Mở rộng vòng tay với trẻ lang thang trong bóng đêm Hà Nội

Thứ Năm, 21/07/2005, 13:12
Gồng mình kiếm tiền nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình, đó là mục đích của hầu hết những đứa trẻ kiếm ăn trong bóng đêm Hà Nội. Nhưng nhiều khi chúng không thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại. Từ khi bước chân nhỏ bé bước ra thành phố, các em đã vuột khỏi vòng tay bảo vệ của mái ấm gia đình.

Đêm trên đường Lý Thường Kiệt không ồn ào như những điểm ăn đêm mà chúng tôi đã qua hôm trước. Gió đêm nhè nhẹ, bình yên và nguyên sơ trong tiếng thì thầm của hàng phượng vĩ. Chúng tôi có cảm tưởng như tiếng giày của cả nhóm cũng có thể đánh thức mọi người dậy. Bỗng... vù - hai thằng bé con ôm hộp đồ nghề đánh giày ào ra từ cái hốc đen ngòm của một ngôi nhà hoang. Phía sau, hai thằng lớn ra sức đuổi theo. Chạm phải chúng tôi, hai thằng lớn dừng lại rồi lảng ra, quay trở lại ngôi nhà hoang.

Hôm nay, hai thằng bé con gặp may vì sự có mặt của chúng tôi. Chúng không có nhà trọ, đêm đến thì tìm những ngôi nhà hoang trong thành phố làm điểm dừng chân. Mỗi tháng chúng không nhớ đã ngủ ở bao nhiêu ngôi nhà và bao đêm bất ổn. Có khi đang co quắp nhau trên nền gạch, chúng lại bị bọn kiếm ăn đêm lớn hơn chiếm chỗ, giành đồ, thậm chí là đánh đuổi để cướp đi số tiền nhọc nhằn của chúng. Đó cũng là một cách kiếm ăn đêm của những đứa trẻ lớn hơn, sống kiểu bụi đời. Hai thằng bé con sẵn sàng trò chuyện với chúng tôi đến sáng vì quá bức xúc và mệt mỏi trước cảnh "cá lớn bắt nạt cá bé"- chúng tôi ngạc nhiên vì như cách so sánh rất chính xác của một thằng bé.

Trước đó, chúng tôi đã từng gặp cậu bé Nguyễn Thành Long, ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) trong Trại phân loại Lộc Hà. Nó bị bắt vì tái phạm tội cướp giật. Nhìn cái dáng mảnh khảnh của nó, chẳng ai có thể ngờ nó dám cả gan giật chiếc điện thoại từ tay một người đàn ông khỏe mạnh. "Sao cháu liều thế?". Tôi hỏi, Long trả lời không cần suy nghĩ "Cháu sợ "luật rừng" hơn là bị Công an bắt". "Luật rừng" của Long ở đây là chỉ những thằng "cá lớn" ở cửa khẩu Phúc Tân. Long phải làm việc cả ngày lẫn đêm sao cho đủ tiền về "cống nạp" chúng mỗi sáng. Nếu không có tiền, Long sẽ bị bọn chúng đánh cho một trận nhừ tử và chuyển số tiền nợ tới hôm sau.

Chính vì thế, Long phải lấy cả đêm làm ngày để kiếm tiền đủ nuôi mình và nuôi cả mấy thằng không quen biết. Hôm nào không kiếm đủ, nó đành phạm tội, lấy trộm đồ hoặc cướp giật. Mỗi sớm ban mai từ Hồ Gươm về nơi trọ, nhìn những cô bé, cậu bé theo bố mẹ đi tập thể dục, cậu thèm khát được như chúng biết bao. Nhưng thực tại đã níu giữ ước mơ tưởng như giản đơn ấy, Long lại rùng mình khi nghĩ đến bộ mặt dữ dằn của những kẻ trấn lột kia. Nó không dám bỏ chạy, bởi chúng đã dọa "làm thịt" nếu cậu dám bỏ trốn. Và cứ thế, cậu bé dấn sâu vào tội lỗi, hồ sơ của Long ở Công an phường ngày một dày thêm.

Có ai dám khẳng định những đứa trẻ như Long, những đứa trẻ chúng tôi gặp trong đêm sau này lại không trở thành những tên tội phạm chuyên nghiệp? Đó là chưa kể những trẻ đường phố sẽ trở thành nạn nhân của nạn xâm hại tình dục. Thậm chí, một số đứa lớn lại trở thành thủ phạm gây án đối với đứa nhỏ hơn. Và để ngăn chặn nguy cơ ấy, nhiều cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đã có các biện pháp giải quyết. Nhưng xem ra, mọi việc luôn phải bắt đầu lại từ đầu.

Đường về nhà còn lắm khó khăn!

