Vụ Vụ phó tuổi 26: Xử nghiêm để ngăn chặn “tự diễn biến”
- Sẽ công bố các cá nhân, đơn vị liên quan việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh
- Thu hồi quyết định bổ nhiệm lại Giám đốc BVĐK Phú Quốc
- Tiếp tục "truy" trách nhiệm vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh4
- "Chưa thể nói ngay" việc có thu hồi quyết định bổ nhiệm con ông Vũ Huy Hoàng hay không3
- Thanh tra việc bổ nhiệm, đề bạt công chức tràn lan ở Sở LĐTB&XH Hải Dương
- Cần giải trình trường hợp bổ nhiệm cán bộ là người nhà
- Bổ nhiệm sai, con cháu của lãnh đạo cấp cao cũng bị sa thải
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào cuộc sống không phải bằng những quy định “cứng” trên giấy mà cần biến chuyển bằng hành động thực tiễn.
Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm minh vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, các cơ quan chức trách đã khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo, điều tra khui lộ những “mảng tối” vụ án, đồng thời xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan, bất kể đương chức hay nghỉ hưu, bất kể chức vụ cao thấp ở địa phương hay Trung ương. Việc làm rõ, xử lý rốt ráo vụ việc này tạo hiệu ứng mạnh trong công luận, điều dễ nhận thấy là lòng tin của người dân với Đảng được nhân lên từ thông điệp “nói đi đôi với làm”.
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Huy Hoàng liên quan trực tiếp đến công tác cán bộ, việc bổ nhiệm, điều động thì vụ Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ khi người này còn ở tuổi 26 thực sự gây sốc bởi ở độ tuổi này, giữ vị trí cao như vậy trong bộ máy Nhà nước là chuyện khó tin. Mặc dù ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng giữ chức Vụ phó “đã được lãnh đạo Ban thống nhất và thực hiện đúng quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ”, tuy nhiên, nhiều ý kiến khẳng định không có việc bàn bạc thống nhất.
Trả lời báo chí ngày 11-12, Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, rất bức xúc trước thông tin mình có tên trong biên bản họp lấy ý kiến bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế hồi đầu năm 2016. Theo Trung tướng, khi đó ông đang đi công tác cùng Phó ban Thường trực Nguyễn Phong Quang và một Phó ban khác là Võ Minh Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.
“Tôi với ông Chiến cùng là lãnh đạo ban và không họp để có ý kiến bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm Vụ phó nhưng chúng tôi lại có tên trong biên bản. Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết là Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Quốc phòng - An ninh không họp nhưng cũng có tên. Họ đã tự ý ghi tên tôi, việc làm này là sai nguyên tắc” – Trung tướng Trần Phi Hổ nói.
Trong khi đó, theo quy định, việc bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Vụ phó tuổi 26 đang gây bức xúc dư luận |
Cần lưu ý rằng, trước khi được tuyển dụng, Vũ Minh Hoàng đi học nước ngoài nên cũng chưa có kinh nghiệm công tác. Với thời gian chỉ hơn 1 năm làm việc là quá ít kinh nghiệm thực tiễn để đảm đương vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước (Phó Vụ trưởng). Việc lý giải Vũ Minh Hoàng có nhiều bằng thạc sĩ “đạt loại xuất sắc” là không thuyết phục bởi trong quy định bổ nhiệm, không có tiêu chí phải đạt bằng thạc sĩ loại xuất sắc (cần thấy rằng, ngày nay, việc học viên tốt nghiệp thạc sĩ thì bằng giỏi, bằng xuất sắc là rất bình thường).
Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong cơ quan quan trọng như Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, liên quan trực tiếp đến vấn đề chính trị, kinh tế của vùng trọng điểm đất nước thì yêu cầu quan trọng nhất là phẩm chất chính trị, kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần tận tụy với công việc.
Theo quy định, người giữ chức vụ này phải có lý luận chính trị cao cấp, phải là chuyên viên chính, có kinh nghiệm công tác nhiều năm. Đó là yêu cầu thiết yếu chứ không phải là những tấm bằng “thạc sĩ xuất sắc” ở nước ngoài mà chưa có kinh nghiệm thực tiễn, trong khi phẩm chất chính trị trong trường hợp này còn là dấu hỏi. Ngay cả lý do vì cần “người tài” nên bổ nhiệm cũng rất hài hước, bởi Vũ Minh Hoàng sau khi có quyết định chỉ 32 ngày, đến 17-2-2016, Hoàng đã có quyết định chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ. Nhìn các quyết định bổ nhiệm, điều động xoay như chong chóng, có người tặc lưỡi: “Phải chăng Hoàng là “thần đồng” xưa nay hiếm nên các cơ quan Nhà nước giành nhau giữ chân, ai cũng muốn “cướp” Hoàng về làm lãnh đạo”!
Trung tướng Trần Phi Hổ trả lời báo chí khẳng định, ông là Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhưng không được hỏi ý kiến về việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng |
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ghi rõ, một trong 9 biểu hiện tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống là: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Nghị quyết nêu rõ, giải pháp cấp bách cần thực hiện là: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu”.
Vụ việc này chỉ là sự nối tiếp của hàng loạt vụ nóng xảy ra gần đây về bổ nhiệm quan chức trẻ. Như đã phân tích, vụ việc vừa có nhiều dấu hiệu phạm luật lại rất phản cảm, gây ức chế cho những người có năng lực, có kinh nghiệm, có tinh thần phục vụ nhưng không được trọng dụng. Nếu không được xử lý nghiêm, sự bất công được dung túng, được ngụy biện bởi các cá nhân sẽ dẫn tới tư tưởng, tâm lý bất mãn với người khác, ở mức độ nghiêm trọng có thể dẫn tới suy thoái niềm tin chính trị, đó là nguyên nhân dẫn tới sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4.
Lần này, Nghị quyết đã xác định giải pháp “Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Nghị quyết đã ban hành, dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc xử lý kiên quyết, triệt để từ những vụ việc bức xúc, nổi cộm như thế này, làm gương răn đe, phòng ngừa chung, có ý nghĩa trực tiếp để ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.