Cạm bẫy từ những vụ lừa đảo xin việc

Thứ Ba, 08/05/2018, 08:16
Gần nửa năm trôi qua nhưng ký ức kinh hoàng về những chuỗi ngày bị bóc lột sức lao động trên chiếc tàu cá BV 5969 TS vẫn in đậm trong tâm trí của 4 nạn nhân được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng giải cứu thành công trong một đường dây mua bán người cách đây không lâu. 


Bài 1: Lời tường trình của những người trở về

Mong muốn có được một công việc thu nhập cao, nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin đã rơi vào bẫy của các đối tượng trong các đường dây chăn dắt lao động, mua bán người ngay trong nội địa. Ngoài việc bị ép lao động cực nhọc trong các hầm lò, các bãi vàng, một số người đã bị bán cho các chủ tàu cá, cưỡng ép, bóc lột sức lao động trên biển, bị đối xử tàn tệ. Từ các vụ án xảy ra trong thời gian qua, gióng lên hồi chuông cảnh báo người lao động trong quá trình tìm việc làm cũng như công tác quản lý của chính quyền địa phương.

Để các "con mồi" sập bẫy, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội là ép các nạn nhân viết giấy nợ. Sau đó, chúng thu giấy tờ, tư trang, hăm dọa và tìm đầu mối, bán cho người khác cưỡng bức lao động lấy tiền tiêu xài cá nhân. Số người này sau khi đi xuống các tàu cá để đi đánh bắt hải sản đã bị các thuyền trưởng quản thúc chặt chẽ... Hoàn cảnh của những người ở trên bờ cũng không kém phần bi đát. Đa phần trong số họ bị đưa vào các bãi vàng, bị lao động khổ cực, buộc phải tự tìm cách tự giải thoát mình.

Nước mắt ngày trở về

Gần nửa năm trôi qua nhưng ký ức kinh hoàng về những chuỗi ngày bị bóc lột sức lao động trên chiếc tàu cá BV 5969 TS vẫn in đậm trong tâm trí của 4 nạn nhân được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng giải cứu thành công trong một đường dây mua bán người cách đây không lâu. Các nạn nhân bị đầy đọa cả về thể xác và tinh thần, bị đối xử tàn tệ. 

Với mong ước tìm được một công việc ổn định, có thu nhập, khoảng đầu tháng 11-2017, 3 người đàn ông gồm Phạm Văn Cảnh, Sơn Thương, Nguyễn Văn Huy Tâm, khăn gói từ các tỉnh miền Tây lên TP Hồ Chí Minh tìm việc. Giữa bến xe tấp nập người, xe qua lại, chẳng khó khăn mấy để những người xung quanh có thể nhận ra họ là những người lạ, vừa chân ướt, chân ráo từ các miền quê về đây kiếm sống. “Đang tìm việc làm phải không?

Nếu cần, tôi có thể tìm giúp công việc ở TP Vũng Tàu, vừa nhàn hạ, lại có lương cao”, trong khi 3/4 người đàn ông là anh Cảnh, Sơn Thương và Tâm đang bỡ ngỡ trước thành phố hoàn toàn xa lạ thì một người xe ôm tiến lại gần.

Các thuyền viên được Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng giải cứu.

Giữa nơi đất lạ xứ người, lại nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của một người, các nạn nhân cảm thấy rất phấn khởi. Người này giới thiệu với họ rằng đây là việc làm đơn giản, lương cao..., bằng thủ đoạn này, đối tượng đã đánh trúng vào tâm lý của những người có nhu cầu xin việc. Sau khi các nạn nhân đồng ý, người xe ôm đưa họ xuống TP Vũng Tàu, gặp một cặp vợ chồng tên là Vân, Vũ.

