Lại “nóng” việc lấn chiếm, san ủi đất rừng

Thứ Bảy, 15/09/2018, 08:30
Không chỉ đầu độc, cưa hạ hàng loạt cây thông tại những vị trí đi lại thuận tiện, các đối tượng còn ngang nhiên đưa máy xúc vào san gạt, phân thành từng lô tạo mặt bằng sau đó chuyển nhượng hoặc sản xuất nông nghiệp. Thực trạng trên đang xảy ra tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Từ tháng 4-2018, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, nghiêm cấm các hành vi san gạt, làm thay đổi hiện trạng đất dưới mọi hình thức, kể cả đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Sở dĩ UBND tỉnh Lâm Đồng phải cấm hoạt động này là do trong thời gian qua, nhiều người đã lợi dụng quy định tạm thời của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc cấp phép cho san gạt đất phục vụ sản xuất nông nghiệp đã lấn chiếm, tàn phá rừng sau đó tiến hành san ủi tạo mặt bằng, gây thiệt hại tài nguyên rừng, nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng xấu tới tài nguyên môi trường… 

Lệnh cấm trên có hiệu lực từ cuối tháng 4-2018. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ra nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng san gạt đất. Tuy nhiên, đến nay hành vi san gạt đất, trong đó có đất rừng vẫn ngang nhiên tái diễn tại nhiều địa phương. 

Cùng với đó, không ít diện tích rừng, nhất là rừng thông tại khu vực thị trấn Nam Ban và xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà tiếp tục bị đầu độc, cưa hạ hàng loạt. Đặc biệt, có trường hợp san gạt đất rừng đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang, lập biên bản, yêu cầu dừng việc san gạt nhưng lại không tạm giữ tang vật phương tiện để xử lý theo quy định khiến các đối tượng vẫn tiếp tục tái phạm.

Một vụ san ủi đất đã “ăn” sát vào rừng thông tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.

Điển hình là trường hợp của ông  Hoàng Đình Nghiêm, ngụ tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Ngày 5-9, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện ông Nghiêm đang cho người dùng máy xúc san gạt đất tại khu vực rừng thông thôn 4, xã Gia Lâm. 

Ông Đào Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết, tại hiện trường, ông Nghiêm trình bày mua lại thửa đất trên từ ông Nguyễn Hùng Cường, trú tại thôn 5, xã Gia Lâm. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng “giấy tay” với tổng diện tích 2,5ha. Vào thời điểm lực lượng chức năng phát hiện, ông Nghiêm đã san gạt được 4.500m², phân thành nhiều lô theo dạng bậc thang. 

Theo quan sát của PV, vị trí đất ông Nghiêm san gạt tọa lạc bên cạnh rừng thông khoảng 20 năm tuổi, có cỏ hoang mọc và chưa từng có cây trồng nông nghiệp. Rừng thông này cũng đang bị tàn phá nặng nề trong những năm qua. 

Một cán bộ UBND xã Gia Lâm xác nhận, vị trí ông Nghiêm đang san gạt là đất lâm nghiệp, trước đây vốn là rừng thông. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời tạm đình chỉ việc san gạt đất của ông Nghiêm. Tuy nhiên, không hiểu sao đoàn công tác lại không tạm giữ phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định. 

Do đó, ngày 6-9, PV Báo CAND cùng cán bộ địa chính xã Gia Lâm trở lại hiện trường thì chiếc máy xúc của gia đình ông Nghiêm vẫn đang san gạt như chưa từng có “lệnh” đình chỉ.

Tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tình trạng san gạt đất cũng xảy ra ở nhiều vị trí. Ngày 7-9, UBND thị trấn Nam Ban đã bắt quả tang một vụ  múc đất vận chuyển ra khỏi khu vực. Vị trí bị tác động nằm sát mặt đường tỉnh lộ 725. 

Năm 2017, rừng thông gần khu vực này đã bị các đối tượng đầu độc, chết trắng hàng loạt. Vài tháng trở lại đây, rừng thông tiếp tục bị các đối tượng cưa hạ, tàn phá dữ dội khiến một quả đồi thông thuộc tiểu khu 270, thị trấn Nam Ban, nay chỉ còn lại trên dưới 100 cây. 

Ông Nguyễn Phúc Thái, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban cho biết, các đối tượng đầu độc rừng thông sau đó cưa hạ, lấn chiếm, tiến hành san gạt lấy mặt bằng vì giá trị đất tại khu vực này rất lớn do sát mặt đường tỉnh lộ 725. 

Cũng theo ông Thái, việc tàn sát rừng thông, lấn chiếm, san múc đất rừng ở một số vị trí trên địa bàn không ngoại trừ có bàn tay của “xã hội đen”.

Các đối tượng này chuyên rà soát, tìm kiếm vị trí đẹp, thuận tiện tiến hành đầu độc rừng thông rồi cưa hạ, lấn chiếm, sang nhượng cho người khác khiến công tác quản lý trở nên phức tạp.

Ông Lê Văn Thiêm, Trưởng phòng TN&MT huyện Lâm Hà cho biết, từ đầu năm 2018 tới nay, Phòng TN&MT huyện Lâm Hà và UBND các xã, thị trấn đã phát hiện 21 trường hợp khai thác đất đá trái phép. Xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 185 triệu đồng.

Rõ ràng, những gì đang xảy ra tại một số địa phương của huyện Lâm Hà, đặc biệt là xã Gia Lâm cho thấy công tác quản lý, xử lý trong lĩnh vực san gạt, lấn chiếm đất rừng của cơ quan quản lý tại địa phương còn rất lỏng lẻo, chưa kiên quyết khiến cho đối tượng vi phạm “nhờn” và có biểu hiện coi thường pháp luật.

KHẮC LỊCH
.
.
.