Cần sớm kết luận vụ cháu bé 18 tháng tuổi tử vong vì tiêm kháng sinh ở Hải Dương

Thứ Hai, 19/12/2016, 09:28
Được chẩn đoán bị viêm họng, viêm Amydale cấp, viêm tai giữa và chỉ định tiêm kháng sinh, nhưng 3 phút sau, cháu Nguyễn Minh Kiên (18 tháng tuổi, trú tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đột ngột nổi mẩn ngứa toàn thân, khó thở, tím tái, sùi bọt mép và rơi vào hôn mê.

Cháu Kiên tử vong sau đó 2 ngày tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Cái chết đột ngột của đứa con bé bỏng sau mũi tiêm khiến gia đình nạn nhân hết sức đau khổ và phẫn nộ, nhưng hơn 4 tháng trôi qua, gia đình họ chưa nhận được thông báo kết quả điều tra vụ việc.

Bệnh nhẹ mà mất mạng

Theo đơn khiếu nại của anh Nguyễn Thành Trung (bố cháu Kiên), chúng tôi tìm về thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Hơn 4 tháng trôi qua sau cái chết của con trai, vợ chồng anh Trung vẫn chưa hết bàng hoàng đau xót. Nhắc đến con trai, người mẹ trẻ lại trào nước mắt. Nỗi đau mất con khiến chị bị sốc một thời gian dài bởi không tin một đứa trẻ đang khỏe mạnh, chỉ vì một mũi tiêm mà mất mạng.

Theo lời vợ chồng anh Trung thì Kiên là đứa bé lí lắc, đáng yêu. Sáng 1-8-2015 cháu có biểu hiện ho, sổ mũi, gia đình đưa con tới Bệnh viện đa khoa huyện Kim Thành để khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán cháu Kiên bị viêm họng và viêm tai giữa, sau đó cho cháu nhập viện. Được đưa vào điều trị tại Liên khoa Tai – Mũi – Họng – Răng hàm mặt, cháu Kiên được điều dưỡng Nguyễn Tiến Mạnh thử phản ứng thuốc kháng sinh trên da.

Bệnh viện đa khoa Kim Thành.

Ngay sau khi thử, gia đình phát hiện cháu bị phản ứng thuốc, da bị sưng trắng chỗ tiêm thuốc, gia đình đã báo cho điều dưỡng Mạnh biết và kiểm tra lại. Tuy nhiên, điều dưỡng Mạnh không nói gì và cố ý tiêm thuốc cho cháu. Ngay sau khi tiêm thuốc xong thì cháu Kiên bị co giật, toàn thân tím tái, gia đình vội vã đi tìm điều dưỡng Mạnh.

“Lúc đó tất cả các y bác sĩ đang ăn cơm trưa, gia đình tôi gọi lần đầu bác sĩ không nói gì, đến lúc gọi lần hai bác sĩ mới chạy sang thăm khám cho cháu. Họ cho biết cháu bị “sốc phản vệ” và không cứu được. Chúng tôi vô cùng bàng hoàng, sửng sốt và đề nghị bệnh viện cho xe cấp cứu và y bác sĩ hộ tống để đưa con tôi đến Bệnh viện trẻ em Hải Phòng” – anh Trung bức xúc cho biết.

Theo đơn tố cáo của anh Trung thì dù hết sức cố gắng cứu chữa, gia đình đề nghị Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng nhờ Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ người và phương tiện cấp cứu, dù tiến hành lọc máu nhưng do bị sốc quá nặng nên cháu Kiên đã tử vong vào 10h30 ngày 3-8.

“Việc tiêm thuốc bị sốc làm con tôi chết là hậu quả rất nghiêm trọng của Bệnh viện đa khoa Kim Thành gây ra. Nhưng từ ngày con tôi chết đến nay đã hơn 4 tháng, gia đình tôi không nhận được kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Kim Thành về trách nhiệm gây ra cái chết đối với con tôi. Đến nay chúng tôi chỉ nhận được kết luận giám định cháu chết là do “sốc phản vệ” để rồi không người nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm thì thật là sự vô cảm trước cái chết oan ức của con tôi” – anh Trung đau khổ cho biết.