Tại đây, gã xe ôm đã bộc lộ rõ bản chất của mình, chúng yêu cầu các nạn nhân trả số tiền xe và công môi giới là 3 triệu đồng cho một lượt từ TP Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu. Số tiền này với những người lao động nghèo là khoản khá lớn. Trong tình huống đó, các nạn nhân buộc phải nhắm mắt, đưa chân, làm theo yêu cầu của các đối tượng.

“Bọn chúng bắt chúng tôi phải viết, ký, điểm chỉ vào giấy nợ từ 3 đến 3,5 triệu đồng, sau đó viết đơn xin tự nguyện đi biển và lý lịch thuyền viên tàu cá...”, một nạn nhân nhớ lại. 

Sau đó, đối tượng đưa họ đến một căn phòng trọ ở phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong những ngày này, các nạn nhân bị quản chế chẳng khác gì tù bị giam lỏng, họ tìm cách thoát thân nhưng bất thành. Hai đối tượng Vân, Vũ cho các đối tượng canh giữ, không cho họ tiếp xúc với bên ngoài.

Đến ngày 13-11-2017, 3 nạn nhân Phạm Văn Cảnh, Sơn Thương và Nguyễn Văn Huy Tâm được đưa đến một quán cà phê tại TP Vũng Tàu, ở đây họ gặp thêm người đàn ông tên là Thành (sau này xác định là anh Lê Hữu Thành). Cả bốn người được giao cho một đối tượng tên là Trung quản lý. Sau một thời gian ngắn, Trung mua vé xe khách đưa bốn nạn nhân ra Đà Nẵng.

Và đến ngày 14-11-2017 thì tới Bến Âu thuyền cảng cá Thọ Quang giao cho Trần Thế Tây (32 tuổi, thuyền trưởng tàu BV5969TS) và thỏa thuận giá tiền là 60 triệu đồng/ 4 người. Nói đến đây, các nạn nhân trở lên trầm tư: Chưa một lần đi biển nên chúng tôi đã bị say sóng biển, nôn ra mật xanh, mật vàng nằm la liệt dưới bong tàu.

Ở trên biển là vậy, nhưng khi vào gần bờ thì các đối tượng cũng không cho họ lên bờ. Quá trình làm việc, thường xuyên bị Tây la mắng, đánh đập, bị giam lỏng ở trên tàu, không được trả lương. Cho đến ngày 16-12-2017, các nạn nhân đã được BĐBP giải cứu về Đồn Biên phòng Sơn Trà.

Ngoài các trường hợp nhẹ dạ, cả tin bị rơi vào cái bẫy của các đối tượng, cá biệt còn có trường hợp bị lừa qua trung tâm môi giới việc làm như ông Phạm Văn Thành (ở An Giang). Đầu tháng 11-2017, ông Thành từ An Giang lên TP Hồ Chí Minh đã tìm đến một trung tâm giới thiệu việc làm gần Bến xe An Giang để tìm việc. Tại đây, ông găp người phụ nữ tên Hoa, giới thiệu có việc làm đi biển đánh bắt hải sản, lương từ 12-13 triệu đồng tháng.

Tin vào những lời đường mật của các đối tượng, ông Thành đồng ý và được Hoa dùng xe máy chở từ Bến xe An Sương xuống nhà trọ Kim Loan ở TP Vũng Tàu, giao cho một người đàn ông. Tại đây, ông Thành bị bắt phải viết giấy nợ 2 triệu đồng và giấy cam kết đi biển, sau đó cũng bị giao xuống tàu như trên...

Ôm phao giải thoát bất thành

Đó là cảnh ngộ của anh NVG (31 tuổi, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Kể lại hành trình tự giải cứu mình khỏi bàn tay của những kẻ bắt giữ người trái pháp luật, anh NVG  không giấu nổi sự đắng cay: “Nếu không tự cứu mình, có lẽ giờ này tôi đã bỏ mạng trên biển”.

