Che giấu việc mất nguồn phóng xạ là vi phạm pháp luật

Chủ Nhật, 12/04/2015, 07:39
Gần đây, vụ thất lạc thiết bị phóng xạ ở Nhà máy Thép Pomina 3 (Bà Rịa – Vũng Tàu) khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng về tình hình đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ tại Việt Nam. Xung quanh câu chuyện này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học – Công nghệ). 

PV: Thưa ông, hiện Việt Nam có bao nhiêu nguồn phóng xạ và đang được quản lí như thế nào?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Hiện nay số lượng nguồn phóng xạ ở Việt Nam tương đối nhiều, có khoảng vài nghìn. Số cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ cũng lên tới hàng nghìn theo giấy phép. Việc quản lí nguồn phóng xạ hiện đã có hệ thống văn bản khá đầy đủ. Khi nhập khẩu vào Việt Nam cũng phải có giấy phép, việc vận chuyển được giám sát chặt chẽ, cơ sở sử dụng cũng phải có giấy phép, muốn sửa chữa hay không muốn sử dụng nữa cũng phải có giấy phép.

PV: Thực tế thời gian qua đã liên tiếp xảy ra các vụ thất lạc, mất cắp thiết bị phóng xạ khiến dư luận cho rằng việc quản lí của chúng ta không khác gì “mất bò mới lo làm chuồng”. Ông nghĩ sao?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Nói thế thì nặng nề quá. Quản lí tức là xây dựng các văn bản pháp lí, tổ chức cho nó hoạt động, tiến hành thanh tra kiểm tra... Những cái này chúng ta đã làm, nhưng thanh tra đã đi hết chưa thì nó lại phụ thuộc vào năng lực của chúng ta, đã đủ người chưa, có đủ kinh phí không. Cơ quan quản lí không thể giám sát 24/24h, chẳng có lĩnh vực nào làm được như thế. Cơ quan quản lí chỉ có thể thanh, kiểm tra định kì hoặc đột xuất. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của cơ sở sử dụng. Nếu cơ sở tuân thủ chặt chẽ quy trình thì không thể xảy ra chuyện mất cắp, thất lạc.

Với trường hợp thất lạc thiết bị phóng xạ ở Vũng Tàu vừa qua, rõ ràng cơ sở không tuân thủ. Lẽ ra khi tháo ra sửa chữa, họ phải cất vào kho, có khoá đảm bảo an ninh. Thực tế việc thất lạc thiết bị này cũng rất khó xảy ra vì nó nằm trong khuôn viên nhà máy. Vụ mất cắp ở TP Hồ Chí Minh năm ngoái cũng là do lỗi của cơ sở. Họ làm không đúng quy định thì mất thôi.

PGS.TS Vương Hữu Tấn.

PV: Hiện nay, ở Việt Nam, khu vực nào có số lượng nguồn phóng xạ nhiều nhất? Nguồn phóng xạ nào được coi là nguy hiểm nhất?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Chủ yếu là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM do tập trung nhiều cơ sở công nghiệp, cơ sở y tế lớn. Rất khó để nói nguồn nào nguy hiểm nhất. Có nhiều nguồn quy mô rất lớn nhưng lại không nguy hiểm. Có những cơ sở chiếu xạ có cường độ cực lớn nhưng người ta quản lí tốt thì cũng không vấn đề gì. Hiện nay, những nguồn phóng xạ lớn, có mức độ nguy hiểm cao thì Cục đã phối hợp với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ lắp thiết bị giám sát an ninh để chống đột nhập. Nếu có sự thay đổi nào thì thiết bị giám sát sẽ báo cho cơ quan an ninh. Hiện các cơ sở y tế, các cơ sở công nghiệp lớn đã có thiết bị này. Sau sự cố mất nguồn tháng 9 năm ngoái ở TP HCM, Bộ Khoa học – Công nghệ đã chỉ đạo Cục sửa đổi Thông tư 23 về quản lí các nguồn phóng xạ để giám sát an ninh cho các nguồn phóng xạ di động. Bởi nguồn phóng xạ này rất dễ bị thất lạc.

