận đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Bạch Mai. Trung bình mỗi tuần BV thực hiện 2 ca ghép thận. Nhu cầu còn nhiều nhưng do điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép, nên hiện nay BV mới dừng ở mức đó. Các bệnh nhân được ghép đều được cải thiện cuộc sống rất nhiều.

Tại buổi lễ thành lập CLB bệnh nhân ghép thận ở BV nhằm giúp các bệnh nhân hiến thận – ghép thận và gia đình của họ cập nhật, chia sẻ những kiến thức chăm sóc, điều trị để bệnh nhân ghép thận có chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn, những người được ghép đều hồ hởi cho biết cuộc sống của họ hôm nay hoàn toàn đổi khác. 

Trước đây, họ dường như không làm nổi việc gì do luôn bị mệt mỏi, từ khi được ghép thận, nhiều người đã có cuộc sống bình thường, lao động trở lại.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển - Trưởng khoa Thận tiết niệu của BV Bạch Mai

Đặc biệt, chúng tôi đã gặp người phụ nữ đã được làm mẹ sau khi ghép thận thành công. Chị không giấu được niềm hạnh phúc trên gương mặt. Bởi, theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, việc một bệnh nhân ghép thận mang thai và sinh con an toàn là cả một hành trình theo dõi sát sao, phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ sản khoa và bác sĩ thận học, ghép thận và khoa Sơ sinh, cũng như đòi hỏi sản phụ tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.

Thường phải sau khi ghép ít nhất một năm và được bác sĩ kiểm tra các chỉ số đảm bảo an toàn, mới tư vấn để người phụ nữ được mang thai. Trong suốt quá trình bệnh nhân ghép thận mang thai, các bác sĩ phải nắm bắt từng diễn biến nhỏ về sức khỏe của họ. Chỉ đến khi bệnh nhân “mẹ tròn con vuông”, các em bé sinh ra khỏe mạnh, không bị dị tật và người mẹ ổn định sức khỏe, các bác sĩ mới được yên tâm.

PGS. Tuyển cho biết, với những người phụ nữ bình thường, việc lấy chồng rồi sinh con là hết sức bình thường. Nhưng với những phụ nữ suy thận và phải ghép thận, việc mang thai và sinh con là một hành trình đầy khó khăn và nguy hiểm. Bởi thông thường bệnh nhân bị suy thận khả năng có con hết sức khó khăn. Họ khó thụ thai do bị suy thận mạn, bị rối loạn nội tiết, mà khi có thai rồi thì việc giữ được thai trong thời gian 9 tháng 10 ngày trên nền bệnh nhân suy thận mạn tính sẽ có nhiều biến chứng như tăng huyết áp, thiếu máu… lại càng khó khăn gấp bội. “Trước đây, nhiều người lo ngại bệnh nhân sau ghép thận sẽ khó có thể sinh con. Tuy nhiên, với trình độ chuyên môn của các thầy thuốc cộng với kỹ thuật y khoa hiện đại đã mở ra nhiều hy vọng cho những nữ bệnh nhân ghép thận, và họ hoàn toàn tự tin để thực hiện được thiên chức làm mẹ”– PGS. Tuyển chia sẻ.

Một ca ghép thận

Một trong những bệnh nhân “gắn bó” nhiều nhất với các thầy thuốc của Khoa Thận tiết niệu là người phụ nữ đã 36 tuổi, quê ở Yên Bái. Được ghép từ quả thận của mẹ đẻ, nhưng chị lại bị thải ghép và phải điều trị chống thải ghép nhưng không hiệu quả, rồi chị mắc thêm bệnh viêm phổi. Sau gần 3 năm được các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu theo dõi sát sao và điều trị chu đáo, sức khỏe của chị mới dần ổn định. Do khao khát làm mẹ của chị rất mãnh liệt, các bác sĩ của sĩ Khoa Thận tiết niệu đã quyết tâm giúp chị được toại nguyện.

Các bác sĩ theo dõi từng diễn biến của bệnh nhân suốt thời gian chị mang thai. Thời gian đầu, diễn biến thai phụ ổn định. Tuy nhiên, đến tuần 37 thì chức năng thận lên nhanh, phù, huyết áp dao động nhiều, đe dọa sản giật. Vì vậy, các bác sĩ thận và sản khoa đã hội chẩn và quyết định để chị được sinh con sớm hơn bằng việc phẫu thuật. Cháu bé ra đời nặng 1,8kg và hiện đã gần 4 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị H (26 tuổi ở Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết, là  người bị suy thận giai đoạn cuối và đã ghép thận, chị từng tuyệt vọng tưởng mình không còn khả năng làm mẹ nữa, vì lo cho sức khỏe bản thân đã khó, nói gì đến mang thai. Vậy mà với trình độ chuyên môn cao, với tấm lòng tận tụy của những người thầy thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai, “điều không thể đã trở thành có thể” với chị, để niềm hạnh phúc gia đình ngọt ngào, sâu lắng hơn.

Trong suốt thời gian mang thai, chị được các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu và Khoa sản của Bệnh viện Bạch Mai theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng. Các bác sĩ Khoa sản theo dõi về diễn biến sản khoa, còn bác sĩ chuyên khoa thận theo dõi để phát hiện những vấn đề bất thường về thận sau ghép để kịp thời xử trí. Khi chị sinh con, cùng với các bác sĩ sản khoa, là các bác sĩ điều trị thận cho chị cũng túc trực để sẵn sàng ứng phó với căn bệnh thận của chị. Bé gái nặng 2,5kg chào đời khỏe mạnh, trong sự chào đón không chỉ của gia đình chị mà còn của các thầy thuốc ở 2 khoa, khiến niềm hạnh phúc vỡ òa với người phụ nữ được hồi sinh từ sau ca ghép thận.

Khoảng 250 người được ghép thận, 5 người còn được làm mẹ, điều đó đã cho thấy trình độ chuyên môn, tay nghề cũng như tấm lòng của các bác sĩ BV Bạch Mai.


Thanh Hằng
.
.
.