Nguồn phóng xạ bị mất tại Bắc Kạn nguy hiểm đến mức nào?
- Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lí nguồn phóng xạ
- Chưa có kho để chất phóng xạ, chất độc, chất cháy
- Che giấu việc mất nguồn phóng xạ là vi phạm pháp luật
Chiều 5-1, trả lời PV báo CAND, PGS.TS Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) cho biết, nguồn phóng xạ trên rất nhỏ, không nguy hiểm cho sức khoẻ con người và môi trường.
Ông Tấn cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, Cục đã cử đoàn chuyên gia cùng trang thiết bị lên Bắc Kạn, hỗ trợ tìm nguồn phóng xạ thất lạc. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sẽ gặp nhiều khó khăn bởi chưa xác định được chính xác thời gian nguồn phóng xạ biến mất.
Thiết bị chứa nguồn phóng xạ Cs-137 (ảnh: Sở KH&CN Bắc Kạn). |
Ông Lê Văn Thế - Phó Giám đốc Sở KHCN Bắc Kạn cho biết, nguồn phóng xạ Cs-137 được sử dụng trong hoạt động kiểm tra mức xả clinker của công nghệ xi măng lò đứng. Nguồn bị mất là nguồn phóng xạ kín, được đặt ở tâm của một bình chì hình trụ (kích thước khoảng 10x20 cm, màu ghi xám, nặng khoảng 3-4kg). Bình chì có tác dụng che chắn bức xạ thoát ra môi trường. Đây là nguồn phóng xạ được xếp vào nhóm 5 theo Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về an toàn phức xạ (QCVN 6:2010/BKHCN), không gây nguy hiểm cho con người, kể cả khi tiếp xúc gần.
Được biết, khoảng 8h30 ngày 15-12, các cơ quan chức năng của địa phương này mới nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất.
Nhà máy xi măng Bắc Kạn, nơi bị mất nguồn phóng xạ. Ảnh: vne |
Ngay sau khi có thông tin về việc mất nguồn phóng xạ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Khoa học – Công nghệ, phối hợp với Công an tỉnh, Cục an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức tìm kiếm. Qua đo phông phóng xạ môi trường tại khu vực công ty xi măng Bắc Kạn, các tuyến đường giao thông và các khu vực khả nghi, vẫn chưa phát hiện thấy mức phóng xạ môi trường bất thường. Hiện việc tìm kiếm vẫn đang được tích cực triển khai.
Đây không phải là lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ. Gần đây nhất, tháng 3/2015, tại nhà máy thép Pomina 3 (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng bị mất nguồn phóng xạ dùng để đo mức thép Co-60. Trước đó, vào tháng 9/2014, một công ty tại TP Hồ Chí Minh cũng bị lấy cắp thiết bị chụp ảnh NDT có chứa nhiều chất phóng xạ, trong đó có chất Iridium 192 có thể gây nhiễm độc và chết người.