Cảnh giác trước dịch cúm nguy hiểm H5N2

Thứ Năm, 07/05/2015, 09:05
Ngày 6/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện ở Mỹ đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N2 tại các nông trại ở các tiểu bang Iowa, Wisconsin, Minnesota, đã gây ra dịch bệnh chết hàng loạt gia cầm, khiến phải tiêu hủy hơn chục triệu con gà.

Mà, H5N2 là virus có khả năng lây truyền rất cao, giết chết gia cầm nhanh chóng ngay khi nó xuất hiện. Hiện tại các nông trại gia cầm này được bảo vệ phòng dịch nghiêm ngặt với việc giới hạn người ra vào. Người làm việc phải mặc đồ bảo hộ và bước vào khu vực khử tẩy trùng để loại trừ virus trước khi ra, vào nông trại.

Mọi dụng cụ trong nông trại vào hay ra khỏi khu vực cũng được tẩy trùng sạch sẽ. Tuy nhiên phương pháp này không đảm bảo hoàn toàn, nhất là khi loài thú gặm nhấm và chim hoang dã có thể lọt vào nông trại và đi ra mang theo virus.

Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng đã cho biết: H5N2 là chủng virus khác với H5N1 từng lây lan từ gia cầm sang người trước đây. Virus H5N2 có khả năng làm chết toàn bộ một đàn gia cầm trong vòng 48 giờ.

Virus H5N2 có khả năng làm chết toàn bộ một đàn gia cầm trong vòng 48 giờ. Ảnh minh họa.

Bà Alicia Fry, một quan chức CDC, cho biết: Cho tới thời điểm này, vẫn chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm loại virus có khả năng gây chết người này. Tuy nhiên, các quan chức CDC và các chuyên gia sinh học vẫn khuyến cáo người dân Mỹ tăng cường tiêm chủng và chú trọng công tác phòng bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về việc nhiều chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành có thể tái tổ hợp gen để tạo các chủng virus cúm mới, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết: Tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm gia cầm H5N2. Hiện nay cũng là thời điểm tái đàn gia cầm mạnh nên nguy cơ lây lan virus cúm từ gia cầm sang người và bùng phát thành dịch là rất lớn.

Theo thông báo của Cục Thú y trên cả nước, đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm H5N6 rải rác  ở Hà Nam và H5N1 tại Cần Thơ. Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân quan tâm thực hiện nghiêm túc và triệt để các biện pháp: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh tay chân miệng

Tại cuộc họp giao ban Y tế 24 quận, huyện sáng 6/5, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 2.139 ca trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2014.

Riêng trong tháng 4/2015, đã có 631 ca mắc tay chân miệng phải nhập viện. Như vậy, tỉ lệ số ca mắc đã có dấu hiệu gia tăng ở mức độ chậm (khoảng 14%), vẫn thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2014.

Nhưng trong tình hình nắng nóng như hiện nay, bệnh lại chưa có vắc xin chủng ngừa, các phụ huynh và trường học mầm non phải hết sức quan tâm, chủ động phòng chống dịch. Các trường học cần tích cực tẩy rửa, sát khuẩn giữ vệ sinh môi trường, đồ chơi cho trẻ cần được rửa sạch, thực hiện triệt để ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân…

H.Nga

Thanh Hằng
.
.
.