Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị phát triển kinh tế miền Trung

Thứ Ba, 20/08/2019, 16:41
Tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quy Nhơn ngày 20-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. Hơn 700 đại biểu tham dự hội nghị là lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương cùng 14 tỉnh, thành phố trong khu vực, đại diện một số tổ chức quốc tế, hiệp hội, nhà đầu tư và các chuyên gia, nhà khoa học…

Cùng với việc đánh giá cụ thể, khách quan về kết quả phát triển kinh tế - xã hội miền Trung, xác định tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, những điểm nghẽn cản trở sự phát triển, hội nghị còn bàn giải pháp, tầm nhìn chiến lược, hiệu quả nhất góp phần thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước phát triển nhanh, bền vững gắn với kinh tế biển của vùng.

Địa bàn miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá  đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 1.900 km với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Kết cấu hạ tầng trong vùng có 9 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế, 14 nhóm cảng biển,  trong đó có 8 nhóm cảng biển nước sâu loại 1 là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và 11 trong tổng số 17 khu kinh tế ven biển của cả nước. Miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế khác trên dải đất liền ven biển, có tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp nặng, dầu khí, vận tải biển, logistics, dịch vụ, du lịch biển - đảo, phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy - hải sản, khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời…Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên trong hội nhập, thông qua kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Bộ KH & ĐT, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế 14 tỉnh, thành phố ở miền Trung phát triển khá đồng đều, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân mỗi năm trong toàn vùng 7,62%, cao hơn so với bình quân chung cả nước; tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước từ 18,83% năm 2016 lên 19,28% năm 2018. GRDP bình quân đầu người trong vùng tăng từ 1.850 USD năm 2016 lên 2.074 USD năm 2018, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng vùng kinh tế trọng điểm, GRDP bình quân đầu người đạt 2.565 USD, cao hơn 1,23 lần bình quân chung toàn vùng và bằng mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân mỗi năm đạt 10,36%, cao hơn mức bình quân cả nước; nguồn thu ngân sách ở các địa phương đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng thu nội địa bình quân mỗi năm đạt 14,2%, cao hơn bình quân cả nước 9,66%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm của miền Trung đạt bình quân mỗi năm 330.000 tỷ đồng, tăng bình quân 7% và chiếm 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong cả nước…

Bên cạnh những kết quả đạt được, miền Trung vẫn còn không ít khó khăn, thử thách cần được nghiên cứu, thảo luận và đề ra phương hướng giải quyết. Cụ thể là quy mô kinh tế vùng hạn chế, động lực tăng trưởng còn yếu. Ngoài 4 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn, các địa phương còn lại ở miền Trung có tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay; một số hành lang kinh tế chưa thu hút lớn về công nghiệp, dịch vụ; xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp và chỉ chiếm 4,76% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện vai trò hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế toàn vùng; thu ngân sách trong vùng chưa bền vững; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu; nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn và hạn hán; tình trạng ô nhiễm mỗi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp còn cao; thu hút đầu tư nước ngoài còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; thiếu liên kết vùng…

Quang cảnh Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung.  Ảnh : CTV

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh : “Miền Trung như đốt xương sống của đất nước, do đó phát triển kinh tế miền Trung không phải là việc riêng của 14 tỉnh, thành phố trong vùng, mà lãnh đạo các địa phương, Bộ, Ngành cần có sự quan tâm đúng mức về tầm quan trọng của phát triển kinh tế miền Trung với những định hướng lớn trong giai đoạn tới, đặc biệt cần có những đề xuất, ý tưởng, giải pháp cụ thể, khả thi để triển khai thực hiện”. Thủ tướng cho rằng, kinh tế miền Trung chiếm gần 20% GDP cả nước nhưng nhìn vào tiềm năng thì cần khai thác hơn nữa để nâng cao tỷ trọng, đơn cử như tiềm năng du lịch là thế mạnh nhưng doanh thu du lịch chưa đạt 20% cả nước. Về nguồn nhân lực cần thu hút người tài giỏi sinh sống và làm việc ở miền Trung. Thủ tướng nhấn mạnh “Liên kết vùng là bài toán sống còn đối với các địa phương trong vùng. Bàn nhiều về liên kết vùng nhưng đến nay chưa có lời giải ưng ý, nhất là liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực trí thức khoa học, phân công lao động sản xuất…và xác định chương trình mục tiêu phát triển quy mô vùng về du lịch, nhân lực, thị trường lao động, bảo vệ môi trường…Thủ tướng mong muốn lãnh đạo các Bộ, Ngành cùng những chuyên gia kinh tế, nhà khoa học chỉ ra những nút thắt để tháo gỡ và tìm kiếm giải pháp cho bước tiến mới phát triển kinh tế miền Trung bền vững…

Tại Hội nghị, Thủ tướng chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án. Thủ tướng trao tặng cờ Tổ quốc, dụng cụ sơ cấp cứu cho 20 ngư dân tiêu biểu của Bình Định trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao động tổ chức trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bình Định.

                   
Phan Văn Lương
.
.
.