Bệnh viện Việt Đức phối hợp với lực lượng Công an ngăn chặn tình trạng “cò” máu

Thứ Hai, 22/10/2018, 16:50

Bệnh viện (BV) Việt Đức là tuyến cuối về ngoại khoa nên hàng năm số lượng bệnh nhân được cấp cứu, điều trị rất lớn, từ hơn 53.000 ca năm 2016 lên 67.000 ca vào năm 2017. Theo GS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, vì thế, số lượng máu sử dụng tăng hàng năm. Năm 2016 là 63.836, năm 2017 là 63.858. Chỉ 9 tháng đầu năm 2018, BV phải sử dụng tới 53.643 đơn vị máu.



Có bệnh nhân phải truyền đến 5-6l máu, tương đương 20-24 người hiến máu. Mới đây, ngày 13-10-2018, bệnh nhân Phan Văn K. bị vỡ gan đã phải truyền tới 45 đơn vị máu và chế phẩm. Như nhiều BV khác, nhiều khi BV Việt Đức cũng trong tình trạng thiếu máu cấp cứu bệnh nhân, phải huy động từ nhiều nguồn.

Tháng 7-2017, anh trai tôi phải phải phẫu thuật tại BV Việt Đức. Trước khi mổ, BV cho biết gia đình cần có 2-3 người hiến máu. Vì rất hiểu các ca mổ luôn phải tiếp nhiều máu, nên gia đình tôi đã cử 4 người khỏe mạnh đến hiến 10 đơn vị máu, vượt yêu cầu của BV. Vì có thể những người hiến không trùng nhóm máu với anh tôi, nhưng anh tôi sẽ được truyền máu của người khác đã hiến và số máu người nhà tôi hiến lại dùng cho bệnh nhân khác. Đó là một việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo nguồn máu điều trị.

Việc vận động người nhà bệnh nhân hiến máu như trên hiện là một giải pháp tình thế mà một số BV, nhất là BV ngoại khoa, đang áp dụng, để tránh không đủ máu cho bệnh nhân, như từ đầu năm 2018 đến nay, Viện Huyết học truyền máu Trung ương đã phải 2 lần kêu gọi, vận động hiến máu tình nguyện.

Theo GS. Trần Bình Giang, nhu cầu máu cho điều trị rất lớn ở các BV, nhưng nguồn máu còn nhiều khó khăn do nhận thức về hiến máu chưa tốt, người dân chưa sẵn sàng hiến máu tình nguyện. Mùa hè và dịp Tết luôn xảy ra tình trạng thiếu máu cục bộ tại tất cả các BV, nên việc hỗ trợ từ các ngân hàng máu khác cũng khó khăn.

GS. Giang cho biết, hiện nay việc huy động máu phục vụ điều trị của BV Việt Đức đến từ các nguồn chính: Tiếp nhận máu lưu động, tiếp nhận máu nhân đạo tại BV; tiếp nhận máu từ Viện Huyết học truyền máu Trung ương và tiếp nhận máu từ người nhà người bệnh hiến tình nguyện. Trên thực tế, nguồn từ Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho BV năm 2017 chỉ là hơn 16% và 9 tháng đầu năm 2018 là hơn 13%. Số lớn còn lại, BV phải chủ động bằng tổ chức hiến máu tình nguyện với việc kêu gọi lực lượng Công an TP Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân và sinh viên các trường đại học hiến máu để người bệnh có máu điều trị. 

Khi lượng máu dự trữ cạn kiệt, không thể đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị, Trung tâm truyền máu của BV đã vận động người thân của người bệnh cùng CBNCV BV tham gia hiến máu tình nguyện. Có nhân viên của BV đã hiến máu hơn 10 lần để có máu cứu bệnh nhân.

Lực lượng Công an luôn có mặt trong các đợt BV Việt Đức vận động hiến máu tình nguyện

Lợi dụng tình trạng trên, đội ngũ “cò máu” đã xuất hiện để lợi dụng, thậm chí lừa đảo người bệnh. 

