“Lâm tặc hai bánh” lộng hành ở Nam Giang

Thứ Năm, 16/06/2016, 08:44
Thời gian gần đây, người dân ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định phản ảnh khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Giang thuộc tiểu khu 270 bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng. Đây là khu rừng tự nhiên duy nhất của xã Tây Giang với diện tích gần 704ha còn “sót lại” nhiều loại cây gỗ quý.

Theo người dân, mỗi ngày có hàng chục đối tượng vào rừng sâu đốn gỗ phần lớn là chò chỉ, số ít còn lại là muồng… được khai thác lén lút trong những cánh rừng, sau đó dùng xe máy đưa ra cửa rừng cất giấu, rồi vận chuyển đi tiêu thụ.

Chúng tôi chọn tuyến đường liên thôn ở xóm 2 dẫn về xóm 4, thôn Nam Giang làm địa điểm để phục kích. Trong vòng gần một giờ, từ 5h30’ đến 6h20’ ngày 11-6, chúng tôi ghi nhận có gần 10 lượt xe gắn máy chở các phách gỗ, cây gỗ phóng như bay. 

Một người dân mách nước: “Hôm nay, chúng (lâm tặc - PV) biết có người lạ nên đánh động rút trong rừng rồi. Ngày thường, tầm 5h chiều, mấy anh đứng ở đập Thò Đo là thấy cả đoàn 20 - 30 chiếc xe máy nẹt pô chở gỗ về xuôi. Thậm chí, bọn chúng còn huy động cả xe công nông để vận chuyển nữa. Hiện chúng đang làm gỗ ở chỗ rừng phòng hộ cách đây mấy cây số”.

Một lâm tặc ngang nhiên chở gỗ từ rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Giang về xuôi.

Vào buổi sáng 11-6, từ đập Thò Đo đi sâu vào khu vực rừng Nam Giang với quãng đường dài 6km, chúng tôi nghe được tiếng cưa máy. Lát sau, một “lâm tặc” chở một súc gỗ bằng xe máy đổ dốc trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Theo sau đó là 2 thanh niên mặt mũi bợm trợn với một chiếc cưa máy ở yên xe. Một người chăn bò ở đây cho chúng tôi biết: “Bọn chúng vừa cưa gỗ xong. Trước khi di chuyển cũng như để tránh sự truy cản từ lực lượng kiểm tra, các đối tượng cho người đi trước “thám thính”, đồng thời, bố trí một đối tượng áp tải, quan sát phía sau”.

Theo ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, rừng ở xã Nam Giang đến thời điểm này đã hết cây to, chủ yếu là rừng nghèo. Lâm tặc không còn rầm rộ đánh quả lớn bằng ôtô như trước đây. Việc vận chuyển gỗ hiện nay chỉ thi thoảng mới diễn ra, với số ít người dân ở địa phương tham gia. Gỗ được vận chuyển chỉ là gỗ nhỏ có kích thước bằng đòn tay và dùng để làm nhà, nhưng không nhiều (!). Đa số gỗ được khai thác ở rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Giang thuộc tiểu khu 270, xã Tây Giang.

Tuy nhiên, so với thực tế chúng tôi ghi nhận được thì lời trần tình của ông Ơn là chưa thuyết phục. Và, sau khi được xem một số ảnh mà PV chụp được về việc vận chuyển gỗ ở Nam Giang, ông Ơn mới nhìn thẳng vào vấn đề. 

Ông nói: “Kiểm lâm huyện cũng phối hợp với địa phương ngăn chặn, nhưng do nhiều yếu tố, như lực lượng mỏng, công việc nhiều, địa bàn quá rộng, hình thức vận chuyển tinh vi, lâm tặc quá đông người, được tổ chức theo nhóm, vận chuyển vào lúc sẩm tối và ban đêm, nên rất khó ngăn chặn, giải quyết dứt điểm. Thậm chí, khi lực lượng Công an và cán bộ Kiểm lâm truy quét, vây bắt, lâm tặc sẵn sàng dùng dao, rựa,… chống trả, nên nhiều lúc cũng chưa kiểm soát được hết”.

Ông Ơn cũng thừa nhận, mặc dù công tác tuần tra, truy quét nạn khai thác, vận chuyển lâm sản ở Nam Giang được triển khai quyết liệt nhưng rất khó ngăn chặn và xử lý dứt điểm nạn phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép.

Chiều 11-6, 3 thanh niên mặt mày hung tợn, đầu húi cua, nhuộm vàng phóng xe máy đến uy hiếp khi phát hiện PV đang mật phục ghi hình việc vận chuyển gỗ dưới chân đập Thò Đo. Tình hình lúc này không an toàn, chúng tôi quyết định rút lui. Vừa đi được 1km, thì lâm tặc lái xe máy vượt mặt chúng tôi lạng lách, may mà chúng tôi kịp tránh né. Đến lúc này, do thấy có đông người qua lại nên lâm tặc trở đầu xe quay lại rừng.

Tình hình khai thác và vận chuyển gỗ trái phép rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn diễn ra công khai và kéo dài, song từ đầu năm 2016 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn chỉ mới phát hiện và xử lý có 2 vụ vi phạm, với số gỗ tịch thu khoảng 0,1m3 gỗ các loại (?!). Tuyến đường liên thôn Nam Giang thông với QL 19, cứ độ 5 - 6 giờ chiều hoặc 3 - 4 giờ sáng là không ai dám ra đường vì sợ đụng phải những khúc gỗ kềnh càng của lâm tặc.

Hoàng Nguyên
.
.
.