Nhà sư của trẻ lang thang và người nghèo

Chủ Nhật, 17/07/2005, 07:27

Lặn lội đi nhiều nơi, vận động ủng hộ tiền giúp người nghèo khó, khi trở về, bà lại mang theo những trẻ lang thang, bệnh tật để chạy chữa, rồi nuôi ăn học. Bà còn biến ngôi chùa mình đang trụ trì trở thành nơi chữa bệnh từ thiện cho nhiều người.

Bà là nhà sư Thích Diệu Nhân, trụ trì chùa Đông Trang (xã Ninh An, Hoa Lư, Ninh Bình). Chùa Đông Trang (Yên Ninh tự) nằm cách quốc lộ 1 không xa, nhưng vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng tôn nghiêm. Theo nhiều người già trong làng kể lại thì đây là một ngôi chùa cổ, nhưng trước đó đã bị bỏ quên và xuống cấp nghiêm trọng. Từ khi nhà sư Thích Diệu Nhân về trụ trì, ngôi chùa đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, nhờ những nỗ lực của nhà sư, ngôi chùa đã trở nên gần gũi hơn với cuộc sống của những người dân trong vùng.

Sư Thích Diệu Nhân (tên tục là Bùi Thị Duyên), là con út trong một gia đình đông con, quê ở xã Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Khi còn nhỏ, vì hay đau ốm nên dù gia đình có truyền thống năm đời làm thuốc nam cũng không thể nào chữa khỏi bệnh. Theo lời khuyên của nhà sư trụ trì một chùa gần nhà, mẹ của bà đã thường xuyên đưa con gái lên chùa chữa bệnh.

Ở chùa, hàng ngày Bùi Thị Duyên được nghe các vị sư thuyết pháp những giáo lý nhà Phật. Nghe nhiều khiến cô thấy có nhiều điều tâm đắc và rồi khi lớn hơn một chút, Bùi Thị Duyên đã quyết định gắn bó cuộc đời ở chốn cửa thiền.

Cho đến tận bây giờ, nhà sư Thích Diệu Nhân vẫn còn nhớ đã đưa đứa trẻ đầu tiên về chùa như thế nào. Đó là lần nhà sư đang trên đường khất thực ở Hòa Bình, vừa đi đến cổng một đồn công an, thì bất ngờ có đứa trẻ bước tới quỳ trước mặt xin được đi theo. Sau này được biết bố của đứa trẻ đã chết, còn mẹ thì bị tâm thần đi lang bạt khắp nơi. Khi nhà sư Thích Diệu Nhân nhận đứa trẻ, cán bộ đồn công an đã rất tích cực giúp đỡ những thủ tục giấy tờ để nhà sư có thể đem cậu bé đến chùa Đông Trang.

Lại có lần, trong một buổi chiều nắng gắt, một thương binh ở thị xã Ninh Bình ôm đứa con bị viêm não Nhật Bản mới hai tuổi, chân tay co quắp, đã chạy chữa nhiều nơi không khỏi, vào chùa. Dù chưa nhận được sự đồng ý của người trụ trì nhưng người thương binh vẫn để lại đứa con, với lời nhắn: “Nếu cháu sống sẽ là người nhà chùa, chết cũng là người của nhà chùa”. Nói rồi, người thương binh bỏ đi.

Người vợ của anh thương binh vừa qua đời, còn anh vẫn phải ở Trại Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam vì là thương binh nặng. Thế là, nhà sư phải đóng vai trò một người mẹ, ngày nào cũng chăm ẵm cháu bé. Đứa trẻ được chăm sóc và chữa bệnh ở chùa hai năm thì khỏe mạnh, đã có thể đi lại được và không để lại di chứng gì.

Đến nay, nhà chùa nuôi cả thảy 18 cháu, vừa ăn học, vừa chữa bệnh ngay tại chùa. Ngoài ra còn có hàng chục đứa trẻ khác đang sống cùng gia đình cũng đang được nhà sư chu cấp tiền học phí. Đã có 30 người học đại học, hàng tháng vẫn được nhà sư chu cấp 600 nghìn đồng.

Để chăm lo những đứa trẻ sống trong chùa học hành, hòa nhập với cộng đồng, thỉnh thoảng nhà sư lại qua trường, lớp động viên các em và thăm hỏi thầy cô giáo. Cảm động trước tấm lòng nhà sư, các cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên ghé vào chùa để giúp các em học tập.

Không chỉ giúp đỡ những người bất hạnh và nuôi nấng trẻ mồ côi, nhà sư Thích Diệu Nhân còn tích cực chữa bệnh từ thiện cho nhân dân trong vùng. Nhiều con bệnh ở xa biết đến tài chữa bệnh bằng cây thuốc nam của nhà sư cũng tìm đến. Hàng ngày, cứ khoảng 4 giờ chiều, lại có rất nhiều bệnh nhân từ khắp nơi tìm đến khám bệnh và bốc thuốc. Việc khám chữa bệnh tất cả đều miễn phí.

Ngoài ra, hàng năm, nhà sư Thích Diệu Nhân đều tích cực tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương. Mỗi năm, chùa Đông Trang lại mua quần áo tặng những bệnh nhân trong các trại tâm thần, mua quà tặng cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách, ủng hộ quỹ chất độc da cam....

Nhà sư Thích Diệu Nhân lúc nào cũng mong muốn có được y thuật cao hơn để chữa được nhiều bệnh và cả những bệnh nặng cho người nghèo, cắt  được những cơn đau cho thật nhiều bệnh nhân và nhà chùa có thêm điều kiện vật chất để không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn trở thành nơi nuôi dưỡng những trẻ lang thang bất hạnh

Nguyễn Trọng Tuyến
.
.
.