Làm rõ trách nhiệm việc Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm bị xâm hại

Thứ Tư, 21/11/2018, 07:27
Thời gian gần đây, Khu du lịch (KDL) Quốc gia hồ Tuyền Lâm liên tục bị xâm hại, lấn chiếm trái phép. KDL đặc biệt trên đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm trực tiếp quản lý, giám sát, điều hành toàn bộ hoạt động trong phạm vi được giao nhưng sai phạm xảy ra không ai chịu trách nhiệm…(?) 


Điều lạ là trong thời gian qua, KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm liên tục bị xâm hại, khi các cơ quan chức năng phát hiện thì “việc đã rồi”, công trình cơ bản đã hoàn thành. Thậm chí, có doanh nghiệp khi bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đình chỉ nhưng vẫn không chấp hành, ngang nhiên thi công, hoàn thiện công trình và “bình thản” đưa vào sử dụng. Từ đó dư luận địa phương đã ví von tình trạng trên như một kiểu phi lý - “con voi chui lọt lỗ kim”.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, khu vực hồ Tuyền Lâm hiện nay quản lý trực tiếp là Ban Quản lý KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm, ngoài ra còn có UBND phường 3, phường 4, TP Đà Lạt. Đó là chưa kể, vai trò của Ban Quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt, Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác thủy lợi (Sở NN&PTNT Lâm Đồng), Sở Xây dựng, Sở VH-TT&DL...

Hàng loạt cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp quản lý, giám sát, bảo vệ KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm, tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt xử lý các công trình vi phạm nhưng với những gì đang diễn ra, rõ ràng các cơ quan này hoạt động chưa hiệu quả, phối hợp xử lý chưa nhịp nhàng, nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm, bao che...

Lấn chiếm lòng hồ Tuyền Lâm xây nhà nghỉ.

Vừa qua, 19 căn nhà gỗ “di động” với tổng diện tích 456m2, do Công ty cổ phần Đầu tư Lý Khương lấn chiếm, lắp đặt tại khu vực bảo vệ 1 Di tích lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia hồ Tuyền Lâm đã gây ra thông tin không tốt trong dư luận.

Sau khi báo chí vào cuộc, chủ đầu tư mới chịu khắc phục bằng cách di chuyển toàn bộ 19 căn nhà gỗ này ra khỏi khu vực lấn chiếm. Trước đó, vào tháng 8-2018, Công ty cổ phần Đầu tư Lan Anh Đà Lạt còn “liều lĩnh” xây dựng bờ bê tông chắn án ngữ một phần eo nước hồ Tuyền Lâm. Đáng chú ý, việc xây dựng đập bê tông này đã được Ban Quản lý KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm phát hiện từ khi mới bắt đầu xây dựng, lập biên bản đình chỉ nhưng không hiểu sao chủ đầu tư vẫn cho thi công và hoàn thành công trình mà không vấp phải sự “cản trở” nào của cấp có thẩm quyền trong khi văn phòng của Ban Quản lý nằm ngay đối diện đập bê tông này. Chỉ khi báo chí rốt ráo vào cuộc, cơ quan chức năng ra “tối hậu thư” chủ đầu tư mới chịu tháo dỡ phần nổi của đập bê tông trên.

Cũng trong đầu năm nay, hàng loạt các vi phạm khác của các cá nhân, tổ chức đã xây dựng, lấn chiếm lòng hồ Tuyền Lâm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, cưỡng chế tháo dỡ theo quy định, như công trình của Công ty TNHH Trà Vườn Thương, Công ty TNHH LIMI, khu vực “phim trường”… gây tâm lý hoài nghi có tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong dư luận về công tác quản lý, thực thi pháp luật không nghiêm minh của các cơ quan chức năng.

Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, Ban Quản lý KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp toàn bộ hoạt động tại khu vực này, từ đầu tư xây dựng cho đến vấn đề khai thác, quản lý, vận hành khu du lịch.

Trong trường hợp phát hiện công trình sai phạm, Ban Quản lý phải có trách nhiệm báo ngay cho chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan để kịp thời phối hợp xử lý. Đồng thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chế tài phù hợp với hành vi sai phạm để xử lý dứt điểm các vi phạm của các tổ chức, cá nhân, kiên quyết không để tồn tại những công trình sai phép, không phép.

Trước sự bất thường trong công tác quản lý, giám sát của Ban Quản lý KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã yêu cầu Ban Quản lý này tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát, không để xảy ra những trường hợp vi phạm như thời gian qua.

Khắc Lịch
.
.
.