Kinh tế miền Trung bao giờ cất cánh?

Thứ Năm, 29/07/2010, 14:36
Miền Trung là khu vực có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Một lượng rất lớn khoáng sản như vàng, ti tan, đá quý, đá vôi và "rừng vàng, biển bạc" của đất nước nằm ở khu vực này; miền Trung còn là cửa ngõ quan trọng để nước ta thông thương với các nước trong khu vực.

Đặc biệt hơn cả, khu vực này có 5/9 di sản văn hoá thế giới của đất nước - một điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp không khói. Song một nghịch lý còn tồn tại: kinh tế miền Trung chậm phát triển, tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn cao.

Sao mãi ở dạng tiềm năng?

Khi nói đến kinh tế miền Trung chậm phát triển, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao… rất nhiều người đổ lỗi là do thiên tai khắc nghiệt, nắng nóng, mưa lũ, hạn hán. Song, sẽ không công bằng khi đổ lỗi hết cho thiên tai để nói đến kinh tế miền Trung chậm phát triển.

Có thể khẳng định miền Trung có địa thế cực kỳ quan trọng trong các hoạt động kinh tế của đất nước. 5 năm trở lại đây, hệ thống giao thông của miền Trung đã nối kết với các nước bạn Lào, Thái Lan...

Chuyện một ngày ăn cơm ba nước Thái - Việt - Lào không còn là lạ đối với các đoàn du khách caravan và các thương nhân trên dặm đường mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, với chiều dài trên 1.000km đường biển, khu vực miền Trung đang sở hữu 80/125 bãi biển của nước ta. Điều đặc biệt là những bãi biển đẹp nhất, có giá trị để phát triển thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, có sức cạnh tranh đều tập trung ở khu vực này.

Công nhân may mặc miền Trung miệt mài với công việc.

Miền Trung đang sở hữu hàng loạt di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của đất nước được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới như: Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn... Miền Trung còn được coi là vùng đất có truyền thống cách mạng, con em miền Trung hiếu học, năng động, nhạy bén, nguồn lao động dồi dào.

Nhìn vào những lợi thế như vậy của khu vực miền Trung, không ai tin rằng, các địa phương được coi là vùng kinh tế trọng điểm của miền như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định chỉ có tỷ lệ đóng góp GDP quốc gia đạt 5,6%, trong khi vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là 19,9% và phía Nam là 41,6%; thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 75,2% mức bình quân cả nước. Đến nay, miền Trung mới chỉ chiếm hơn 6% tổng vốn đầu tư của cả nước về các dự án phát triển.

Cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế toàn miền

Nếu như ở Đông Nam Bộ, TP HCM được coi là tâm điểm, đầu tàu kéo các tỉnh, thành xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu cùng phát triển, ở miền Bắc, Hà Nội được coi là trung tâm và Hải Phòng, Hà Tây, Hải Dương... là vệ tinh cùng nhau phối hợp phát triển kinh tế thì miền Trung dường như tỉnh nào biết tỉnh đó.

Mấy năm lại đây Đà Nẵng được xem như người anh cả ở miền Trung về phát triển kinh tế, xã hội, song chưa thể là đầu tàu kéo các tỉnh miền Trung bởi đất chật, người ít, và quan trọng hơn là định hướng phát triển kinh tế của Đà Nẵng cũng na ná như các tỉnh bạn. Vì vậy, các tỉnh miền Trung đang thực hiện phương châm mạnh ai người ấy "chạy".

Chẳng hạn năm 2002, khi đang làm Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, Paul Stoll đã đưa ra ý tưởng cho sản phẩm du lịch "Con đường di sản miền Trung" nối liền các di sản văn hoá thế giới như Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng rồi phát triển ra 17 tỉnh, thành từ Vinh đến Đà Lạt.

Song ý tưởng của Paul Stoll, một người rất tâm huyết với du lịch miền Trung đã không thể thực hiện được vì chưa có tiếng nói chung. Do không liên kết chặt chẽ với nhau, nên các tỉnh miền Trung đều cố gắng xin các Bộ, ngành liên quan ở Trung ương đầu tư để cho "bằng chị bằng em". Vì vậy, nên mỗi tỉnh miền Trung đều xây dựng ít nhất một trường đại học.

Một số tỉnh còn "thi nhau" xây dựng sân bay, cảng nước sâu, nhà máy sản xuất bia, sản xuất ximăng, nhà máy đường, nhà máy sắn... song hàng năm, các nhà máy chỉ hoạt động vài ba tháng rồi bỏ đó vì thiếu nguyên liệu.

Từ tháng 8/2008, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch KKT trọng điểm miền Trung. Ngay từ thời điểm đó, chủ trương liên kết giữa các tỉnh đã được đề cập, nhưng sự kết nối đã không diễn ra trên thực tế...

Thiết nghĩ hơn lúc nào hết, lúc này, lãnh đạo các tỉnh miền Trung cần ngồi lại với nhau, để xây dựng một đề án chiến lược lâu dài cho toàn vùng. Ở đó có sự liên kết ngang giữa các địa phương và liên kết dọc giữa các ngành nghề. Các doanh nghiệp tại các KKT trong khu vực cần thực hiện quá trình chuyên môn hóa với tốc độ cao hơn, đảm đương một số công đoạn trong chuỗi giá trị của sản phẩm, cũng như nâng cao liên kết về công nghiệp xuất khẩu (giữa vùng chuyên môn hóa nguyên liệu và vùng chuyên môn hóa chế biến sản phẩm).

Sự "phân vai" ấy, khi đã thực hiện tốt thì sẽ tạo ra những giá trị gia tăng lớn cho phát triển kinh tế của mỗi địa phương và toàn miền. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xác định danh mục đầu tư phù hợp... để góp phần đưa kinh tế miền Trung cất cánh

Dương Sông Lam
.
.
.