Tổ ấm cho những “cánh chim non lạc lối”

Thứ Tư, 02/09/2015, 09:23
Những đứa trẻ bụi đời, trộm vặt và lang thang trong đêm vắng được lực lượng Công an phát hiện sau những lần tuần tra. Khi tìm hiểu hoàn cảnh đáng thương hơn đáng trách này, Công an TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) quyết định xây dựng “tổ ấm” cho những cánh chim non lạc lối này, giúp các em vững bước trên con đường đời đầy khắc nghiệt.

Vừa học xong cấp 1, ba mất, mẹ buồn bỏ xứ lấy chồng biệt tăm, em Nguyễn Văn Luân (14 tuổi, ngụ tổ 15, khóm 2) dọn về sống với gia đình người chú. Gia cảnh chú cũng chẳng khá giả gì mấy, nhà lại đông con, từ khi về ở với chú, em bỏ học, hằng ngày lang thang cùng bạn bè khắp nơi.

Nhiều đêm em cùng bạn lang thang đầu đường, xó chợ, ngủ bờ, bụi, không về nhà. Qua những lần tụ tập bạn bè, Luân nghiện game. Cứ vài ngày, em lại xin tiền chú được vài ngàn, tất cả được em nướng vào những trận đánh ảo trên internet. Sau nhiều đêm lang thang trong đêm, em bị tổ tuần tra của Công an phường 11 phát hiện.

“Đưa Luân về phường nhiều lần, anh em mới tìm hiểu hoàn cảnh của em. Sau đó, chúng tôi bàn bạc cùng lãnh đạo Công an TP Cao Lãnh, nếu cứ bắt rồi thả các em thì không phải là việc làm hay để giải quyết vấn đề. Nếu em không được giáo dục, học hành, nghề nghiệp ổn định thì sau này rất dễ rơi vào cạm bẫy xấu của xã hội. Từ đó, chúng tôi cử lực lượng xuống phường trao đổi với gia đình người chú đang cưu mang cháu Luân. Phải mất một thời gian dài, chúng tôi mới vận động giao cháu về phường quản lý để cho cháu học nghề”, Trung tá Trần Thanh Phong, Trưởng Công an phường 11 chia sẻ.

Lãnh đạo Công an phường 11 đến thăm hỏi và động viên em Luân tại nơi đang học nghề.

Tuy nhiên, khi học nghề sửa xe được khoảng 1 tháng thì Luân bị gia đình người cô ở An Giang kéo về nuôi. Công an phường 11 cử lực lượng qua tìm hiểu thì biết gia đình cô cũng khó khăn, hằng ngày em tụ tập bạn bè đi chơi chứ không được chăm lo học hành. Các anh lại quyết định qua thuyết phục đưa Luân về phường quản lý, giáo dục.

Tuy nhiên, phải mất một tuần người cô mới đồng ý cho em về học nghề sửa xe. Về phường, để “cai nét” cho Luân, Trung tá Phong quyết định cho em chơi game trên máy của phường, mỗi ngày 10 phút vào buổi tối. Thời gian chơi game của em giảm xuống dần, đến nay em đã không còn nghiện net mà chú tâm vào việc học nghề.

Thông qua Công an phường 11, ông Tài biết được hoàn cảnh của Luân nên đồng ý cho em học nghề miễn phí đến khi thành nghề. Mỗi sáng thức dậy, ăn sáng tại phường, sau đó em Luân đạp xe đi học nghề, đến giờ cơm thì về ăn.

Trung tá Phong phấn khởi cho biết thêm: “Hiện tại, một mạnh thường quân quyết định tài trợ mặt bằng, đồ nghề sau khi cháu Luân lành nghề. Vậy là coi như chúng tôi đã có thể giúp đỡ em có cuộc sống ổn định sau này rồi”.Ngoài em Luân, hiện Công an phường 3 đang cưu mang em Nguyễn Văn Sỹ (15 tuổi, ngụ khóm Mỹ Hưng) và em Nguyễn Long Hải (15 tuổi).

Luân chú tâm học nghề sửa xe môtô.

Trước kia, Sỹ và Hải nhiều lần bị tổ Công tác tuần tra của Công an phường phát hiện, đưa về phường khi đang lang thang trong đêm vắng. Qua những lần tìm hiểu nguyện vọng các em, phường 3 hỗ trợ em Sỹ học nghề sửa xe và hỗ trợ Hải bán vé số mưu sinh. Cứ mỗi buổi trưa, hai em lại tìm về phường ăn cơm cùng anh em cán bộ chiến sĩ.

Đại tá Trần Văn Đoàn, Trưởng Công an TP Cao Lãnh chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi chủ trương cho tất cả các phường tìm hiểu hoàn cảnh của những em mồ côi, sống khó khăn, hay lang thang, trộm cắp vặt để đưa về phường nuôi dưỡng, giáo dục, học nghề. Tôi nghĩ, việc làm này mới hạn chế tối đa vấn đề phạm pháp lứa tuổi thanh thiếu niên.

Vì khi lang thang, đói rách thì các cháu rất dễ “bần cùng sinh đạo tặc”. Các cháu trộm cắp không hẳn vì các cháu là người xấu, mà vì các cháu đói. Bởi vậy, mình phải giải quyết cho chúng được ăn no, được tự kiếm tiền thì chúng mới không phạm tội”.

Từ đầu năm đến nay, Công an TP Cao Lãnh vận động, hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho khoảng 30 em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, lang thang trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhiều em quen lối sống phóng túng, gia đình ít quan tâm nên khi được phường nhận về nuôi, giáo dục thì tìm cách trốn ra ngoài.

Bởi vậy, hiện tại các phường đang chú trọng nuôi dưỡng những em có ý chí học nghề để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Từ đó, những em này sẽ là tấm gương cho những em khác trên địa bàn học hỏi, tìm về phường chia sẻ, xin giúp đỡ.

Văn Vĩnh – Như Anh
.
.
.