Gần 100 hộ dân “sống mòn” vì dự án nghìn tỷ

Thứ Bảy, 09/07/2016, 06:15
Đã hơn 10 năm nay, gần 100  hộ  dân ở tổ dân phố 68, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội phải sống trong cảnh không nước sạch, không nhập được hộ khẩu, đường đi lối lại bẩn thỉu, điện đóm tù mù. Nguyên nhân là do ngôi nhà của họ  thuộc diện nằm trong quy hoạch dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng Công ty Licogi...


“Sống mòn” trong chờ đợi

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Quang Dũng - Tổ trưởng Tổ dân phố 68 cho biết, trước đây, đất của tổ 68 vốn là đất làng và tiếp giáp với khu nghĩa trang, vì thế đường ngang ngõ tắt đều nhỏ hẹp và lầy lội. Năm 2004, nhà nước có chủ trương xây dựng khu đô thị mới Thịnh Liệt do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Bộ Xây dựng (Licogi) làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch thì một nửa tổ dân phố 68 sẽ được giải tỏa để lấy đất phục vụ dự án. Ngày ấy, nhiều người dân ở đây cũng mừng vì thu hồi đất cho dự án thì sẽ được tái định cư sang nơi ở mới sạch sẽ hơn. Nhưng suốt từ đó đến nay, cả trăm con người cứ chờ đợi mãi mà dự án khu đô thị hiện vẫn là một bãi đất hoang rộng mênh mông cỏ mọc lút đầu. Không những thế, cuộc sống của họ càng ngày càng trở nên tệ hại hơn.

Phần lớn diện tích khu đô thị Thịnh Liệt hiện vẫn đang để cho cỏ mọc.

Đưa chúng tôi đi qua những con ngõ lầy lội, bẩn thỉu, chỉ những ngôi nhà lụp xụp, ông Dũng kể: “Vì đã nằm trong diện quy hoạch lấy đất phục vụ dự án nên mọi khoản đầu tư hạ tầng của thành phố như điện, nước không kéo về đến khu vực này nữa.

Tổ 68 có khoảng gần 100 hộ nằm trong diện giải tỏa thì cũng chừng ấy gia đình đều trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Điện cũng chỉ kéo về đến đầu tổ dân phố phía đường Tân Mai. Khu vực các hộ phía trong nếu muốn dùng thì phải kéo cả trăm mét dây ra tận đầu đường để đấu nối. Lúc đầu ai cũng nghĩ là chỉ tạm bợ như thế một thời gian thì sẽ chuyển đi, thế nhưng mọi sự chờ đợi đến nay đã hơn chục năm và không biết đến bao giờ mới chấm dứt”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc ở số nhà 71 cho biết, hơn 10 năm qua, không chỉ thiếu nước sạch mà điện của người dân ở đây cũng rất yếu vì không được đầu tư. Điện yếu đến mức mùa hè chiếc quạt mát cũng chạy lừ đừ vì sụt áp. Nhưng tệ hại nhất là từ khi có quy hoạch dự án thì việc nhập hộ khẩu về đây của các hộ dân coi như dừng lại.

“Các con tôi đến tuổi lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái nhưng hộ khẩu thì đều phải quay về địa chỉ cũ trước khi chuyển đến, thành ra cứ phải sống cảnh “xác một nơi, hồn một nẻo”. Người lớn thì thôi cố gắng khắc phục vậy, nhưng lũ trẻ muốn đi học tại đây hiện rất khó khăn do trái tuyến. Quanh đây có nhiều hộ thấy điều kiện sống quá khổ đã treo biển bán nhà giá rẻ, nhưng chẳng ma nào dám mua”.

Bà Lê Thị Ước, trú tại nhà số 63, ngõ 260 phố Tân Mai, than thở: “Nhà tôi bây giờ dột nát, tường nứt ngang dọc khắp nơi, chỉ một trận mưa to cũng có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Thế nhưng, muốn xin xây dựng sửa chữa cũng không được vì nằm trong diện quy hoạch phục vụ xây dựng khu đô thị mới Thịnh Liệt. 

