Nỗi đau sạt lở ở “thung lũng vàng”

Thứ Ba, 14/11/2017, 13:25
Chưa bao giờ mưa lũ tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi được mệnh danh là “thung lũng vàng” lại gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng như đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 12 vừa qua. Tính đến nay, địa phương này ghi nhận có 3 vụ sạt lở núi nghiêm trọng khiến 9 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương…


“À, ba về rồi”

Dù đã 10 ngày trôi qua, song không khí tang thương, khắc khoải vẫn còn hiện hữu trên từng khuôn mặt của người thân anh Hồ Văn Chước (31 tuổi, trú xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), nạn nhân mất tích trong vụ lở núi xảy ra trên tuyến QL14E đoạn qua địa bàn thôn 6, xã Phước Hòa đến nay vẫn chưa được tìm thấy thi thể.

Trong khi vợ anh Chước là chị Đinh Thị Thu Hiền (25 tuổi) vì quá đau buồn trước tai họa xảy ra với chồng vẫn chưa muốn tiếp xúc với người lạ thì anh Hồ Văn Kiên, anh ruột anh Chước, mở đầu câu chuyện với chúng tôi với giọng buồn bã: “Tội. Em tôi mất tích đến giờ vẫn chưa tìm thấy xác. Nó mất đi, để lại vợ và 2 đứa con còn nhỏ dại cùng bao ấp ủ, dự định. Vợ chồng nó đang xây căn nhà ở thị trấn Khâm Đức, mới chuẩn bị gác đòn đông thì Chước gặp chuyện chẳng lành. Vợ nó thì học sư phạm ra, song 2 năm nay chưa có việc làm. Tội quá!”.

Đoàn công tác của huyện Duy Xuyên, đơn vị kết nghĩa với huyện Phước Sơn, thăm hỏi, động viên gia đình anh Hồ Văn Chước vào sáng 14-11.

Ông Nguyễn Văn Giản, Trưởng Công an xã Phước Hòa, một trong những người đầu tiên đến hiện trường vụ sạt lở núi, nhớ lại: Khoảng 11h ngày 5-11, trận lở núi kinh hoàng xảy ra trên tuyến QL14E đoạn qua địa bàn thôn 6, xã Phước Hòa vùi lấp 4 người, trong đó có anh Chước và làm 2 người khác bị thương.

“Sau khi nhận được tin báo về vụ lở núi, 10 cán bộ xã trong đó có tôi đã phải băng bộ đường rừng để tiếp cận hiện trường. Đến khoảng 13h cùng ngày, chúng tôi mới có mặt tại khu vực sạt lở, nhưng cũng chỉ dám đứng cách đó chừng 50m vì đất đá từ trên đồi cao vẫn ầm ầm đổ xuống không ngừng”, ông Giản nhớ lại.

Một phần quả đồi trở nên nham nhở, vô cảm sau khi ầm ầm trút hàng vạn mét khối đất đá xuống bên dưới, khiến 4 người mất tích tại xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn.

Về trường hợp của anh Chước, một số người chứng kiến vụ việc kể lại rằng sau khi đã qua được điểm sạt lở, thấy một số người còn mắc kẹt trong bùn đất ở phía sau nên anh Chước quay lại giúp đỡ tìm hướng khiêng xe máy giúp. Nào ngờ, hàng vạn mét khối đất đá từ trên quả đồi phía taluy dương ầm ầm đổ xuống khiến anh Chước cùng 3 người nữa mất tích.

Đến thời điểm này, sau khi huy động khoảng 300 người đủ các lực lượng và người dân địa phương cùng nhiều trang thiết bị máy móc, chó nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Nam cũng được huy động, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể của 3 nạn nhân gồm anh Hồ Văn Sơn (quê tỉnh Nghệ An), Hồ Văn Mơ và Hồ Văn Lân (cùng trú xã Phước Công, huyện Phước Sơn).

Riêng anh Chước vẫn còn mất tích và công tác tìm kiếm tung tích của anh vẫn được tiếp tục.

Khi chúng tôi đang trò chuyện cùng người thân anh Chước, một cháu gái với đôi mắt to tròn vẫn hồn nhiên vui đùa với các bạn cùng trang lứa.

Cháu Huyền (phải, con gái út của anh Chước) hồn nhiên nô đùa vì còn quá nhỏ, chưa biết được chuyện xảy đến với ba mình.

Thấy chúng tôi nhìn cháu, anh Kiên bảo đó là đứa con gái thứ hai và cũng là con gái út của anh Chước tên là Hồ Mai Huyền, chưa tròn 2 tuổi. Đứa con trai đầu của anh Chước là cháu Hồ Quang Thành (5 tuổi).

Khi mới xảy ra vụ lở núi khiến anh Chước mất tích, cháu Thành vẫn chưa biết gì đã xảy đến với ba mình. Thi thoảng khi đang nô đùa trong nhà, có tiếng xe máy ngừng ngoài ngõ, cháu Thành lại mừng rỡ kêu lớn: “À, ba về rồi!”.