Anh nhớ lại: Sau những ngày lao động kiệt sức trên tàu cộng với việc thường xuyên chịu những trận đòn roi của các đối tượng, anh NVG lăn ra ốm. Thế nhưng, chủ tàu vẫn không chịu buông tha. "Chiều tối hôm đó, gã chủ tàu mặt đằng đằng sát khí đứng trước mặt tôi, tuyên bố sẽ gửi tôi vào bờ với điều kiện phải trả 15 triệu đồng là khoản tiền mà trước đó đã trả cho Tèo để đưa cho chúng tôi... Quát nạt không được, các đối tượng ngon ngọt nói rằng, cứ ký vào giấy vay nợ, sau đó sẽ cho lên bờ…”.

Tin vào lời hứa của các đối tượng, anh NVG làm theo, chẳng ngờ đây là cái bẫy do các đối tượng giăng lên để đẩy anh vào đường cùng. Sau khi anh NVG ký vào giấy thì các đối tượng ép lao động với cường độ nhiều hơn. Trong điều kiện sóng to, gió lớn, ăn uống thiếu thốn lại không được nghỉ ngơi, chăm sóc về y tế, anh và những người có cùng cảnh ngộ đều bị suy kiệt.

Ý tưởng tự giải cứu mình và những người cùng cảnh ngộ nhen nhóm trong lòng anh NVG từ một câu chuyện có thật mà anh đã tận mắt chứng kiến, anh nhớ lại: Hôm đó, như thường lệ khi anh và những người lao động khác đang kéo lưới thì nghe tiếng kêu lớn... Giữa những đợt sóng cao ngang mạn thuyền, anh kinh hãi chứng kiến một ngư dân đang ôm phao bơi. Trong khi những người xung quanh tìm cách đưa người đàn ông vào bờ thì người ngư dân vẫn tiếp tục bơi ra xa hơn.

Sau này, anh tìm hiểu mới biết, đây là cuộc tháo chạy của một nạn nhân bị cưỡng ép lao động. Hình ảnh của người đàn ông đánh cược sinh mệnh của mình để thoát ra khỏi cạm bẫy của những kẻ bóc lột sức lao động sau đó cứ ám ảnh anh và những người có cùng cảnh ngộ. Và cơ hội đã đến, khi phát hiện một chiếc tàu thu mua hải sản cách tàu của anh bị giam hãm không xa, anh liền ôm can nhựa nhảy xuống biển bơi lại chiếc tàu cá.

Nhưng lần này, ý định của anh NVG đã không thực hiện được. Khi anh bơi được khoảng 300m thì thuyền trưởng và các thuyền viên phát hiện... Các đối tượng lôi anh lên thuyền, sau đó đánh đập anh rất tàn ác và quản lý gắt gao hơn. Song những trận đòn của các đối tượng không làm nhụt ý chí phải thoát lên bờ bằng mọi cách của anh NVG.

Để thoát thân, lần này anh cùng những người có đồng cảnh ngộ tính toán cẩn thận hơn. Họ lựa chọn thời điểm là khi chiếc tàu buộc phải vào bờ tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm. Và cơ hội đã đến vào một ngày đầu năm 2017, khi con tàu cập bến, anh NVG ra hiệu cho anh SHH và anh NĐAH cùng chạy nhanh lên bờ đến nhờ Bộ đội Biên phòng giải cứu.

Trong các đường dây phạm tội này, đối tượng nhằm vào nạn nhân là những người từ nông thôn lên thành thị tìm việc làm. Sau khi tiếp cận, đối tượng môi giới lợi dụng sự sơ hở, thiếu hiểu biết của họ để thực hiện hành vi phạm tội.

Mới đây, BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị chức năng giải cứu thành công 11 phu vàng người đồng bào dân tộc thiểu số bị đánh đập, ép lao động khổ sai tại các hầm khai thác vàng tại tỉnh Quảng Nam. Các nạn nhân này cũng bị đối xử tàn tệ, bị vắt kiệt sức lao động cho đến khi họ tự tìm cách giải cứu chính mình.

Xuân Mai
.
.
.