Hàng trăm hécta rừng ở Quảng Ninh “biến mất” vì đâu?

Thứ Năm, 02/08/2018, 08:51
Thời gian qua, tình trạng phá, đốt rừng tại huyện Đông Triều diễn ra công khai. Hàng trăm hécta rừng đã biến mất, để lại hậu quả lâu dài về môi trường và đời sống con người. Vụ việc kéo dài đã rất lâu, diện tích rừng bị hủy diệt ngày càng lớn nhưng lực lượng chức năng dường như không hay biết…

Vô tư… phá rừng

Dọc theo con đường nối từ quốc lộ 18 với tỉnh lộ 293 (Bắc Giang) đến thôn Chân Hồ, xã An Sinh, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), xen lẫn giữa những cánh rừng xanh tươi là những khoảng trống rộng lớn, cây xanh bị đốn hạ sạch sẽ… Tiếp tục đi xuyên qua thôn Chân Hồ, nhiều cánh rừng cũng bị chặt phá tan hoang, chỉ còn trơ ra toàn đất đá, chỗ thì lác đác cây cỏ tự nhiên mọc, chỗ thì được những vạt cây con vừa mới trồng…

Cũng tại xã An Sinh, tình trạng phá rừng cũng diễn ra phổ biến ở thôn Tân Tiến, thậm chí với quy mô, diện tích còn lớn hơn. Nhiều quả đồi cây cối bị đốn hạ từ chân lên tới tận đỉnh và gốc cây cũng bị đốt cháy sém. Cả những quả đồi nằm rất xa đường đi, cao chót vót nhưng cây cối trên đỉnh đồi cũng bị đốn hạ phá sạch… Người dân địa phương cho biết việc chặt, phá rừng diễn ra khá lâu với diện tích lên tới hàng trăm hécta, để lấy gỗ bán cho các chủ lò gạch, lò than, các cơ sở chế biến dăm gỗ…

Theo Hạt Kiểm lâm thị xã Đông Triều, toàn bộ diện tích rừng gồm rừng sản xuất và rừng phòng hộ trên địa bàn Chân Hồ và Tân Tiến là thuộc quản lý Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều. Tuy nhiên Hạt chỉ quản lý về mặt nhà nước. Còn Công ty này đã giao cho 7 chủ rừng tổ chức trồng cây nguyên liệu phục vụ khai thác mỏ. Trong đó có 35,8ha rừng phòng hộ nằm trên địa bàn Tân Tiến, còn lại tại Chân Hồ diện tích rừng phòng hộ xen kẽ với rừng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều cho biết, hiện trên địa bàn Công ty quản lý chỉ còn 8.000ha là rừng phòng hộ. Trong năm 2006 - 2007, chủ trương là giao rừng phòng hộ cho dân trồng rừng, khoảng 2 - 3 năm nữa mới hết hợp đồng. Hiện tượng người dân chặt cây, khai thác và thay đổi cây trồng bắt đầu vào khoảng năm 2015, đến nay hơn 30ha chưa được trồng lại.

Ông Kiên cho biết thêm, hiện Công ty đang hoàn thiện phương án để xử lý dứt điểm những tồn tại cũ, chuyển đổi hợp đồng từ giao cho dân trồng sang dân chỉ là người bảo vệ rừng để tránh tình trạng người dân tự chặt rừng phòng hộ như hiện nay…

Nhiều diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn thị xã Đông Triều bị chặt phá.

Cần sớm có giải pháp chuyển đổi loại rừng

Để nâng cao độ che phủ rừng, thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng, trước đó tỉnh Quảng Ninh tập trung thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho dân để trồng rừng sản xuất. Đến năm 2007, Quảng Ninh quy hoạch lại 3 loại rừng, năm 2014 tỉnh điều chỉnh cục bộ 3 loại rừng, nhiều diện tích rừng sau hàng chục năm là rừng sản xuất đã được chuyển đổi thành rừng phòng hộ.

Đáng chú ý, khi chuyển đổi rừng, các địa phương chưa xây dựng và thực hiện phương án đền bù, hỗ trợ diện tích rừng trồng cho người dân. Thực tế hiện nay toàn tỉnh Quảng Ninh đang có hàng ngàn hécta rừng phòng hộ được chuyển đổi từ rừng sản xuất sang nhưng chưa thực hiện bất cứ chính sách đền bù, hỗ trợ nào cho chủ rừng. Diện tích tập trung nhiều nhất là ở các địa phương như Đông Triều, Vân Đồn và Hạ Long. Trong đó, tại huyện Vân Đồn, rừng sản xuất ngoài chuyển sang rừng phòng hộ còn chuyển sang rừng cảnh quan môi trường.

Một số chủ rừng ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều cho biết họ không những là người tiên phong nhận đất rừng từ vài chục năm trước, mà còn tự bỏ vốn ra để trồng rừng. Vì mục đích chung nên người dân đồng thuận quy hoạch thành rừng phòng hộ, nhưng cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ. Nhà nước cần sớm có chính sách đền bù để người dân có nguồn lực chuyển đổi công việc, hoặc tìm diện tích canh tác khác…

Nhằm tăng cường các biện pháp trong quản lý, bảo vệ rừng, vừa qua UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với UBND thị xã Đông Triều chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều và Hạt Kiểm lâm Đông Triều. Lý do là các đơn vị này đã không cập nhật, theo dõi chặt chẽ, đầy đủ về quy hoạch 3 loại rừng sau khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ 3 loại rừng dẫn đến xác nhận cho người dân (chủ rừng) khai thác diện tích rừng trồng trong quy hoạch rừng phòng hộ không đảm bảo đúng quy định. Đồng thời thực hiện việc rà soát, cắm mốc ranh giới diện tích 3 loại rừng theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng vừa được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã yêu cầu UBND các địa phương thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc triển khai thực hiện ngay việc xác định cắm mốc ranh giới 3 loại rừng, đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng vừa được HĐND tỉnh thông qua ngày 13-7-2018. Khẩn trương trình thẩm định và phê duyệt Đề án giao đất, giao rừng sản xuất cho người dân.

Riêng đối với thị xã Đông Triều, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu thực hiện ngay việc điều chỉnh giao đất, khoán rừng cho người dân tại khu vực xã An Sinh, kể cả đối với diện tích của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều.

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều tổ chức rà soát, xác định mốc giới giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Công ty đang quản lý thông báo, hướng dẫn cho người dân đã nhận đất và giao khoán trước đây thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng rừng.

Tổ chức kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ trong việc quản lý rừng trên địa bàn, không thông báo cho các hộ dân về việc chuyển loại rừng từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, không kịp thời điều chỉnh nội dung thỏa thuận của hợp đồng giao khoán cho phù hợp với đối tượng nhận khoán và trồng rừng phòng hộ, vẫn xác nhận cho người dân (chủ rừng) khai thác rừng trồng trong quy hoạch rừng phòng hộ không đảm bảo đúng quy định.

Khẩn trương chỉ đạo các chủ rừng được giao khoán đã phát dọn rừng phải thực hiện trồng rừng mới ngay để hạn chế sạt lở, rửa trôi đất, đảm bảo mục tiêu phòng hộ của khu rừng; báo cáo kết quả về Sở NN&PTNT để tổng hợp, tham mưu, đề xuất các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh...

V.Huy
.
.
.