TP HCM: Nhiều khó khăn trong việc đưa trẻ lang thang về cộng đồng

Thứ Bảy, 07/08/2010, 14:10
Không nhà cửa, không người thân, những hiểm nguy luôn rình rập mỗi ngày. Nhưng vì cuộc sống, không ít trẻ em lang thang cơ nhỡ vẫn phải lao vào bán báo, đánh giày,… nơi góc phố lề đường. Vì vậy, dù đã thực hiện rất nhiều chiến dịch, nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em lang thang tại TP HCM, nhưng xem ra kết quả còn hạn chế.

Nhọc nhằn kiếm sống

Theo khảo sát mới nhất của Sở LĐ-TB&XH, hiện TP HCM có hơn 10.000 trẻ lang thang kiếm sống trên các đường phố, nhiều nhất vẫn là các em đến từ miền Trung, trong đó, hơn 5.000 em không biết chữ hoặc bỏ học. Khoảng 30% số trẻ sống trên đường phố là bé gái với nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao… Ngoài bản thân tự mưu sinh, các em chẳng nhận được sự chở che của người lớn.

Cuộc sống của phần lớn trẻ lang thang gắn chặt với những chuỗi ngày không êm ả, với những cuộc mưu sinh cơ cực, tranh giành từng miếng cơm, manh áo. Trò chuyện với chúng tôi, em Trần Khải Hưng, 8 tuổi, quê Hưng Yên đang phải chọn góc đường Hàm Tử, quận 5 với nghề lượm mót trái cây ở chợ Nguyễn Thái Học cho biết: "Em sống như thế này đã hơn 1 năm. Một năm trước em sống ngoài lề đường cùng mẹ. Nhưng mẹ em mất vì bệnh nên em phải tự thân kiếm sống cùng với đám bạn hằng ngày".

Nhiều khó khăn khi đưa trẻ em lang thang về với cộng đồng.

Cậu bé cho biết, hằng ngày em lượm lặt ở góc chợ, nhặt nhạnh những gì người đời vất ở ngoài lề đường để bán, tối đến tìm về ngủ ngay dưới vỉa hè của các tòa nhà hay các góc chợ. Sáng dậy lại tiếp tục… một vòng quay mưu sinh. Cậu bé thú thực không ít lần đã có những giấc mơ thật hạnh phúc đầm ấm bên mẹ nhưng giật mình tỉnh dậy sững sờ vì thấy mình nằm lăn lóc giữa vỉa hè.

Hưng nhiều lần mơ ước được biết mặt cha mình một lần, mơ được một bữa ăn ngon và mơ được cắp sách đến trường như bao cậu bé cùng trang lứa nhưng chưa biết bao giờ thành hiện thực.

Cần lắm sự sẻ chia

Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo trợ xã hội 6 tháng đầu năm 2010 vừa qua, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết, TP đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 2606QĐ-UB về tình trạng người lang thang xin ăn nơi công cộng trên địa bàn thành phố.

Trung tâm BTXH đã tiếp nhận 5.327 đối tượng lang thang xin ăn, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 2.910 người, thiếu niên là 499 người. Nhiều trường hợp đã được bảo lãnh. Tại các trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trong 3.060 đối tượng được tiếp nhận đã giải quyết hồi gia cho 1.396 người, tổ chức dạy văn hóa cho 13 lớp trong đó có gần 500 trẻ được học nghề.

Việc làm sao đưa trẻ lang thang về với cộng đồng đã được bàn thảo, trong đó quan điểm được đồng tình nhiều nhất vẫn là cần phải cho các em tiếp cận với môi trường giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Buồm, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển nguồn nhân lực trẻ, Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng: "Việc tổ chức các lớp học cho trẻ đường phố một cách hiệu quả nhất là níu kéo các em về với đúng bản chất của mình. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên của trẻ đường phố thường chính là cái mác "bụi đời" mà nhiều người dán vào lưng các em, để rồi từ đó không chấp nhận và thậm chí là hắt hủi một số em".

Bà Trần Tuyết Mai - điều phối viên chương trình chăm sóc trẻ em đường phố Thảo Đàn, người đã có thâm niên 20 năm làm việc với trẻ lang thang cho rằng: “Cái khó là làm sao tiếp cận với trẻ lang thang đường phố. Các em luôn tạo ra cho mình "bộ lông xù xì" để rồi không cần sự giúp đỡ, sẻ chia từ cộng đồng".

Từ những thực tế mà bà Mai đưa ra dẫn chứng cho thấy việc đưa trẻ lang thang về hòa nhập với cộng đồng còn rất nhiều khó khăn vì đa số các em cho dù đã rời bỏ cuộc sống lang thang, nhưng cách sống của quá khứ vẫn chưa từ bỏ. "Đây là vấn đề gây nhiều khó khăn đối với xã hội, mặc dù hiện nay có khá nhiều chính sách trợ giúp cho trẻ đường phố nhưng hiệu quả triển khai chưa cao" - bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: "Tình trạng trẻ em lang thang ở TP HCM vẫn ở mức báo động. Để tránh việc đẩy thêm các em vào "đội quân" lang thang này, các bậc làm cha làm mẹ nên quan tâm đến các em hơn, dù cuộc sống có vất vả như thế nào cũng ráng giữ các em lại gia đình để chăm sóc, dạy bảo”

H.Nga-A.Nguyễn
.
.
.