Cần quy định nghiêm trong cấp phép kinh doanh karaoke

Thứ Hai, 07/11/2016, 08:16
23 vụ cháy quán karaoke xảy ra trên cả nước từ đầu năm 2016 đến nay, rúng động nhất là cháy quán karaoke tại 68 phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 người thiệt mạng hầu hết đều do nguyên nhân chập điện và hàn xì.

Thế nhưng “thủ phạm giấu mặt này” lại đang bị nhiều chủ cơ sở kinh doanh karaoke coi nhẹ, công nhân hàn xì chủ quan, hiểu biết về PCCC hạn chế, không có thiết bị phòng chữa cháy, bất cẩn gây ra. Đã đến lúc phải nhìn nhận vấn đề liên quan đến sinh mạng con người này một cách nghiêm khắc, thậm chí đưa vào quy định nghiêm ngặt để bảo vệ an toàn cho con người.

Kẻ giết người thầm lặng

Là người có kinh nghiệm trên 30 năm trong lĩnh vực giám định cháy-nổ, đặc biệt là trực tiếp khám nghiệm và giám định nguyên nhân nhiều vụ cháy quán karaoke, Thượng tá Nguyễn Viết Nội, Phó trưởng Phòng Giám định kỹ thuật pháp lý, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đúc kết: “Nguyên nhân cháy karaoke hầu hết đều là do sự cố điện và hàn cắt, sửa chữa. Vụ cháy vũ trường Đêm Tây Hồ, Hà Nội cũng là do quá trình sửa chữa, vẩy hàn rơi vào nơi dễ bén lửa gây cháy. Thế nhưng, cả hai nguyên nhân này còn bị nhiều người rất chủ quan, coi nhẹ”.

Vụ cháy quán karaoke gây 13 người thiệt mạng ở 68 phố Trần Thái Tông (Hà Nội) cũng bắt nguồn từ việc hàn cắt kim loại, vẩy hàn bắn vào gây cháy. Đây là một trong hai nguyên nhân hàng đầu gây ra những vụ cháy thảm khốc, nhưng lại đang bị chính các thợ hàn coi nhẹ.

Theo Thượng tá Nguyễn Viết Nội, vẩy hàn do hàn điện hoặc hàn hơi rơi vào nơi dễ bắt cháy đều nguy hiểm. Vẩy hàn nóng chảy khi bắn ra từ vị trí đang hàn có nhiệt độ khoảng 2.800 đến 3.000 độ C, tùy theo khối lượng của vẩy hàn lớn hay nhỏ mà mang lượng nhiệt nhiều hay ít đi xa hay gần. Vẩy hàn càng to thì nguy cơ gây cháy càng cao. Vẩy hàn rơi trong khoảng cách 20 mét trở lại thì có thể gây cháy tất cả các chất cháy thông thường.

Nhìn việc hàn cắt của công nhân hằng ngày, ta có thể coi đó là bình thường, nhưng nguy hiểm từ những vẩy hàn bắn ra thì lại là không lường. Chính vì lẽ đó mà đa số thợ hàn chỉ làm cho nhanh, hiểu biết về PCCC rất hạn chế, không chú ý đến phòng cháy. Lẽ ra, khi hàn cắt phải có phương án che chắn bằng tấm chắn kim loại, chuẩn bị nước và bình cứu hỏa để phòng cháy, nhưng hiện nay thường là thợ hàn không quan tâm đến vấn đề này. Hoặc là có che chắn nhưng chỉ sơ sài, thậm chí lấy gỗ - vật dễ cháy để che.

Thượng tá Nguyễn Viết Nội cho biết, khi giám định những vụ cháy quán karaoke, cần đặc biệt chú ý tới những chất liệu dùng để cách âm trong phòng hát, đều là những chất liệu cực kỳ dễ bén cháy như: mút xốp, cao su xốp, giả da, gỗ dán, cót ép và có chỗ nhồi bằng vỏ trấu, mạt cưa... Những chất liệu này chỉ cần một vẩy hàn nhỏ bắn vào là cháy.

Khám nghiệm tìm vẩy hàn do quá trình sửa chữa gây cháy vũ trường Đêm Tây Hồ, Hà Nội.

Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở lại vô cùng chủ quan, khi sửa chữa phòng hát, biển quảng cáo đã để thợ hàn hàn cắt mà không có các phương án PCCC cần thiết, không tháo dỡ hoặc cách ly các chất vật liệu cách âm dẫn đến  cháy là tất yếu “như ở quán karaoke Zon 9 trên phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng Hà Nội làm chết 6 công nhân đang sửa trong phòng.

Đứng hàng đầu gây cháy quán karaoke chính là sự cố điện nhưng nhiều nơi, chủ cơ sở chỉ nghĩ làm sao đưa quán vào kinh doanh nhanh nhất, thiết bị điện lắp đặt không đảm bảo kỹ thuật, không thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng, thiết bị hỏng không sửa... Quán karaoke có nhiều hệ thống điện, các hệ thống đèn trang trí và dây điện được giấu trong hệ thống cách âm, điều này rất nguy hiểm, có thể gây ra sự cố điện bất kỳ lúc nào và vị trí nào cũng có thể gây cháy.

