Hiểm họa môi trường từ các nhà máy xả thẳng

Thứ Sáu, 19/08/2016, 08:07
Ai kiểm soát nguồn thải của các cơ sở công nghiệp? Làm sao để những sự cố môi trường như Formosa sẽ không tái diễn? PV Báo CAND sẽ phản ánh hiện trạng này qua chuyên đề "Hiểm họa môi trường từ các nhà máy xả thẳng".

Trung bình mỗi ngày có 1 triệu m3 chất thải từ các khu công nghiệp (KCN) được xả ra môi trường, trong đó có khoảng 240.000m³ chưa qua xử lí. Nhiều doanh nghiệp được phát hiện lắp đặt cống ngầm nhằm xả trộm với thủ đoạn hết sức tinh vi. Đáng nói là, ngay cả những KCN có đầu tư hệ thống xử lí nước thải tập trung thì nhiều nơi cũng không vận hành để giảm chi phí.

Ai kiểm soát nguồn thải của các cơ sở công nghiệp? Làm sao để những sự cố môi trường như Formosa sẽ không tái diễn? PV Báo CAND sẽ phản ánh hiện trạng này qua chuyên đề "Hiểm họa môi trường từ các nhà máy xả thẳng".

Bài 1: Vô tư xả thẳng ra môi trường

Kể từ khi đi vào hoạt động (2011), Công ty CP Dầu thực vật Quang Minh (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đã gây bức xúc trong nhân dân bởi việc xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đáng nói là, dù đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng công ty này vẫn tiếp tục ngang nhiên phớt lờ pháp luật.

Cứ kiểm tra là có vi phạm

Với công suất 700 tấn/ngày, mỗi ngày, Công ty Quang Minh cần phải xử lí khoảng 600m³ nước thải. Trong thời gian gần đây, công ty còn mở rộng sản xuất sang lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Trong quá trình sản xuất cám, lượng bã bia bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân các thôn Đồng Lý, Bằng Ngang (thị trấn Lương Bằng), thôn Miêu Nha, Phán Thuỷ (xã Song Mai)…

KCN Dệt may Phố Nối B xả nước thải ngay giữa ban ngày.

Mỗi khi trời nắng, mùi hôi thối kèm theo khói bụi từ nhà máy khiến các hộ dân quanh khu vực luôn phải đóng kín cửa để tránh ô nhiễm. Nước thải từ nhà máy cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, nguồn nước thải đen đặc, chưa qua xử lí đổ ra cánh đồng rộng khoảng 20ha của thôn Bằng Ngang đã khiến lúa chết hàng loạt. Bức xúc trước hành vi xả thải của công ty, người dân thị trấn Lương Bằng đã từng lấp các cống xả thải để cứu lúa. Do ô nhiễm không khí nên từ đầu năm tới nay, số bệnh nhân đến Trung tâm y tế huyện Kim Động khám hô hấp tăng 400 lượt.

Đáng nói là, Công ty Quang Minh vốn được coi là “điểm đen” gây ô nhiễm ở tỉnh Hưng Yên, từng nhiều lần bị lực lượng chức năng xử phạt. Năm 2011, Công ty đã bị UBND tỉnh Hưng Yên xử phạt hành chính hơn 260 triệu đồng theo Quyết định số 1762 ngày 20-10-2011 vì không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng đã xây dựng và đưa dự án vào hoạt động. Công ty cũng xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất thải với chỉ tiêu tổng coliforms vượt 9,2 lần so với quy định cho phép.

Tháng 10-2014, trong quá trình thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát hiện Công ty Quang Minh có nhiều hành vi vi phạm như không thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường; quản lý chất thải không đúng quy định; xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần… Dù đã hứa sẽ khắc phục các sai phạm nhưng chỉ 2 tháng sau, lực lượng chức năng lại bắt quả tang công ty đang xả thẳng ra kênh mương thuỷ lợi của thị trấn Lương Bằng với lượng nước thải khoảng 500m3/ngày đêm.

Đầu tháng 8-2016, chúng tôi quay trở lại khu xử lí nước thải tập trung của KCN dệt may Phố Nối B (Hưng Yên) – nơi đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang xả thải ra môi trường. Gặp đúng hôm trời mưa to, nhà máy xả thải bọt trắng xoá.