Hàng tuần, BV Việt Đức thường thông qua lịch mổ vào sáng thứ 6, sau đó các Khoa công khai lịch mổ cùng thông tin dự trù bao nhiêu máu cho bệnh nhân mổ ở bảng treo tại Văn phòng Khoa. Các đối tượng “cò” thường xuyên có mặt ở các khoa, giả làm người nhà, người thăm bệnh nhân, để tiếp cận với người nhà bệnh nhân, nên nắm chắc lịch mổ cũng như quy trình của từng khoa, phòng.

 Khi biết có bệnh nhân mổ, các đối tượng tiếp cận để gạ “bán máu”. Những người vì lý do nào đó không muốn hiến máu, hoặc gia đình ở xa, thường nhờ người hiến máu rồi trả tiền công, để đỡ phải đưa người nhà đến BV hiến máu vì có thể chi phí sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, việc hiến máu là tình nguyện, nên các thủ tục tiếp nhận máu rất đơn giản, do đó, BV không thể biết được người đến hiến máu là người nhà bệnh nhân, hay là người “đóng thế”.

Các bệnh nhân mổ thường phải tiếp máu 

Khi anh trai tôi chuẩn bị mổ tại Khoa Tim mạch-Lồng ngực, cũng có ngay một số người đến hỏi vợ anh có “mua” máu không, rồi đưa số điện thoại để gọi bất cứ lúc nào cần. Dĩ nhiên, gia đình tôi từ chối vì đã có người thân trực tiếp đến hiến. Nếu chấp nhận, sẽ chỉ là thỏa thuận riêng giữa gia đình tôi với đối tượng này và BV không thể biết khi nhân viên tiếp nhận máu lại ở Trung tâm Truyền máu, nằm ở vị trí khác.

Việc BV tiếp nhận máu hiến là hoàn toàn cần thiết, vì nếu không, sẽ có những bệnh nhân khác phải tử vong vì thiếu máu cấp cứu kịp thời. Điểm hiến máu ở BV Việt Đức cũng như ở nhiều BV khác là cố định, thường xuyên tiếp nhận máu của mọi người, trong đó, người nhà bệnh nhân chỉ là một. Vấn đề ở đây là các đối tượng kết nối giữa người có điều kiện hiến máu với gia đình người có bệnh nhân cần truyền máu đã lợi dụng việc này để ăn bắt chẹt cả người “bán” lẫn người cần mua, ăn chênh lệch.

Để ngăn chặn tình trạng “cò” lợi dụng, lừa đảo, BS. Quách Chính Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu (BV Việt Đức) cho biết Trung tâm đã ban hành quy trình duyệt máu, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nhà người bệnh khi làm thủ tục dự trù và lĩnh máu. Trung tâm cũng đặt nhiều cảnh báo bằng âm thanh, biển báo, tờ rơi để cảnh báo cho người nhà người bệnh về tình trạng lừa đảo của “cò” máu. Chỉ thực hiện vận động người nhà người bệnh hiến máu tình nguyện khi nguồn cung cấp máu và chế phẩm máu không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, hoặc bệnh nhân cần những đơn vị máu đặc biệt như nhóm máu hiếm, không bắt buộc người nhà người  bệnh phải hiến máu trong mọi trường hợp; vận động nhân viên y tế hiến máu khi lượng máu dự trữ không đủ, hoặc người bệnh có nhóm máu hiếm.

Giám đốc BV Việt Đức cho biết đã chỉ đạo các khoa, phòng phối hợp nâng cao năng lực tiếp nhận máu, nâng dần lượng máu tiếp nhận được; tăng cường vận động và tiếp nhận máu tình nguyện, phối hợp với ngân hàng máu khác để tạo nguồn máu đáp ứng điều trị.

 “BV sẽ tăng cường tuần tra, phối hợp với lực lượng Công an để phát hiện và xử lý các đối tượng “cò mồi”, hạn chế chúng tiếp cận người nhà người bệnh để lợi dụng, lừa đảo.”- GS. Giang nhấn mạnh.

Thanh Hằng
.
.
.