Vụ cháy quán karaoke Nhật Thực tại 43 Giảng Võ, Hà Nội làm 5 người chết là một ví dụ. Sự cố điện xảy ra ngay ở ổ cắm, chỉ vừa lóe lửa lên có nhân viên cách khoảng 3-4 mét nhìn thấy nhưng cũng không dập được gây ra vụ cháy gây hậu quả 5 người chết và nhiều người hoảng loạn.

Cần phải có quy định nghiêm ngặt

Hàng loạt vụ cháy quán karoke thời gian qua như NonStop, Đông Kinh, Lạng Sơn khiến 4 người chết; karaoke NEW 1 người chết; karaoke Zon 9 ở Hai Bà Trung, Hà Nội làm 6 người chết… nguyên nhân đều do chập điện và hàn cắt là những vấn đề cần phải nghiêm túc chấn chỉnh nếu không muốn tiếp tục xảy ra vụ việc tương tự.

Thượng tá Nguyễn Viết Nội cho biết, các quán karaoke hầu hết là nhà dạng ống xây cao tầng, sử dụng thang máy, không có lối thoát hiểm. Nếu xảy ra cháy thì cầu thang bộ chính là ống thông nhiệt giống thông phong của đèn dầu, nơi thoát của nhiệt, khói và khí độc, người chạy ra đây hoặc chạy vào thang máy đều có thể tử vong do bị ngộ độc khí, bỏng và ngạt khí.

Quán karaoke rất ít cửa ra vào, hầu như chỉ có một cửa, bố trí lại như mê cung, đường đi trúc trắc, khách không thể biết đường nào mà thoát. Người vào hát hầu hết đều đã ăn nhậu, trong người có hơi men, lại hay hút thuốc, đây là một hiểm họa gây cháy không kém, nếu để tàn thuốc lá tiếp xúc vào đệm mút hoặc trên tường cách âm.

Để đảm bảo cho các cơ sở karaoke hoạt động an toàn, theo Thượng tá Nguyễn Viết Nội thì mỗi quán phải có hành lang để thoát nạn và có cầu thang ngoài trời và mỗi phòng hát phải có cửa thoát hiểm ra hành lang này với cánh cửa chống cháy– đây phải đưa vào là một trong những điều kiện để cấp phép hoạt động.

Mỗi một phòng hát phải có ban công ngoài trời, cầu thang thoát nạn và cửa chống cháy. Trước khi khách vào phải hướng dẫn cách thoát nạn như khi lên máy bay. Cấm khách hút thuốc trong phòng hát, có chỗ hút thuốc riêng ở hành lang ngoài trời. Chủ cơ sở phải đưa cách thoát nạn đặt lên hàng đầu cho khách.

Theo phân tích của đồng chí Nội thì quán karaoke nào cũng dùng mút xốp làm vật liệu cách âm. Đây là lưỡi hái tử thần bởi mút xốp khi cháy có nhiệt nung sẽ nguy hiểm như xăng, khi bị nung nhiệt mút xốp bốc cháy dữ dội, cháy nhanh và nóng, gây ngạt, rất nhiều khói đen, khí độc và tốc độ lan rất nhanh do được làm bằng hóa chất.

Chính vì cháy nhanh nên gây thiếu ô xi, sinh ra nhiều CO (là chất độc cực kỳ nguy hiểm khi con người hít vào, đa số người tử vong nhanh do cháy karaoke là do ngộ độc CO dẫn tới tử vong, gần như không chữa được). Do vậy, các nhà khoa học cần thiết tìm ra các chất liệu cách âm không cháy để trang bị cho quán karaoke.

Đồng chí Nội cảnh báo: “Chủ cơ sở không được sửa chữa, hàn cắt khi chưa tháo dỡ các chất liệu cách âm dễ cháy hoặc có biện pháp phòng cháy tốt. Hệ thống điện phải lắp đặt đúng kỹ thuật và hệ thống aptomat cho từng phòng. Khuyến khích lắp hệ thống chữa cháy tự động bằng nước thay vì lắp báo cháy. Đặc biệt người đi hát khi vào phòng phải tìm con đường thoát nạn trước tiên. Cách thoát nạn duy nhất là chạy ra ban công ngoài trời”.

Những cái chết thương tâm chỉ vì bất cẩn, chủ quan và lỏng lẻo trong việc cấp phép, quản lý sẽ vẫn tiếp tục nếu như chúng ta không có quy định nghiêm ngặt và cần thiết về phòng cháy tại quán karaoke; không đặt an toàn cũng như thoát hiểm cho khách hàng lên hàng đầu. Công tác hậu kiểm còn lơ là đã dẫn tới một loạt sự cố cháy xảy ra khiến nó trở thành nỗi ám ảnh đau đớn của nhiều người, nhiều gia đình.

Trần Hằng
.
.
.