Dòng nước đen ngòm từ nhà máy chảy qua kênh Trần Thành Ngọ vốn là mương nước sạch của người dân thôn Phan Bôi, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Nước thải đi tới đâu, cây cối chết héo tới đó. Anh Lê Đình Khương, thôn Phan Bôi cho biết, trước đây nhà máy hay xả trộm về đêm, giờ thì xả cả ngày lẫn đêm, cứ 8-9 giờ sáng là xả thải.

"Dân chúng tôi từng nhiều lần vào nhà máy phản ánh, họ nói nước thải đã được xử lí rồi mới xả. Tôi không biết xử lí sao mà nước vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi thối, chảy vào ruộng thì lúa chết, chảy vào ao thì cá chết. Ao cá nhà tôi cũng chết hết. Thả 20 triệu tiền cá mà sau gần 3 năm thu được có 9 triệu. Những ngày hè vừa qua, cá chết nổi trắng mặt ao. Nếu bình thường không có nhà máy, tôi thả 20 triệu tiền cá giống, chẳng cần cho ăn gì cũng thu lại được khoảng 60 triệu. Gây thiệt hại nhưng nhà máy cũng không đền bù gì" – anh Khương nói.

Theo quan sát của chúng tôi, dù trong ngày mưa to, nước thải đã được pha loãng, nhưng mương Trần Thành Ngọ dài gần 3km vẫn đen đặc, bốc mùi rất khó chịu.

Khí thải nhà máy bủa vây khu dân cư

Kể từ khi đi vào hoạt động (2003), năm nào Công ty Gạch Toko (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cũng phải đền bù cho người dân vì khói lò làm hư hỏng hoa màu. Ông Cao Văn Long – Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết, khi xin giấy phép, công ty nói sử dụng công nghệ đốt ga, tuy nhiên thực tế vận hành lại là công nghệ đốt than kíp lê. Mỗi ngày, nhà máy sản xuất 36.000m² gạch, tiêu thụ gần 200 tấn than kíp lê.

Anh Lê Duy Khương bức xúc vì nước thải KCN làm cá chết hàng loạt.

Nằm giữa khu dân cư, khói nhà máy ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân các thôn Chí Trung, Mộng Đà, Bình Lương. Những ngày trời mưa hoặc thời tiết có sương mù, khói bị nén xuống, gây mùi rất khó chịu. Bức xúc trước khí thải của nhà máy, người dân xã Chí Trung đã nhiều lần tập trung khiếu kiện.

"Từ đầu năm đến nay công ty đã đền bù hơn 200 triệu, vẫn còn một đợt đền bù nữa chưa giải quyết. Đó mới chỉ là thiệt hại về  hoa màu, còn ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân không thể nào đo đếm được. Chúng tôi rất lo ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ. Than kíp lê cực kì độc, chỉ ngửi mùi khói than thôi chúng tôi đã không thở nổi" – ông Long nói thêm.

Một điều kì lạ là, nhiều lần cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu khí thải thì kết quả phân tích đều đạt chuẩn. "Tôi không hiểu cái quy chuẩn ấy thế nào, khả năng là quy chuẩn của mình đơn giản quá. Khói chúng tôi nhìn thấy, mùi chúng tôi ngửi thấy, hoa màu thì đều đã chết, không thể nói là khí thải đạt chuẩn" – ông Long bức xúc.

Anh Nguyễn Huy Tòng – Bí thư chi bộ thôn Chí Trung cho biết, nhiều trẻ em, người già ở thôn đều bị ho, triệu chứng viêm phổi, viêm phế quản. "Nhà máy vẫn đền bù cho thiệt hại về hoa màu nhưng chúng tôi không muốn nhận đền bù nữa. Chúng tôi không muốn bỏ ruộng, chỉ mong nhà máy khắc phục ô nhiễm. Chúng tôi rất muốn đối thoại với lãnh đạo nhà máy" – anh Tòng cho biết.                

Thanh tra các cơ sở xả thải trên toàn quốc

Bắt đầu từ tháng 8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra các cơ sở xả thải trên toàn quốc. Việc thanh tra cũng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định.

Đoàn thanh tra sẽ tập trung vào các cơ sở có xả thải ra môi trường, đặc biệt là các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200 m³/ngày đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông. 

Dự kiến, cuối tháng 10-2016, công tác thanh tra trên toàn quốc sẽ hoàn tất. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức họp báo để công bố kết quả một cách công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khánh Vy
.
.
.