Tái hiện những cuộc chia ly lịch sử bằng âm nhạc

Thứ Sáu, 28/10/2016, 18:06
Để nhớ về một thời ký ức, Giai điệu tự hào tháng 10-2016 phát sóng tối 29-10 sẽ tái hiện những câu chuyện chia ly thời đó bằng một bản giao hưởng dài với tựa đề “Tình trong lá thiếp” –tên một bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - cùng nhiều điều bí mật được “giải mã”.

Sau Hiệp định Genève1954, đất nước chia cắt, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời của 2 miền Nam –Bắc. Trong vòng 300 ngày khi đó, đã có hơn 1 triệu người di dân từ hai miền, để lại đằng sau mẹ già, con thơ và những mối tình say đắm. Nỗi lòng kẻ ở người đi đã làm nên những rung cảm sâu sắc trong trái tim nhiều nghệ sĩ, để rất nhiều ca khúc ra đời. Sau 60 năm, trong bao trái tim chia xa ngày ấy, những bài hát xưa vẫn nồng nàn kỷ niệm. 

“Tình trong lá thiếp” (1955) từng được NSND Huyền Thương và em trai là NSƯT Văn Hanh thể hiện khi đó, làm rung động bao trái tim bởi chứa đựng tình cảm của cả dân tộc trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước. Sau 61 năm “Tình trong lá thiếp” sẽ được 2 giọng ca Quang Hào và Huyền Trang thể hiện với hơi thở hiện đại nhưng chất dân tộc không hề mất đi nhờ lối hát nhẹ nhàng đầy cảm xúc của 2 giọng ca và tiếng đàn tranh đậm đà cảm xúc.

Tái hiện nỗi niềm xa cách xưa bằng âm nhạc

Trong một hành trình đằng đẵng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp gặp một người là nhân viên trạm đèn Cửa Tùng, tập kết ra Bắc. Ngày ngày ông đều nhìn về bờ Nam, đau đáu nỗi nhờ người vợ trẻ và những đứa con thơ … Câu chuyện xúc động ấy đã dẫn đắt cảm xúc để nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết nên những ca từ da diết của “Câu hò bên bờ Hiền Lương”.

 Bài hát được nghệ sĩ Văn Hanh tbiểu diễn lần đầu tiên vào năm 1955, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay sau đó, đã có hàng ngàn lá thư đẫm nước gửi mắt về Nam. Bởi giai điệu thăm thẳm của bài hát đã chạm đến trái tim công chúng về một sự chia cắt được nói bằng giọng hò bên bờ sông giới tuyến. Giờ đây, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” được phối lại bằng tiết tấu nhẹ nhàng, điểm xuyết những nhạc cụ dân tộc, đã vẽ nên bức tranh về một miền quê luôn trong tim của những người phải xa quê trong thời chiến.

Công chúng cũng sẽ được gặp lại một ca khúc rất trữ tình và nổi tiếng của Đoàn Chuẩn -Từ Linh: “Gửi người em gái miền Nam”. Đặc biệt, nghệ sĩ Đoàn Đính –con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – sẽ c

hơi đàn guitar hawaii, cây đàn đặc biệt mà người miền Nam thời đó hay dùng đánh cải lương, để biểu diễn. Cũng trong đêm nhạc đặc biệt này, nghệ sĩ Đoàn Đính “bật mí”: Có một bóng hồng nổi tiếng, là nguyên mẫu của bài hát hiện vẫn còn sinh sống tại TP HCM. Người đàn bà đẹp này từng là một ca sĩ nổi tiếng những năm 1950 với nghệ danh Mộc Lan. Mộc Lan được giới trẻ lúc bấy giờ săn đón, thần tượng, không chỉ ở giọng hát ngọt ngào mà còn bởi vẻ đẹp đài các, rực rỡ.

Ca khúc “Áo lụa Hà Đông” (nhạc: Ngô Thụy Miên; lời: Nguyên Sa) cũng về lại với nhiều người. Đây vốn là bài thơ của Nguyên Sa, một người di cư vào Nam sau năm 1954 viết và được Ngô Thuỵ Miên cũng di cư cùng đợt ấy, phổ nhạc khoảng năm 1960. 

