Nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh - sâm quốc gia ở vùng đồng bào thiểu số

Thứ Hai, 20/08/2018, 12:43
Sáng 20-8, tại TP Tam Kỳ, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan thường trú Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn Phát triển dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”.

Diễn đàn lần này có sự tham dự của gần 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương miền núi trong cả nước; các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức quốc tế, tổ chức phát triển, đại sứ quán...

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trực tiếp chủ trì diễn đàn.

Diễn đàn lần này thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu trong và ngoài nước.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe những chia sẻ về phương pháp tiếp cận phát triển chuỗi giá trị trong phát tiển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; những khuyến nghị về thay đổi phương pháp tiếp cận từ “giảm nghèo” sang “làm giàu” vừa bảo đảm phù hợp nền kinh tế thị trường vừa dựa trên những lợi thế của khu vực miền núi.

Những mô hình mà đại diện của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế đã chia sẻ cho thấy cơ hội phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ (LSNG) ở khu vực miền núi mà chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh của Quảng Nam là điển hình, đã khẳng định rằng nếu có phương pháp tiếp cận đúng, có chiến lược phát triển đồng bộ cùng với quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, những thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có lời giải với hiệu quả cao.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá Diễn đàn phát triển DTTS năm 2018 tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, mảnh đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng, đúng vào dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9, với chủ đề “Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”, một chủ đề rất thiết thực, có ý nghĩa, thông qua các minh chứng sống động, đặc biệt là chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh và được chia sẻ từ chính những người trong cuộc, rất có giá trị.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại diễn đàn.

Phó Thủ tướng cho rằng tuy còn những tồn tại, hạn chế nhưng đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc và miền núi không ngừng được cải thiện với một diện mạo mới.

Diễn đàn lần này thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đặc biệt lưu ý tới câu chuyện phát triển các chuỗi giá trị LSNG trên vùng DTTS và miền núi.

Từ cảm hứng làm giàu của những tỷ phú sâm Việt Nam trên rừng đại ngàn Ngọc Linh, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu những đề xuất về di thực và phát triển cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu quý, các LSNG có giá trị kinh tế cao đến các khu vực miền núi có điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, tán rừng tương đồng, tạo việc làm, thu nhập.

Đồng thời, Phó Thủ tướng khuyến khích Quảng Nam và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với một loại dược liệu quý đã được công nhận là sản phẩm quốc gia.

Sản phẩm sâm củ Ngọc Linh đang có giá trị rất cao trên thị trường.
Nhằm xây dựng hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn sau năm 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, phát huy những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp, chính sách đột phá hơn nữa cho thời gian tới, nhất là huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi.

Theo báo cáo về giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam được công bố bởi Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 57% năm 2014 xuống 44% trong năm 2016; 90% đồng bào DTTS được tham gia bảo hiểm y tế.

Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bào DTTS và đồng bào đa số tại Việt Nam, trong giai đoạn tới cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới. Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào DTTS, đặc biệt là nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (LSNG).

Trong đó, sâm Ngọc Linh (sản phẩm đặc hữu của vùng núi huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) là một trong những LSNG điển hình với giá trị kinh tế cao.

Ngày 12-9-2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam” đến năm 2030, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 9.000 tỷ đồng. Tháng 6-2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.


Ngọc Thi
.
.
.