Quan hệ Nga-Mỹ “tuột dốc” trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ

Thứ Năm, 20/08/2020, 08:18
Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ vừa công bố báo cáo kết luận Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp chỉ đạo cái gọi là “nỗ lực can thiệp bầu cử” Tổng thống Mỹ năm 2016, động thái khiến mối quan hệ, vốn đã nguội lạnh giữa hai cường quốc, tiếp tục “tuột dốc”.

Theo Forbes ngày 19/8 (giờ Hà Nội) cho biết, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã công bố bản báo cáo thứ 5 dài gần 1000 trang và cũng là bản báo cáo cuối cùng xung quanh nghi án về cái gọi là “Nga can thiệp bầu cử Mỹ”, trong đó kết luận rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp “chỉ đạo những nỗ lực của Nga nhằm xâm nhập hệ thống máy tính và những tài khoản liên kết với đảng Dân chủ” trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

“Mục đích của Moscow là gây tổn hại chiến dịch của Hillary Clinton”, báo cáo nêu và nhấn mạnh rằng Nga muốn làm lu mờ triển vọng đắc cử của ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Clinton, từ đó tạo lợi thế cho chiến dịch của ông Donald Trump sau khi ông được chọn trở thành ứng viên tranh cử đảng Cộng hoà.

Người Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016. Ảnh: Getty Images.

Báo cáo cho rằng, Nga nhận được sự trợ giúp từ WikiLeaks. Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã tìm được cái gọi là “bằng chứng quan trọng cho thấy, vào mùa Hè năm 2016, WikiLeaks có cố ý hợp tác với quan chức Chính phủ Nga”. Dù không tìm ra “bằng chứng nào về sự thông đồng giữa Tổng thống Donald Trump và người Nga”, nhưng Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ khẳng định, đã phát hiện các nhân viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cố gắng thu lợi về mặt chính trị từ vụ rò rỉ email của đảng Dân chủ.

Báo cáo nhấn mạnh, nhân viên chiến dịch của ông Trump thậm chí “đã tìm kiếm thông báo trước về các bản phát hành của WikiLeaks để tạo ra các chiến lược thông tin nhằm quảng bá và lan truyền các đồn đoán..., đồng thời khuyến khích những đoạn rò rỉ khác”.

Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ cũng kết luận, Paul Manafort, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, bí mật liên hệ trực tiếp với ông Konstantin Kilimnik, người được cho là quan chức tình báo Nga, và ông Oleg Deripaska, một nhà tài phiệt thân cận với Tổng thống Nga Putin.

“Trong nhiều trường hợp, ông Manafort đã bí mật chia sẻ thông tin nội bộ của chiến dịch với ông Kilimnik”, bao gồm các chi tiết về chiến lược và các cuộc thăm dò trước bầu cử, Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ nêu trong báo cáo. Luật sư của ông Manafort đã không bình luận về kết luận của văn bản này, trong khi WikiLeaks cũng chưa phản hồi gì về nội dung trong báo cáo, theo Reuters.

Truyền thông Mỹ mô tả, báo cáo của Ủy ban tình báo Thượng viện có thể là tài liệu công khai rõ ràng nhất và cuối cùng liên quan đến cuộc tranh cãi về khả năng can thiệp bầu cử năm 2016. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, thành viên ủy ban điều tra, cho biết, họ đã xử lý cả triệu văn bản và tiến hành hàng trăm cuộc phỏng vấn nhân chứng. Ông này đánh giá bản báo cáo “đã tiết lộ mức độ liên hệ đáng kinh ngạc giữa đội ngũ của Trump với đặc vụ Nga”.

Theo Reuters, tài liệu lần này được công bố trong bối cảnh tình báo Mỹ cảnh báo về cái gọi là “nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử” tháng 11 tới với mong muốn kết quả tiếp tục có lợi cho ông Trump. Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện, cùng ngày lên tiếng cho rằng, báo cáo chỉ ra ông Trump và nhóm tranh cử của ông “dựa vào sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử”. Tuy nhiên, đội ngũ của ông Trump lại ra tuyên bố riêng rẽ khẳng định, báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện đã “chứng minh – một lần nữa – rằng chẳng có sự thông đồng nào giữa Nga và chiến dịch của Trump”.

Cá nhân Tổng thống Mỹ, khi được hỏi về báo cáo, ông nói: “Tôi không biết gì về báo cáo đó. Tôi đã không đọc nó. Tất cả chỉ là một trò lừa bịp”. Hiện chưa rõ báo cáo có thể gây ảnh hưởng gì, nếu có, đối với chiến dịch tranh cử hiện tại của ông Trump.

Năm 2016, Hillary Clinton, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ, đã thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng do thua ông Trump số phiếu đại cử tri, dù giành nhiều đầu phiếu phổ thông hơn. Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử đều chỉ ra rằng bà Clinton sẽ chiến thắng áp đảo, song, sau vụ rò rỉ thông tin về chuyện bà Clinton đã dùng email cá nhân để làm việc lúc còn là Ngoại trưởng Mỹ và đã xoá 30.000 email khỏi hòm thư cá nhân không đúng quy định bảo mật, khiến lộ lọt thông tin tuyệt mật, bà này mất đi không ít sự tín nhiệm của cử tri.

Ngay sau cuộc bầu cử 2016, chính quyền Mỹ khi đó của cựu Tổng thống Barack Obama đã lập tức đưa ra những kết luận cho rằng Nga đứng sau vụ rò rỉ để giúp ông Trump đắc cử. Nga liên tiếp bác bỏ cáo buộc, yêu cầu Mỹ công bố bằng chứng và cảnh báo những lời buộc tội vô căn cứ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai nước. Hơn 3 năm qua, Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga xung quanh cáo buộc này, kéo theo hành động trả đũa tương ứng của Moscow. Chưa rõ liệu Mỹ có sắp công bố thêm các biện pháp trừng phạt chống Nga hay không.

Sau khi bản báo cáo lần này của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ được công bố, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 18-8 một lần nữa bác bỏ mọi khả năng Nga có liên quan đến bầu cử Mỹ. “Điện Kremlin lấy làm tiếc khi mà ngày càng có nhiều báo cáo cố gắng buộc tội Nga muốn can thiệp bầu cử (Mỹ) vào thời điểm mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11-2020 sắp tới gần”, Peskov nói.

Thiện Minh
.
.
.