Vụ triệt sản vẫn có thai:

Diễn biến mới nhất vụ bệnh nhân triệt sản vẫn có thai

Thứ Năm, 07/12/2017, 18:42
Chiều 7-12, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về vụ việc một phụ nữ đã triệt sản tại BV nhưng vẫn có thai đang khiến dư luận quan tâm mấy ngày qua.


Trước đó, ngày 6-12, chị Lê Thị Nguyên Sinh (sinh năm 1977, phường Minh Khai, Hà Nội) cho biết, tháng 2-2016 chị sinh con thứ 3 tại Khoa Sản -BV Bạch Mai. Do đã có 3 con, chị lại đã mổ đẻ lần thứ 3 nên khi được tư vấn về các nguy cơ, chồng chị đã ký cam kết đề nghị được triệt sản. Bác sĩ Nguyễn Dư Dậu là người trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ kết hợp triệt sản cho chị Lê Thị Nguyên Sinh.

Đinh ninh rằng mình đã được triệt sản nên chị Sinh không có biện pháp tránh thai nào. Nhưng mới đây, chị phát hiện mình có thai 8 tuần nên buộc phải bỏ thai vì sợ nguy hiểm. Bức xúc về việc đã triệt sản vẫn có thai, chị Sinh liên hệ với bác sĩ Dậu và được BS. Dậu khẳng định đã triệt sản cho chị và 2 bên đã có thái độ thiếu thiện chí với nhau. Sau đó, trả lời một số báo chí, bác sĩ Dậu cho biết “Có những trường hợp triệt sản vẫn có thai trở lại”.

TS. Dương Đức Hùng thông tin về vụ việc

Tại cuộc gặp mặt báo chí, TS. Dương Đức Hùng -Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, BV đã tìm lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Sinh để làm rõ. 

Theo sĩ Hùng, bác sĩ Dậu đã có 34 năm trong nghề và có nhiều kinh nghiệm. Việc xem xét bệnh án cho thấy, ca phẫu thuật cho chị Sinh mới dừng lại ở mổ lấy thai chứ chưa triệt sản. Theo quy định, muốn làm thủ thuật gì phải giải thích cho bệnh nhân, được sự đồng thuận và cam đoan của gia đình. Bác sĩ Dậu đã thực hiện đúng quy trình bởi bệnh nhân có rất nhiều nguy cơ.

Trả lời câu hỏi vì sao bác sĩ đã tư vấn và gia đình ký cam kết triệt sản, nhưng chị Sinh vẫn chưa được triệt sản khiến có thai, bác sĩ Nguyễn Dư Dậu cho biết, trong quá trình mổ, ông phát hiện vết mổ bị dính do chị Sinh đã mổ 2 lần, nên không thể triệt sản được. “Vì thế, để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân nên tôi đã không triệt sản nữa. Tôi cũng đã giải thích cho bệnh nhân, nhưng có thể bệnh nhân quên”- bác sĩ Dậu nói.

Thực tế, trên phiếu ghi “Cách thức mổ” đã không ghi là đã triệt sản. Việc giải thích cho bệnh nhân những gì bác sĩ đã làm hay không làm khi phẫu thuật, theo TS. Hùng là qui định bắt buộc.

Bác sĩ Nguyễn Dư Dậu tại buổi họp

Tuy nhiên, điều khiến cả bệnh nhân và báo chí băn khoăn là bác sĩ Dậu cho biết chưa mổ triệt sản cho chị Sinh, nhưng hôm trước, khi chị Sinh gọi điện hỏi thì bác sĩ Dậu lại khẳng định đã triệt sản cho chị rồi. Giải thích điều này, bác sĩ Dậu nghẹn ngào cho biết: Mỗi năm tôi mổ khoảng 600 bệnh nhân nên khi chị ấy gọi thì tôi không thể nhớ được nên tôi chỉ buột miệng nói là đã triệt sản.

Các bác sĩ cho rằng lẽ ra bệnh nhân phải xem kỹ Giấy ra viện và phiếu “Cách thức mổ” để biết bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật gì trên người mình. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi gia đình bệnh nhân đã viết giấy cam đoan để mổ triệt sản, thì khi không thực hiện kỹ thuật đó, cũng phải được bác sĩ ghi bằng văn bản để bệnh nhân biết, chứ không thể nói rằng, bệnh nhân phải tự đọc “Cách thức mổ” để biết là chưa triệt sản. 

Vì bệnh nhân không có kiến thức chuyên môn, nên có thể nghĩ rằng bác sĩ không cần ghi kỹ thuật triệt sản trong phiếu vì mổ đẻ mới là chính. Hơn nữa, việc ghi trên văn bản cũng để tránh việc bác sĩ cho rằng đã giải thích, còn bệnh nhân thì hoàn toàn không biết là mình chưa được triệt sản.

Bản cam đoan và phiếu Cách thức mổ của bệnh nhân

Trước những băn khoăn về vụ việc này, đại diện BV Bạch Mai - TS. Dương Đức Hùng - cho biết: Vụ việc là bài học đắt giá cho BV rút kinh nghiệm và phải yêu cầu đưa thành quy trình khi thực hiện phẫu thuật có xâm lấn trên người bệnh. Các bác sĩ phải có cách giao tiếp để thông tin với người bệnh tốt hơn nữa.

 Đồng thời, BV cũng sẽ cải cách hành chính để thuận lợi cho bệnh nhân và phát huy hiệu quả như cải tiến cách thức thông tin để đảm bảo rõ ràng và lâu bền. Vì nhiều khi bệnh nhân và gia đình quan tâm không đúng mức, nên thông tin trên giấy chỉ một thời gian đã bị nhàu nát. 

Từ lâu, bệnh nhân tim mạch ở BV đã dùng thẻ cứng, rơi vào nước cũng không bị làm sao, để 10-20 năm sau bệnh nhân đến khám, các thông tin nhóm máu, cách thức phẫu thuật trên đó vẫn còn được lưu trữ. Việc dùng thẻ cứng là cần thiết để lưu trữ thông tin cho người bệnh.

Chúng tôi đồng ý với TS. Dương Đức Hùng rằng, có nhiều điều cần rút kinh nghiệm ở đây. Trước hết là việc thông tin, giải thích của bác sĩ cho người bệnh, vì cho đến chiều 7-12, vẫn chỉ là “sư bảo sư phải, vãi nói vãi hay” chứ không có bằng chứng nào cho thấy có sự giải thích cho bệnh nhân. Hơn nữa, bản cam đoan của gia đình bệnh nhân mang tính pháp lý, nhưng khi không thực hiện kỹ thuật này, thì BV đã không có một chứng cứ pháp lý tương xứng nào thì liệu có công bằng?

Vì thế,  điều khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn là, nếu thực sự bệnh nhân bị dính vết mổ trước như bác sĩ giải thích, khiến không thể triệt sản được thì sao không ghi trong bệnh án? Hay bác sĩ quên triệt sản cho bệnh nhân và cũng quên luôn cả giải thích?


Thanh Hằng
.
.
.