Bởi thế, lời ca dìu dặt như tiếng lòng nhớ đất Bắc, của những nghệ sỹ tha hương. Bài hát từng được khán gải yêu mến với giọng hát của danh ca Tuấn Ngọc và đó là điều thách thức với Hồ Trung Dũng khi thể hiện. Nhưng Hồ Trung Dũng đã tìm ra được lối đi riêng khi thể hiện ca khúc này.

Những bài hát xưa vẫn làm rung động người nghe

Câu chuyện về sự ra đời của bài hát “Tình ca” nổi tiếng cũng được chia sẻ cùng với sự xuất hiện trở lại của ca khúc. Năm 1954, nhạc sĩ Hoàng Việt tập kết ra Bắc, vợ ông ở miền Nam chờ chồng. Trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, gia đình ly tán, ông đã sáng tác “Tình ca” năm 1957.
Một giai thoại kể rằng bài hát được viết khi ông nhận được thư của vợ, sau khi bức thư đã đi vòng vèo suốt nhiều chặng đường dài, từ Sài Gòn sang Paris, qua một số nước rồi mới về Hà Nội. Khi đó, Hoàng Việt đang ở số 4 Lý Nam Đế - ngôi nhà nổi tiếng của các văn nghệ sĩ Quân đội. 

“Tình ca” là bài hát về tình yêu quê hương vừa da diết vừa mãnh liệt trong giai điệu đẹp và tràn đầy cảm xúc. Suốt bao năm, ca khúc thường được các giọng ca thính phòng thể hiện, nhưng trong Giai điệu tự hào lần này, sẽ là sự thử nghiệm mới mẻ với giọng hát của Trung Quân idol.

Không mấy ai sống trong thời chiến lại không biết đến “Bài ca hy vọng” (Văn Ký, 1958). Giờ đây, bài ca đã thêm một lần đưa người nghe trôi vào một miền hy vọng đẹp đẽ đầy cảm xúc qua giọng ca của hoạ mi Khánh Linh, vừa hào sảng, vừa trong trẻo mà vẫn lắng đọng. 

Bài hát nhắc nhớ về câu chuyện rất cảm động của những người chiến sĩ trong lao tù Côn Đảo đã bí mật truyền đi thông điệp kết nối và cùng hát “Bài ca hy vọng”. Lời ca thầm thì xuyên qua những bức bách, chết chóc chốn lao tù, đã động viên các chiến sĩ cách mạng đoàn kết, vững lòng chiến đấu, lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi sáng …

Không gian mới cho các bài hát đi cùng năm tháng

45 năm trước, ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” từng vang lên cùng giọng ca Thái Thanh quyến rũ, ma mị. 20 năm sau, với giọng hát của Hồng Nhung, bài hát tiếp tục trở nên nổi tiếng. Khi sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Trần Quang Lộc và nhà thơ Tô Như Châu chưa một lần đặt chân đến Hà Nội, mà chỉ mang trong lòng một “bóng hồng” đất Hà thành, nên tình cảm với mảnh đất ấy cũng lãng mạn và đầy thi vị trong từng nốt nhạc, ca từ. 

Giờ đây, giữa lòng Hà Nội, giữa không gian đậm chất thu một lần nữa, Hồng Nhung lại ru khán giả chìm đắm trong mùa thu Hà Nội với giọng hát trong trẻo, đằm thắm, đầy chất tự sự.

Hội đồng bình luận 

Một bữa tiệc âm nhạc ngọt ngào không thể hơn, khi những ca khúc trữ tình, chứa chất nỗi niềm của bao người xa quê, xa cách nhau hơn 60 năm trước được tái hiện trong một phong cách âm nhạc mới, giọng ca mới hoàn toàn so với truyền thống. Đó cũng là một cách để nói rằng, âm nhạc đích thực luôn luôn có chỗ đứng. 

Thanh Hằng
.
.
.