Khu Bảo tồn thiên nhiên ngang nhiên phá rừng lấy gỗ

Thứ Năm, 26/12/2019, 13:31
Đồng Nai hiện có gần 200.000 ha rừng tự nhiên và được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, sự thật đau lòng là “lá phổi xanh” này lại đang bị chính đơn vị quản lí, bảo tồn rừng tàn phá không thương tiếc...  


Diện tích rừng tự nhiên tại khu vực Đồi 90 rộng hơn 3,7 ha, thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai do Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai quản lý. Khu rừng tự nhiên này những ngày gần đây đang bị “chảy máu” khi một số đối tượng sử dụng cưa máy ngang nhiên từ sáng đến tối đốn hạ hàng loạt cây gỗ vài chục năm tuổi.

 Theo ghi nhận của PV Báo CAND, khu vực rừng tự nhiên bị chặt phá nằm sát trục đường chính của xã Phú Lý và chỉ cách UBND xã Phú Lý khoảng 300 m; cách Đội Kiểm lâm cơ động khoảng 200 m. 

Một cây cổ thụ vừa bị đốn hạ, chưa kịp cắt khúc, vận chuyển đi nơi khác. 

Từ đường chính dẫn lên khu rừng Đồi 90 gần đây đã xuất hiện một lối mòn với hàng loạt vết lằn và nhiều hố nhỏ do bánh xe cơ giới tạo ra mà người dân nghi là xe vận chuyển gỗ từ khu rừng này ra ngoài. Chỉ cách mặt đường chính khoảng 100 m vào phía rừng, nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ và chuyển đi nới khác chỉ còn trơ lại gốc cây. 

Lên tới đỉnh Đồi 90, PV ghi nhận nhiều cây gỗ lớn đã bị đốn hạ không thương tiếc và được cưa thành nhiều khúc với chiều dài gần 1m nằm lăn lóc dưới những tán cây cỏ và bụi rậm. Thậm chí có những cây gỗ cao hàng chục mét vừa được đón hạ, nằm đổ nghiêng vào cây gỗ khác bên cạnh mà chưa kịp cắt khúc nhỏ để vận chuyển ra khỏi khu rừng. 

Cây gỗ cổ thụ ở khu rừng tự nhiên trơ gốc do bị đốn hạ. 

Một số người dân sống ở bìa rừng dưới chân Đồi 90 cho biết, đây là khu rừng rậm, cây cao đến nỗi phải đến giữa trưa mới thấy mặt trời. Không biết Nhà nước cho chặt cây, khai thác rừng hay do lâm tặc phá rừng lấy gỗ bán mà chỉ trong thời gian ngắn, khu rừng tự nhiên Đồi 90 không còn cây cao. Khu vực Đồi 90 là thửa đất 151 A tờ bản đồ số 33 thuộc địa giới hành chính xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu nhưng do Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai trực tiếp quản lý, sử dụng. 

Trao đổi với phóng viên Báo CAND về tình trạng chặt phá rừng tự nhiên tại khu Đồi 90, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Phú Lý cho biết, vụ việc cũng đã được địa phương phát hiện nhưng hơi muộn khi hàng loạt cây gỗ rừng tự nhiên đã bị đốn hạ. UBND xã cũng không được đơn vị quản lý sử dụng khu đất trên là Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai báo cáo. 

Do đó, ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu bất thường tác động đến khu rừng tự nhiên, UBND xã đã phối hợp cùng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cùng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh cửu kiểm tra thực trạng. Qua kiểm tra bước đầu đã xác định diện tích gần 1 ha rừng tự nhiên đã bị phát dọn chặt hạ. Kiểm đếm sơ bộ số gốc cây lớn bị chặt hạ là 61 cây. Trong đó có nhiều cây gỗ tự nhiên có đường kính hơn nửa mét. 

Thời điểm phát hiện và tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng xã và Kiểm lâm đã thu hồi và đo tính được trên 12 m3 gỗ. Xác định vụ chặt phá  rừng tự nhiên có nhiều dấu hiệu bất thường nên ngày 10-12 vừa qua UBND xã Phú Lý đã báo cáo với UBND huyện Vĩnh Cửu có hướng chỉ đạo xử lý. 

Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Việt Dũng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiêm lâm Đồng Nai cho biết, ngay sau khi phát hiện việc rừng tự nhiên do Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai quản lý bị tác động, Chi cục đã thành lập tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương và đại diện Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai kiểm tra, đo đếm hiện trạng. 

Qua kiểm tra, Chi Cục đã lập biên bản hiện trạng, biên bản xử phạt hành chính theo quy định. Hiện Chi cục Kiểm lâm đang tiếp phối hợp với các bên liên quan để xác định mức độ tác động đến việc chặt hạ cây gỗ để củng cố hồ sơ xử lý theo đúng quy định. Bước đầu Chính quyền xã Phú Lý và lực lượng Kiểm lâm Đồng Nai xác định việc phát dọn, chặt hạ cây trên Đồi 90 là do chính đơn vị quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thực hiện. 

Liên quan đến vụ việc, đại diện Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thừa nhận, việc phát dọn, chặt gỗ trên rừng Đồi 90 là do Ban giám đốc chỉ đạo thực hiện với lý do phát dây leo bụi rậm để trồng cây thuốc. Tuy nhiên, một cán bộ kiểm lâm cho rằng, việc lấy lý do phát dây leo bụi rậm để trồng thuốc rồi lợi dụng đốn hạ hàng đến hơn 60 cây gỗ rừng tự nhiên hàng chục năm tuổi khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép là hành vi khai thác gỗ trái phép thậm chí là hành vi phá hoại rừng.

Ngọc Sơn
.
.
.