Vài ngày sau, dường như cháu Thành dần dần hiểu rằng sẽ khó có một phép màu nào để đưa ba về với cháu nữa nên khi bị bạn cùng trang lứa đánh, cháu tỏ ra buồn, bảo: “Bạn đừng đánh mình nữa. Bạn có cha. Bạn không thấy giờ mình không còn cha nữa à!”.

Nỗ lực tìm kiếm

Chia tay gia đình anh Chước, chúng tôi tìm đến hiện trường vụ lở núi kinh hoàng. Dù QL14E đã được thông xe bước 1 vào tối 13-11, song theo ghi nhận của phóng viên CAND, tại hiện trường vào sáng 14-11, 3 chiếc máy múc vẫn hoạt động hết công suất để vừa hoàn thành công tác giải phóng điểm sạt lở vừa nỗ lực tìm kiếm tung tích của anh Chước.

Công tác tìm kiếm anh Chước vẫn được tiếp tục.

Phía taluy dương, một mảng lớn quả đồi trở nên nham nhở sau khi “nỗi giận” đã truốc xuống hàng vạn mét khối đất đá. Đất đá sạt lở kéo dài xuống tận lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 phía taluy âm.

Trên tuyến QL14E đoạn qua điểm sạt lở vừa được thông xe, các xe tải vận chuyển hàng lên Phước Sơn bằng đường này tỏ ra hối hả sau 10 ngày đường bị chia cắt; xe khách tuyến Khâm Đức - Tam Kỳ cùng nhiều xe máy của người dân đã trở nên tấp nập.

Tuyến QL14E đoạn qua điểm sạt lở ở xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn đã được thông xe vào tối 13-11.

Mà không chỉ xảy ra vụ sạt lở núi tại xã Phước Hòa, trong ngày 5-11 trên địa bàn huyện Phước Sơn còn ghi nhận 2 vụ sạt lở núi nghiêm trọng khác khiến 6 người bị vùi lấp, mất tích, 1 người bị thương.

Vụ thứ nhất xảy ra vào khoảng 16h ngày 5-11 tại thôn 8, xã Phước Hiệp khiến 3 người bị vùi lấp, 1 người bị thương. Vào thời gian trên, 4 người dân địa phương sau khi thu hoạch lúa rẫy thì về nghỉ trong nhà rẫy của họ. Mưa lớn đã gây sạt lở ngọn đồi phía sau nhà rẫy khiến đất đá đổ xuống vùi lấp căn nhà. 3 nạn nhân bị vùi lấp sau đó được tìm thấy gồm ông Hồ Văn Đức (trú thôn 8, xã Phước Hiệp) và vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sơn, bà Lê Thị Thu. Nạn nhân bị thương là Hồ Văn Chiến được đưa về Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức cứu chữa.

Vụ thứ hai cũng xảy ra vào chiều 5-11, tại Km38, xã Phước Xuân vùi lấp 3 người không rõ lai lịch. 2 người đã được phát hiện vào tối 7-11 được xác định quê ở Nghệ An. Đến sáng 10-11 thi thể của nạn nhân còn lại đã được tìm thấy và bước đầu xác định là người quê tỉnh Thanh Hóa.

Công tác dọn dẹp tại một điểm sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn vẫn được tiếp tục vào sáng 14-11.

Sạt lở cũng đã gây chia cắt nhiều tuyến đường tại các xã vùng cao của huyện Phước Sơn như Phước Công, Phước Kim, Phước Chánh,… Một số tuyến đường liên xã vùng cao Phước Sơn đến thời điểm này cũng chỉ có xe máy độ chế là có thể đi lại được, nhưng rất khó khăn.

“Đau lòng lắm. Chưa bao giờ huyện chúng tôi xảy ra các vụ sạt lở đất kinh hoàng như năm nay. Sau khi xảy ra sạt lở, chúng tôi đã huy động tối đa các lực lượng cùng với sự hỗ trợ lực lượng từ Công an tỉnh và một số lực lượng khác nhanh chóng đến hiện trường để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Riêng trường hợp anh Chước còn mất tích, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình tìm kiếm”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn. chia sẻ.

Trong đợt mưa lũ và sạt lở đất do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận có 40 người chết, mất tích; trong đó, 3 địa phương thiệt hại nặng nề nhất về người gồm huyện Phước Sơn 10 người, huyện Bắc Trà My 12 người, huyện Nam Trà My 10 người,…

Ngoài ra, hơn 400.000m3 đất đá bị sạt lở xuống các hệ thống công trình giao thông, nhà cửa gây hư hỏng nặng... Ước tính tổng thiệt hại kinh tế hơn 820 tỷ đồng.

Đến nay, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã quyên góp ủng hộ hơn 4 tỷ đồng nhằm giúp tỉnh Quảng Nam sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất của người dân.


Ngọc Thi
.
.
.