Kinh tế miền Trung chưa có tiếng nói chung

Thứ Ba, 27/10/2009, 14:02
Hệ quả từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chính phủ đang điều chỉnh lại nền kinh tế, do đó các khu kinh tế (KKT) miền Trung cũng cần thay đổi, lựa chọn những dự án và giải pháp hợp lý để thu hút đầu tư, phát triển mô hình KKT một cách có hiệu quả.
>> Miền Trung: Mỗi tỉnh một khu kinh tế

Thiếu tính liên kết vùng

Đây là điểm yếu nhất trong phát triển của các KKT ở miền Trung hiện nay. Việc liên kết vùng, miền là một trong những yếu tố rất cần thiết để quảng bá, thu hút đầu tư. KKT Dung Quất hiện nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên-Huế - TP Đà Nẵng - Quảng Nam - Bình Định), mở rộng thêm Phú Yên và Khánh Hoà sẽ tạo thành vòng cung phát triển.

Thực hiện đúng vai trò "hạt nhân tăng trưởng" cho khu vực duyên hải Trung Trung Bộ và Tây Nguyên theo Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, từng bước bắt kịp 2 tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và phía Nam (TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương - Bà Rịa-Vũng Tàu).

Tuy nhiên, vòng cung KKT nêu trên lâu nay vẫn chỉ có trên lý thuyết. Còn trong thực tế sự liên kết giữa các KKT vẫn chưa rõ nét. Từ lâu các nhà hoạch định đã từng đưa ra hình mẫu Quảng Ngãi phát triển mạnh công nghiệp nặng với hạt nhân là KKT Dung Quất thì Đà Nẵng tập trung phát triển mạnh dịch vụ, du lịch và công nghệ cao, trở thành đô thị trung tâm của khu vực.

KKT nào cũng có cảng, nhưng cảng lớn thì chưa. Ảnh: Đông Hải.

Thừa Thiên Huế - KKT Chân Mây phát triển mạnh du lịch, dịch vụ. Quảng Nam - KKT mở Chu Lai phát triển mạnh du lịch và công nghiệp nhẹ. Bình Định - KKT Nhơn Hội đẩy mạnh kinh tế biển nhờ nằm cửa ngõ của Tây Nguyên.

Tuy nhiên, qua khảo sát thì các địa phương, các KKT vẫn hoạt động theo chính sách riêng của mình, thậm chí nhiều quyền lợi nhỏ liên quan giữa các KKT vẫn chưa được giải quyết thấu đáo mà như lời ông Lê Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Chúng ta thiếu một "trọng tài" phân xử rạch ròi về quyền lợi và trách nhiệm giữa các KKT khi liên kết với nhau, vì thế khái niệm liên kết trong phát triển kinh tế giữa các vùng nhiều năm qua vẫn bị bỏ ngỏ.

Hạ tầng cần đồng bộ và chất lượng

Nhiều KKT hiện đang thiếu vốn đầu tư cho cở sở hạ tầng, nguồn đầu tư chủ yếu vẫn trông chờ từ "bầu sữa" của Trung ương. KKT Chân Mây đang áp dụng chính sách đầu tư từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cộng với kêu gọi các nhà đầu tư trực tiếp đầu tư hạ tầng như Tập đoàn Sài Gòn Geo là một ví dụ cho lối mở trong đầu tư hiện nay của các KKT.

Tập đoàn Geo đã có trên 20 khu công nghiệp trong nước đủ sức đầu tư hạ tầng thiết yếu về kỹ thuật, tiện ích; đồng thời xây dựng 100 nghìn m2 nhà xưởng tại KKT này.

KKT Dung Quất một thời được xem như "chiếc áo chật" cũng đang đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng, tiện ích đồng bộ, chất lượng cao bằng việc mở rộng KKT này thêm 50 nghìn ha nữa.

Trong Quy chế hoạt động của KKT Vân Phong, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao khi cho phép trong thời hạn 15 năm đầu, ngân sách nhà nước cân đối hàng năm không thấp hơn toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn KKT Vân Phong cho yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng.

Hiện tại, con số thu từ hoạt động chuyển tải dầu trên vịnh Vân Phong là khá lớn, chỉ riêng trong năm 2008, Vân Phong đem lại nguồn thu xấp xỉ 1.200 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Văn Tự cho biết: Khánh Hòa đang cố gắng tổ chức huy động vốn của các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho KKT Vân Phong.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa"; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực nhằm tạo ra một hành lang pháp lý tốt cộng với hạ tầng tốt để thu hút đầu tư.

Cơ chế chính sách hợp lý

Việc tạo ra cơ chế quản lý và chính sách thông thoáng, hợp lý là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư và mở đường cho các KKT miền Trung phát triển nhanh và toàn diện.

Chính sách thuế tại KKT Dung Quất được áp dụng mức thuế ưu đãi 10% trong vòng 15 năm đầu của dự án, được miễn 4 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động và giảm 50% của 9 năm tiếp theo. Những dự án có ý nghĩa quan trọng hoặc dự án công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đến khi ngừng dự án.       

Chính vì tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế miền Trung, mà trọng tâm là phát triển các KKT, trong thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm đầu tư thích đáng đến các KKT này.

Riêng KKT mở Chu Lai không còn những cơ chế ưu đãi, nhưng thời gian qua, tỉnh vẫn nỗ lực, tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng KKT mở Chu Lai theo mô hình KKT tổng hợp, lấy phát triển dịch vụ làm trung tâm kết hợp với phát triển công nghiệp hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Lúa, Trưởng BQL KKT Chu Lai cho rằng, nếu thực hiện đúng tinh thần Thông báo số 155-TB/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cơ chế tài chính cho KKT mở Chu Lai: Theo hướng ngân sách nhà nước cân đối hàng năm không thấp hơn toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quan trọng thì bình quân mỗi năm nguồn thu phát sinh được bố trí đầu tư cho KKT này sẽ khoảng 500 đến 600 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm kết cấu hạ tầng thiết yếu của KKT mở Chu Lai sẽ được hoàn thiện.

Để tăng tính liên kết trong kinh tế giữa các vùng, nhà nước cũng cần sớm đầu tư các hạ tầng kỹ thuật liên vùng như: Đường ven biển Hội An đến Chu Lai; đường cao tốc Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất để tạo bước đột phá cho Chu Lai, Dung Quất và các KKT lân cận.

Vì một miền Trung liên kết và phát triển

Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển mô hình KKT, đến nay, ở khu vực miền Trung, tỉnh nào cũng có KKT. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại từ các KKT hiện vẫn còn hạn chế.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lâu nay chúng ta chưa có chiến lược phát triển kinh tế miền Trung một cách bền vững. Các KKT chưa quan tâm lựa chọn dự án trọng điểm và đề ra những giải pháp hợp lý để thu hút đầu tư. Vì thế khi gặp khủng hoảng, các KKT sẽ là nơi chịu tác động nhiều nhất khi tập trung lực lượng lao động nhiều và là trọng tâm của nền kinh tế.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết nhà nước cần ban hành những qui chế phối hợp giữa các vùng mang tính khả thi cao. Về phía các địa phương, cần phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương mình, tránh tình trạng chạy đua "Cái gì cũng có, nhưng chẳng có cái nào lớn, cái nào mạnh"

Đông Hải
.
.
.