Thành tựu và những vấn đề đặt ra đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ Hai, 18/12/2017, 19:43
Ngày 18-12, trước thềm “Lễ tuyên đương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017” (diễn ra vào sáng ngày 19-12), Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức tọa đàm “Chính sách Dân tộc – Thành tựu và những vấn đề đặt ra” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, người có uy tín của cộng đồng các dân tộc.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng cho biết, Tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc, phát triển vùng dân tộc, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc, phục vụ tốt hơn cho đồng bào các dân tộc. 

Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng hy vọng, tới đây, đội ngũ trí thức, nhân sỹ trí thức và doanh nhân dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tiên phong trong thực hiện chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội…

Theo báo cáo tổng kết các chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm gần ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số với gần 12,3 triệu người, chiếm 14,2% dân số cả nước. 

Cho đến nay vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Tỷ lệ đói nghèo cao gấp nhiều lần mức bình quân chung, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng, trình độ dân trí thấp, văn hóa truyền thống của một số dân tộc bị mai một dần…

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo số liệu của UBDT, trong giai đoạn 2010 - 2015, ngân sách Nhà nước đã bố trí đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc gần 135.880 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ Việt Nam khoảng 1.072 tỷ đồng thực hiện các dự án, chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS&MN. Sự đầu tư lớn trên góp phần quan trọng thay đổi diện mạo vùng DTTS&MN.

Đến nay, tại các xã đặc biệt khó khăn, đã thực hiện 2.682 mô hình phát triển sản xuất, tổ chức 814 lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao kỹ thuật cho trên 1,3 triệu hộ. Tính đến tháng 12-1015, cả nước có 1.298 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (đạt 14,5%). Riêng các xã khó khăn, có 183 xã đã nỗ lực vươn lên từ xuất phát điểm dưới 13 tiêu chí nay đã đạt được 10 tiêu chí.

Thông qua Chương trình 135, đến nay, có 80 xã đặc biệt khó khăn của 23 tỉnh và 372 thôn đặc biệt khó khăn của 30 tỉnh hoàn thành mục tiêu năm 2015, có hơn 1,3 triệu hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Đã có 222.844 lượt hộ được hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng, trên 21.000 lượt hộ được hỗ trợ trồng rừng; 39.820 lượt hộ nghèo ở thôn bản vùng giáp biên giới được hỗ trợ 799,28 tấn lương thực.

Các chính sách về hỗ trợ đất sản xuất, định canh định cư đã giúp ổn định cuộc sống cho 20.000 hộ DTTS còn du canh, du cư và hỗ trợ đất cho trên 22,4 nghìn hộ và đất sản xuất cho gần 50.000 hộ. Tính đến nay, xây dựng trên 2 triệu công trình cấp nước sạch tập trung, hỗ trợ nước phân tán cho gần 50.000 hộ DTTS góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 80,5% năm 2012 lên 84% và ước đạt 85% năm 2015.

Công tác giáo dục ở vùng DTTS&MN cũng có nhiều tiến bộ. 100% các xã có trường học. Hiện nay, cả nước có 294 trường phổ thông dân tộc bán trú với quy mô 80.832 học sinh, 4 trường dự bị đại học với quy mô trên 3.000 học sinh/năm. Bên cạnh đó, 100% xã có trạm y tế, 90% xã được phủ sóng phát thanh truyền hình…

Vũ Cảnh
.
.
.