Chúng tôi xin cấp nước vào đây cũng không được vì bên nước sạch họ nói đất này thuộc dự án. Nhưng chờ đợi đền bù, giải tỏa suốt chừng ấy năm vẫn chưa thấy gì, trong khi hàng ngày gia đình tôi vẫn phải đi mua từng can nước về dùng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 10-8-2004, UBND TP Hà Nội có quyết định 4930 thu hồi 351.618m2 đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), tạm giao cho Licogi tổ chức điều tra, lập phương án GPMB, chuẩn bị triển khai dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt. Ngày 17-9-2007, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 3649 cho phép Licogi sử dụng 351.618m2 đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) thực hiện dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Ngày 9-9-2015, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4506 phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thịnh Liệt, tỷ lệ 1/500. Theo đó, khu đô thị mới Thịnh Liệt có diện tích 35,14 ha, quy mô dân số 11.620 người. Trong đó ngoài công trình công cộng như đường giao thông, trường học, bãi đỗ xe, nhà ở xã hội, còn có chung cư thương mai, biệt thự, nhà liền kề.

Bao giờ mới được di dời ?

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, Chủ tịch UBND phường Tương Mai Cung Hữu Hòa khẳng định, những bức xúc của người dân về sự chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt đã kéo dài từ nhiều năm qua.

Cách đây hơn 10 năm, bà con nắm được chủ trương của dự án có làm một con đường phía Tây để nối với khu hành chính quận thì hầu hết đều ủng hộ. Có 84 hộ nằm trong diện phải di dời. Tuy nhiên, quá trình đền bù giải phóng mặt bằng đến nay dự án mới chỉ giải quyết được hơn 10 hộ và sau đó “án binh bất động”.

Theo ông Hòa, nguồn gốc đất của 84 hộ này là như nhau, đều là đất ở, ao, vườn liền kề của hộ gia đình tư nhân tự quản sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993. Khu vực này trước đây thuộc quận Hai Bà Trưng.

Theo quy hoạch năm 2002 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt cho quận Hai Bà Trưng thì khu vực này là đất ở. Vì vậy trong số 84 hộ này đã có 28 hộ được cấp sổ đỏ, 56 hộ đã tự chuyển mục đích sang đất ở, đất vườn trước khi có quyết định thu hồi; các hộ dân đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp. Khi có quyết định thu hồi thì phát sinh mâu thuẫn là trong khi cùng một thửa đất, có hộ được bồi thường 100% nhưng có hộ lại được bồi thường đất nông nghiệp. Một nguyên nhân nữa khiến người dân không di dời là chủ đầu tư không bố trí được nhà tái định cư.

Ngày 7-7, phóng viên Báo CAND đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đăng Hoàn - Phó ban Quản lý dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt. Lý giải việc chậm trễ giải phóng mặt bằng ở khu vực tổ dân phố 68, ông Hoàn cho biết, vướng mắc chính là việc áp giá đền bù.

Ông Đặng Trung Kiên, cán bộ phụ trách giải phóng mặt bằng của Ban Quản lý dự án cho biết, nếu đất có sổ đỏ sẽ được đền bù khoảng 18 triệu/m2; trong khi đó với những hộ không có sổ đỏ thì cả tiền đền bù, hỗ trợ chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2. Do mức chênh lệch quá lớn như vậy nên hiện còn tới 68 hộ không nhận đền bù.

Theo ông Hoàn, đường phía Tây là hạng mục rất quan trọng khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, để tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Licogi đã có văn bản kiến nghị thành phố cho phép chủ đầu tư được áp một giá đền bù ở mức người dân có thể chấp nhận được. Về việc chậm bàn giao nhà tái định cư, ông Hoàn cho biết, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng 2 trong số 4 tòa chung cư dành cho tái định cư; theo kế hoạch thì phải tới giữa năm 2018 khu nhà này mới hoàn thành và bàn giao.

Như vậy, trong khi chờ đợi quyết định của thành phố và chờ quỹ nhà, thì cả trăm người dân sẽ tiếp tục phải chịu cảnh sống tạm bợ.

Nguyễn Thiêm
.
.
.