Cách tổ chức thực hiện quyết định thành - bại việc “cải cách” môn Lịch sử

Thứ Bảy, 14/11/2015, 10:22
Xung quanh các ý kiến tranh cãi sau việc Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD – ĐT) công bố dự thảo chương trình học mới sẽ tích hợp môn học Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc, TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TP Hồ Chí Minh đã bày tỏ quan điểm như trên.

Vị trí, vai trò môn Lịch sử không thay đổi khi tiến hành tích hợp

TS Nguyễn Kim Dung cho rằng, việc tích hợp môn Sử với các môn khoa học khác bị hiểu thành “xóa” bỏ môn Sử trong hệ thống giảng dạy phổ thông là không đúng. Hiện ở bậc tiểu học, môn Sử được xếp trong môn khoa học xã hội; lên THCS, môn Sử là một môn riêng; tới THPT thì Sử mới được tích hợp với mục đích thực hiện theo Luật Giáo dục là trang bị kiến thức chuyên sâu hơn cho học sinh (HS), chuẩn bị cho việc hướng nghiệp, phân luồng. Chỉ có những em có đam mê, muốn trở thành một nhà Sử học, mới thực sự dấn thân và môn Sử lúc đó với bản thân người học trở thành một môn khoa học để HS đó đeo đuổi, làm nghề.

Ta đang hô hào học sinh phải học theo phương pháp tích cực, sáng tạo. Trong đó, người thầy phải có phương pháp truyền tải kiến thức tới HS làm sao giúp các em có kỹ năng tìm tòi kiến thức, tự giải quyết vấn đề. Ở Mỹ, người ta có những bài tập cho HS rất cụ thể, trong đó yêu cầu HS đưa ra lời giải buộc phải sử dụng kiến thức liên quan tới nhiều môn học khác nhau. Trên thế giới tất cả các môn học đều có xu hướng đặt trong mối liên hệ với nhau, trong đó, môn Sử không hoàn toàn là một môn độc lập.

Môn học Lịch sử đứng độc lập hay tích hợp không quan trọng bằng phương pháp truyền tải kiến thức tới học sinh.

Trong nhiều năm, đào tạo người giáo viên của ta chỉ chú trọng đào tạo đơn ngành. Chính vì vậy, một giáo viên dạy Toán ít khi chuyển sang dạy Hóa. Giờ quan niệm này đã phải thay đổi. Một vấn đề muốn được giải quyết trọn vẹn phải kết hợp kiến thức nhiều chuyên ngành. Như vậy, các môn học  đều có vị trí, tầm quan trọng như nhau. Cũng có nghĩa, tích hợp môn Sử vào môn học Công dân với Tổ quốc không có nghĩa môn Sử bị coi thường. Mục đích của các nhà giáo dục là muốn HS học được những vấn đề thực tế trong cuộc sống, vận dụng những kiến thức tổng hợp liên quan để có kiến thức, làm hành trang vào đời tốt hơn. Càng tự hào về lịch sử truyền thống dân tộc thì môn học này lại càng không bao giờ bị xem nhẹ.              

Thành - bại của mọi cải cách giáo dục nằm ở việc xây dựng chương trình, cách tổ chức thực hiện

Cũng theo TS Nguyễn Kim Dung, môn Giáo dục công dân quan trọng không kém những môn học khác vì nó cũng là một trong những công cụ giúp HS vào đời, trên nền tảng mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục của ta là đào tạo ra những con người toàn diện; đồng thời ta cũng đang thực hiện nhiệm vụ giảm tải giáo dục, vậy hướng đi tích hợp môn Sử vào môn khoa học khác vẫn đi đúng hướng. 

Dựa trên mục tiêu của giáo dục, quan trọng là cần có cách xây dựng chương trình học phải đạt yêu cầu cho người học, cho nhu cầu xã hội. Khi ở lứa tuổi tiểu học, THCS, chương trình phải đảm bảo kiến thức cơ bản, khi lên THPT, đến lúc HS cần chọn nghề thì chương trình cần đi sâu, rộng hơn, nội dung ở bậc đại học cần chú trọng vào vấn đề sở trường của người học, để học xong HS thấy mình đã chọn đúng nghề, đúng với thế mạnh của bản thân. Còn số lượng nhà Toán học, Văn học và Sử học,… bao nhiêu là vừa, nó lại phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu xã hội, định hướng của một quốc gia.

Đặt vấn đề lo ngại khi thực hiện tích hợp, môn Sử không còn là môn học đơn ngành, độc lập thì HS sẽ quên hết kiến thức lịch sử, cội nguồn ông cha. Về điều này, TS Dung cũng phân tích: “Lâu nay, môn Sử đã đứng độc lập, song tỉ lệ giới trẻ có bao nhiêu phần trăm yêu môn Lịch sử? Bài thi môn Sử có điểm cao là bao nhiêu? Vấn đề ở đây là việc truyền tải kiến thức tới HS ra sao, chứ không phải môn học này phải đứng độc lập, HS mới chú tâm học Sử”.

Ngoài ra, nếu coi đây là một cải cách lớn trong nội dung giảng dạy, chương trình thì giáo viên ta cũng cần chấm dứt các bài giảng Lịch sử giáo điều, cứng nhắc. Nhiều giáo viên Sử  cho rằng bị gò bó trong giảng dạy môn học này, theo TS Nguyễn Kim Dung, đó là do cách truyền đạt đã đặt môn Sử tách rời khỏi cuộc sống và các môn học khác. Nếu gom lại cùng kiến thức của các môn học khác phù hợp trong từng bài giảng thì chắc chắn sẽ sống động, thu hút với học sinh. Cần liên hệ với việc một bộ phim được người ta nhớ hơn dù câu chuyện đã bị hư cấu. Bài giảng môn Sử cũng cần như vậy. Việc tổ chức chương trình học mà không truyền tải được kiến thức hấp dẫn cho học sinh thì chương trình đó cũng sẽ thất bại.

Khi tiến hành một cuộc “Cải cách” mới tất yếu cần có thời gian thử nghiệm. Bộ GD - ĐT đã có lộ trình có thể là 10 năm cho việc này, theo dự thảo. Việc lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành là vô cùng cần thiết. Phải hiểu rằng, khoa học Lịch sử và  giảng dạy Lịch sử là khác nhau. Cơ cấu xã hội cần bao nhiêu nhà Sử học, bao nhiêu giáo viên dạy Sử hằng năm, chương trình môn Sử tích hợp ra sao với mỗi trường,... đòi hỏi phải có ý kiến của các chuyên gia. “Công bố dự thảo đưa ra theo hướng đi mới là một thay đổi quá lớn so với trước đây nên việc gặp phản ứng dư luận là điều khó tránh. Mục tiêu ta đã có nhưng cách xây dựng chương trình, tiếp cận ra sao rất cần lấy ý kiến, xem xét rộng rãi. Nó sẽ dễ dàng hơn khi ta có sự đồng tình, ủng hộ của các nhà chuyên môn”. TS Nguyễn Kim Dung kết luận.

Huyền Nga
.
.
.