(NÓNG TUẦN QUA) Nguy cơ "cách mạng màu" ở Belarus; Mỹ bị đồng minh quay lưng

Thứ Hai, 24/08/2020, 06:48
Cuộc khủng hoảng hậu bầu cử ở Belarus diễn biến ngày càng phức tạp, Mỹ bị cô lập về vấn đề Iran và nghi án nhân vật đối lập Nga bị đầu độc... là những tin tức đáng chú ý nhất tuần qua.


Tổng thống Belarus cảnh báo "cách mạng màu"

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko ngày 21/8 cho biết kịch bản của một cuộc "cách mạng màu" đang được thực hiện chống lại đất nước ông, đồng thời yêu cầu quân đội sẵn sàng ứng phó tình huống bất ngờ gần biên giới NATO. Belarus hiện đối mặt với làn sóng biểu tình lớn chưa từng có, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ủng hộ phe biểu tình và không công nhận kết quả bầu cử. Nga, đồng minh thân cận của Belarus, khẳng định sẵn sàng trợ giúp quân sự cho Belarus nếu có biến cố xảy ra. Xem chi tiết tại đây

Người biểu tình tụ tập ở Minsk. Ảnh: ITN

Mỹ bị đồng minh quay lưng trong vấn đề Iran

Pháp, Đức, Anh hôm 21/8 đều nói rằng sẽ không ủng hộ yêu cầu của Mỹ đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran với cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này cùng nhóm P5+1 ký năm 2015. Washington ngay lập tức bày tỏ thái độ thất vọng về thái độ của các đồng minh châu Âu trên. Xem chi tiết tại đây

WHO so sánh COVID-19 với cúm Tây Ban Nha

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/8 so sánh COVID-19 với đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 khiến 50 triệu người chết và hi vọng dịch sẽ chấm dứt trong vòng hai năm. Ông Tedros cũng cảnh báo dịch bệnh đang có dấu hiệu tấn công trở lại ở một số quốc gia sau nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh mới. "Đây là ví dụ cảnh báo cho những nước chứng kiến số ca nhiễm giảm dần. Tiến bộ chưa phải là chiến thắng", người đứng đầu WHO nhấn mạnh. Xem chi tiết tại đây

Nhân vật đối lập Nga nghi bị đầu độc

Alexey Navalny, nhà đối lập nổi tiếng người Nga ngày 20/8 ngã gục trên máy bay khi đang trên đường từ thành phố Tomsk ở vùng Siberia đi thủ đô Moscow, buộc phi công hạ cánh khẩn xuống thành phố Omsk để cấp cứu cho Navalny. Sau một ngày cấp cứu tại Nga và tình hình sức khoẻ ổn định, Navalny được đưa đi Đức để điều trị theo nguyện vọng của gia đình ông này. Navalny là nhân vật thường xuyên chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Xem chi tiết tại đây

Quan hệ Mỹ-Nga "tuột dốc" trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ

Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 19/8 công bố báo cáo kết luận Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp chỉ đạo cái gọi là "nỗ lực can thiệp bầu cử" Tổng thống Mỹ năm 2016, động thái khiến mối quan hệ, vốn đã nguội lạnh giữa hai cường quốc, tiếp tục "tuột dốc". "Mục đích của Moscow là gây tổn hại chiến dịch của Hillary Clinton", báo cáo nêu và nhận định Nga muốn tạo lợi thế cho chiến dịch của ông Donald Trump. Xem chi tiết tại đây

Tân Thủ tướng Triều Tiên lần đầu xuất hiện

Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19/8 cho hay tân Thủ tướng Kim Tok-hun, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên, đã trực tiếp đến tỉnh Bắc Hwanghae chỉ đạo khắc phục hậu quả đợt mưa lũ kéo dài. Đây là hoạt động công khai đầu tiên của ông Kim Tok-hun từ khi nhậm chức. Theo Yonhap, xã Daecheong, huyện Unpha, tỉnh Bắc Hwanghae là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ hồi đầu tháng với hơn 700 nhà dân bị ngập nước, 179 ngôi nhà bị sập. Xem chi tiết tại đây

Đảo chính ở Mali

Reuters sáng 19/8 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat xác nhận, các binh sĩ nổi dậy ở Mali đã bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Boubou Cisse và hàng loạt quan chức cấp cao của nước này ở thủ đô Bamako từ ngày 18/8. Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, ông Keita và Cisse bị bao vây bởi các binh sĩ nổi dậy có vũ trang. Họ sau đó đã dẫn các nhân vật này đến trại quân sự Kati cách thủ đô Bamako chừng 15km. Xem chi tiết tại đây

Thiện Nhân
.
.
.