Từ nhiều năm nay, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (UBDSGĐ&TE) Việt Nam đã nhiều lần lập đề án đưa trẻ em về hòa nhập cộng đồng. Những buổi sinh hoạt, tuyên truyền tại địa phương - nơi có nhiều trẻ em ra Hà Nội lang thang kiếm sống như Khoái Châu (Hưng Yên), Quảng Xương (Thanh Hóa)... cũng đã được tổ chức. Trong các đề án như thế, bao giờ vấn đề tạo việc làm, hỗ trợ học tập... cũng được quan tâm và bàn tới. Tuy vậy, số trẻ hồi gia thường ít hơn số trẻ hiện sống lang thang tại Hà Nội.

Về tình trạng này, bà Phạm Thị Việt Thanh cho biết: "Trẻ em ra thành phố có giảm nhưng chưa bền vững, đặc biệt là trong dịp hè, các em lên Hà Nội đông hơn. Số trẻ em lang thang theo gia đình lên Hà Nội kiếm sống gây nhiều khó khăn cho khâu hồi gia, bởi nhiều đứa trẻ khi đưa các em về địa phương thì mới biết, bố mẹ các em lại đang làm việc tại Hà Nội, thế là chúng tôi chỉ còn cách cho chúng quay lại Thủ đô để trở về với bố mẹ chúng".

Về ngăn chặn và giảm bớt tình trạng trẻ em lao động nặng nhọc, ăn xin, đeo bám khách du lịch và trẻ em bị xâm hại tình dục, lao động vào ban đêm đã có sự kết hợp giữa các cấp, các ngành liên quan để tuyên truyền, tư vấn, tổ chức các diễn đàn giao lưu, giúp các em biết cách tự bảo vệ mình, học kỹ năng sống... Đã có đường dây nóng miễn phí cho trẻ em, kịp thời cứu giúp các em khi bị tai nạn giao thông, bị kẻ xấu bắt nạt, vừa tư vấn vừa can thiệp...

Tuy vậy, số trẻ em đến với những trung tâm này chưa nhiều, bởi lẽ chúng vẫn còn tâm lý e ngại vì sợ bị trả về địa phương. Theo ông Châu Giang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: Hà Nội đang xúc tiến để triển khai Đề án 3 theo Quyết định 19/2004/QĐ-TTg năm 2005 về "Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm phạm tình dục". Nhưng để thực hiện đề án đó còn muôn vàn khó khăn và cần có sự phối kết hợp của các ngành Công an, UBDSGĐ&TE để có những khảo sát thực tế và có số liệu cụ thể.

Nhiều địa phương đã tổ chức các trung tâm dạy nghề miễn phí nhưng kinh phí còn hạn hẹp nên việc duy trì các lớp học còn gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê mới nhất của các quận Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, hiện nay có gần 229 trẻ em đang di trú trên 4 quận này. Số trẻ em lang thang thường xuyên trên đường phố ở các quận chiếm tỷ lệ không cao bằng số trẻ sáng đến tối đi khỏi địa bàn. Số trẻ đi cùng gia đình cũng khá nhiều. Chính vì vậy, rất khó quản lý, xác định được con số chính xác.

Theo nhận xét, đánh giá của quận Thanh Xuân là nơi làm tốt công tác hồi gia thì tình hình trẻ em có nhiều biến động. Số trẻ em Thanh Hóa có xu hướng giảm nhiều do các em trở về lao động ở các vùng ven biển nhưng sẽ tăng trở lại vào dịp đầu đông. Thời gian gần đây, tình trạng trẻ ăn xin đến Hà Nội ngày càng tăng, đặc biệt là các em đi theo nhóm và có người dẫn dắt, bảo kê nên việc tiếp xúc, tư vấn cũng gặp nhiều khó khăn.

Các quận cũng đề nghị hỗ trợ thêm kinh phí để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Tiếp tục hỗ trợ cho các văn phòng tư vấn gia đình và trẻ em để có thêm cán bộ chuyên trách thường xuyên tư vấn, giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn... Bởi chúng ta không thể đứng nhìn những đứa trẻ đang từng ngày, từng giờ lớn lên mà không biết tương lai của mình sẽ ra sao?!

Một đêm mới bắt đầu, những đứa trẻ lang thang kiếm ăn dựa vào bóng đêm lại chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Những nguy cơ, những cái bẫy vẫn đang giăng sẵn chờ chúng ở phía trước. Nhưng bọn trẻ vẫn phải tiếp tục công việc của mình vì cuộc sống mưu sinh. Chúng tôi cũng như cùng một ước mong cho chúng, mong vào sự may mắn, mong vào những hành động thiết thực của người lớn, của các tổ chức xã hội sẽ giúp chúng có một cuộc đời tươi sáng. Mong bình minh lên.

Hà Nội đêm và những đứa trẻ không nhà

Nhóm PV PL - BĐ
.
.
.