Cần sớm làm sáng tỏ vụ việc

Cái chết của cháu Kiên có phải do tắc trách của bệnh viện hay do trình độ chuyên môn kém của điều dưỡng không nhận biết được dấu hiệu cháu bị phản ứng thuốc mà vẫn tiếp tục tiêm kháng sinh cho cháu đã gây bức xúc trong dư luận.

Làm việc với ông Nguyễn Quý Phùng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Kim Thành, ông Phùng khẳng định: “Cháu Kiên tử vong sau khi tiêm kháng sinh là do sốc phản vệ chứ không phải do mắc bệnh nặng mà tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện có báo cáo Sở Y tế, UBND huyện Kim Thành và tổ chức họp hội đồng khoa học của bệnh viện để xem xét lại từ khâu đón tiếp, thử thuốc đến cấp cứu… Chúng tôi thấy chưa gây ra lỗi ở quy trình nào”.

Việc cần cơ quan điều tra làm sáng tỏ ở đây chính là khi thử phản ứng thuốc, gia đình nạn nhân thấy có dấu hiệu bất thường ở chỗ da bị thử và đã có báo với điều dưỡng Mạnh kiểm tra nhưng anh Mạnh vẫn tiêm kháng sinh cho cháu. Cái chết của cháu Kiên cũng chính là từ mũi tiêm này.

Giải thích vấn đề này, ông Phùng cho biết: “Khi thử test kháng sinh đã mời bác sĩ Nguyễn Ngọc Văn (bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng) đọc test và trong chuyên môn thì thấy đây không phải là dị ứng thuốc (âm tính). Bác sĩ Văn chỉ đạo cho anh Mạnh tiêm kháng sinh Ceftizidim 1g theo chỉ định”.

Vậy, nếu như thử test âm tính, khi tiêm kháng sinh Ceftizidim vào tĩnh mạch, có gây ra hiện tượng sốc phản vệ dẫn tới tử vong hay không? Điều này cũng cần Cơ quan CSĐT sớm làm sáng tỏ để rộng đường dư luận cũng như gia đình nạn nhân được biết.

Vì sao tới nay đã hơn 4 tháng trôi qua, cái chết của cháu Kiên vẫn chưa có kết luận của Cơ quan CSĐT? Theo Thượng tá Nguyễn Văn Toan, Phó trưởng Công an huyện Kim Thành thì sau khi nhận được thông tin, Cơ quan CSĐT đã mời Viện KSND trưng cầu giám định pháp y, đồng thời yêu cầu bệnh viện cung cấp vỏ thuốc, bơm kim tiêm đã sử dụng và điều trị cấp cứu cháu Kiên để tiến hành điều tra.

Về nghi vấn trình độ non kém của một số y, bác sĩ kíp trực khi kết luận thử phản ứng thuốc cho cháu Kiên, đồng chí Toan cho biết: Theo điều tra thì lúc 11h ngày 1-8 điều dưỡng Nguyễn Tiến Mạnh tiêm thử phản ứng thuốc cho cháu Kiên. 11h20 phút anh Mạnh cùng chị Ngọc (sinh viên thực tập) đến kiểm tra thấy vết tiêm thử hơi sưng. Sau đó tiêm thật vào tĩnh mạch ở mu bàn chân cháu Kiên. Theo lý giải thì vết tiêm hơi sưng không phải là phản ứng thuốc. 

“Về nguyên nhân chết của cháu Kiên, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận “suy hô hấp, suy tuần hoàn do sốc phản vệ”. Cơ quan điều tra tiến hành xác minh về quy trình, trách nhiệm của bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa Kim Thành trong quá trình khám, điều trị, cấp cứu cháu Kiên có theo đúng quy trình của Bộ Y tế hay không? Cơ quan điều tra đã có công văn gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Sở Y tế tỉnh Hải Dương nhưng tới nay mới chỉ có công văn trả lời của Sở Y tế tỉnh Hải Dương nên vẫn còn phải chờ” - đồng chí Toan cho biết.

Theo Công an huyện Kim Thành thì hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục thu thập các tài liệu, lời khai của nhân viên y tế, căn cứ vào kết luận nguyên nhân cái chết, đối chiếu lại và củng cố hồ sơ, thống nhất với VKS để đưa ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án, sau đó sẽ có thông báo tới gia đình nạn nhân.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.
.