Ai đã tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng giáp ranh ở Đắk Lắk?

Thứ Sáu, 15/07/2016, 08:39
Thời gian gần đây, khu vực rừng giáp ranh giữa hai huyện Chư Pảh (tỉnh Gia Lai) và huyện Ea Hleo (tỉnh Đắk Lắk) bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng. Điều đáng nói ở đây là tình trạng lâm tặc ngang nhiên tàn phá, việc vận chuyển gỗ rừng diễn ra công khai nhưng chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn, giải quyết khiến dư luận bất bình.

Những ngày đầu tháng 7-2016, chúng tôi tìm về xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu thông tin về việc “lâm tặc” ngang nhiên tàn phá rừng, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng ở nơi đây. Khoảng 22h ngày 13-7, từ đường Hồ Chí Minh dọc theo con đường độc đạo hướng vào Tiểu khu 29 thuộc lâm trường của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Pảh quản lý.

Xe máy vô tư vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Chỉ trên đoạn đường ngắn nhưng chúng tôi bắt gặp hàng chục chiếc xe máy không biển kiểm soát ngang nhiên chở gỗ lao vút trong đêm đưa “hàng” ra khỏi rừng. Tiến sâu vào bên trong là hàng chục chiếc xe cày độ chế nối đuôi nhau chất gỗ cao ngất ngưởng “vô tư” vận chuyển như chốn không người.

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi liền bám theo một nhóm xe cày độ chế chở gỗ. Khi nhóm xe cày này vừa ra đến đầu đường Hồ Chí Minh thì xuất hiện một người đàn ông “lạ mặt” bám theo. Phát hiện nhóm PV đang ghi hình, người đàn ông này tiến tới đe dọa rồi lên xe bỏ đi. Ít phút sau, người đàn ông “lạ mặt” tiến tới dẫn những chiếc xe cày độ chế chạy vào một con hẻm gần đó tẩu thoát, không đưa gỗ về xưởng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những xe chở gỗ này được đưa về xưởng cưa của một người phụ nữ tên Lan trên địa bàn xã, thời điểm hoạt động nhộn nhịp của nhóm “lâm tặc” này diễn ra vào khoảng 21h cho đến gần sáng hôm sau.

Theo người dân địa phương cho biết, tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép ở khu vực này diễn ra một cách công khai và trong suốt thời gian dài nhưng không được chủ rừng và các ngành chức năng ở địa phương ngăn chặn, thậm chí còn có sự thông đồng, tiếp tay để phá rừng. “Mặc dù ở khu vực này có 2 trạm quản lý rừng, nhưng khi xe chở gỗ ra thì dường như không có trạm nào mở cửa, không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, để xe chở gỗ chạy vô tư, chắc chắn có sự thông đồng rồi các chú à…”, một người dân sống cạnh tuyến đường cho biết.

Để mục sở thị cảnh “lâm tặc” phá rừng, chúng tôi liền bám theo một chiếc xe cày độ chế tiến sâu vào rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Pảh quản lý. Khi vừa vượt qua một con suối lởm chởm những tảng đá to, ập vào tai chúng tôi là tiếng cưa máy, tiếng cây đổ ầm ầm. Men theo tiếng cưa máy không khó để có thể tiếp cận được một nhóm “lâm tặc” đang ngang nhiên đốn hạ gỗ rừng.

Trước mặt chúng tôi là những thân cây lớn từ 20 - 40cm nằm đổ ngổn ngang. Sau khi được cưa hạ, “lâm tặc” bổ thành những trụ tiêu nhỏ rồi chất gọn lên xe. Cứ thế, chiếc xe độ chế liên tiếp di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, thấy cây gỗ nào thích hợp là dừng lại đốn hạ. Có một điều khá ngạc nhiên là trong suốt gần một buổi lội rừng, chúng tôi chứng kiến cảnh “lâm tặc” vô tư tàn phá gỗ như chốn không người nhưng vẫn không hề thấy bóng dáng của lực lượng quản lý bảo vệ rừng đâu.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Trương Thanh Chương, Giám đốc Lâm trường Chư Pảh lý giải, từ năm 2010 trở lại đây do giá hồ tiêu tăng cao nên tình trạng khai thác rừng để làm trụ tiêu diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, các đối tượng “lâm tặc” rất hung hãn và manh động, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng lại quá mỏng, công cụ hỗ trợ thô sơ nên rất khó khăn trong việc ngăn chặn.

“Lực lượng bảo vệ rừng cũng đã nhiều lần báo cáo, nhờ sự phối hợp của lực lượng Công an và Hạt Kiểm lâm để ngăn chặn. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy các đối tượng “lâm tặc” lại nắm được thông tin nên tìm cách “án binh bất động”. Manh động hơn, các đối tượng “lâm tặc” sẵn sàng tấn công lại lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện, truy đuổi”, ông Chương cho biết thêm.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Liệu có hay không trong nội bộ có nội gián tiếp tay cho “lâm tặc?” thì ông Chương thừa nhận: “Tôi cũng nghi vấn trong nội bộ có nội gián vì mỗi lần tôi trực tiếp cùng các lực lượng mật phục thì không thấy bóng dáng “lâm tặc” đâu. Có khả năng trong nội bộ có người đã thông tin cho “lâm tặc” biết trước để né tránh, lẩn trốn mỗi khi đoàn đi làm việc”.

Để làm rõ hơn về vấn đề trên, chúng tôi đã liên lạc với ông Vũ Xuân Khu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Hleo để làm việc nhưng ông Khu đã từ chối tiếp xúc.

Tại “Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016- 2020” diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột vào ngày 20-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Nguyên nhân rừng ở Tây Nguyên giảm sút mạnh là do nhiều diện tích rừng không có chủ, đồng thời tình trạng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng bắt tay, móc ngoặc với các đối tượng phá rừng để tình trạng phá rừng còn diễn ra phổ biến. Các lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm được giao, nhất là lực lượng kiểm lâm. Công tác điều tra, xử lý của lực lượng Công an còn hạn chế, số vụ phá rừng được điều tra, xử lý đến nơi đến chốn còn ít…”.

Từ thực tế đó, Thủ tướng đã chỉ đạo đóng tất cả cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên và yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cùng các ngành Công an, Quân đội, Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân... nâng cao trách nhiệm được giao chung tay ngăn chặn tình trạng phá rừng đang xảy ra; làm rõ trách nhiệm từng diện tích, từng địa bàn rừng bị mất, xử lý nghiêm minh các vụ phá rừng…

Văn Thành
.
.
.