PV: Vụ thất lạc nguồn phóng xạ ở Vũng Tàu vừa qua cơ sở đã phát hiện mất từ tháng 3 nhưng tới tháng 4 mới thông báo, điều này rõ ràng không chấp nhận được. Theo ông, sau khi để xảy ra các vụ việc mất cắp, thất lạc thiết bị phóng xạ thì cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ cần có thái độ ứng xử như thế nào?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Như thế là họ đã vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lí. Theo quy định, khi mất, cơ sở phải thông báo ngay cho cơ quan quản lí chứ không phải tự tìm, không thấy mới báo cáo. Nhà thép Pomina 3 vi phạm quá nhiều, chúng tôi sẽ thanh tra để xử lí.

PV: Ông có cho rằng còn có nhiều vụ mất cắp nguồn phóng xạ mà cơ sở giấu kín?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Phải khẳng định họ không thể giấu được vì họ sẽ bị thanh tra, kiểm tra. Vụ nhà thép Pomina 3 vừa rồi là họ cố gắng tìm, tới lúc không thấy mới thông báo.

PV: Như vậy, những cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ khi phát hiện bị mất mà không báo cáo là vi phạm pháp luật?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Đúng vậy, hành vi này sẽ bị xử phạt. Năm ngoái, cơ sở ở TP Hồ Chí Minh bị mất cắp nguồn phóng xạ, mặc dù sau đó có tìm thấy nhưng cũng phải nộp phạt 60 triệu đồng.

PV: Nếu nguồn phóng xạ bị thất lạc hoặc mất cắp thì ai phải chịu trách nhiệm?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Trách nhiệm đầu tiên là chủ sở hữu. Nếu thất thoát nguồn phóng xạ lớn mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng, làm chết người thì phải điều tra, xử lý theo luật định. Nếu cơ quan quản lí không đặt ra những quy định dẫn đến không đủ hành lang pháp lí khiến cơ sở vi phạm thì cũng phải chịu trách nhiệm. Nhưng trong trường hợp ở nhà máy Pomina, hành lang pháp lí đầy đủ rồi.

PV: Nguồn phóng xạ sẽ gây nguy hiểm thế nào nếu rò rỉ ra môi trường, thưa ông?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Phóng xạ có nhiều dạng. Nguồn mất ở công ty thép Pomina là một dạng kim loại, không phải dạng khí, dạng bột hay dạng lỏng nên không sợ hít vào hay ăn phải. Nó là kim loại nên chỉ ảnh hưởng nếu cầm phải, tiếp xúc trực tiếp ở mức gần. Còn nếu cách 1m thì liều xạ đã giảm hàng trăm lần. Hiện nay hầu hết các nguồn phóng xạ dùng trong công nghiệp đều ở dạng rắn như thế. Với các cơ sở y tế, dược chất phóng xạ lấy về thì tiêm luôn nên cũng rất hiếm khi rò rỉ. Hiện nay những trung tâm chiếu xạ lớn ở Cần Thơ, Bình Dương… có liều chiếu xạ cực lớn, có thể gây tử vong tại chỗ nhưng những chỗ đó con người không tiếp cận được vì được đảm bảo an ninh rất kĩ. Khi lắp đặt họ đã để ở trạng thái rất an toàn.

PV: Có dấu hiệu nào để nhận biết vật thể gì đó là nguồn phóng xạ không, thưa ông?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Trước 2012, quốc tế dùng dấu hiệu hình tam giác màu vàng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Nay cải tiến, có thêm hình đầu lâu.

PV: Người dân nên làm gì nếu nghi ngờ mình đã tiếp xúc với thiết bị phóng xạ?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Tốt nhất là gọi điện thoại đến Cục hoặc Sở Khoa học – Công nghệ các địa phương. Chúng tôi sẽ cử người tới kiểm tra xem thiết bị đó có phải phóng xạ hay không. Nguồn phóng xạ nhìn thì khó biết nhưng đo thì rất dễ phát hiện. Nếu bị chiếu xạ rất lớn có thể dẫn tới bỏng, lở loét da, nếu chiếu nhỏ thì không có cảm giác gì.

PV: Việc gắn chip theo dõi các thiết bị phóng xạ, thế giới làm phổ biến không?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Không phổ biến, cũng mới bắt đầu làm mà cũng chỉ áp dụng với một số nguồn di động, không phải tất cả. Việt Nam cũng đang học theo cách này. Các nguồn cố định thì không cần thiết phải gắn chip. Nếu thiết bị phóng xạ đặt trong môi trường nhiệt độ cực cao thì đưa chip vào cũng không được.

PV: Chi phí gắn chip có cao không, thưa ông?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Không tốn kém lắm, điều kiện kinh tế Việt Nam đáp ứng được. 

Khánh Vy (thực hiện)
.
.
.