Đại biểu Dương Trung Quốc: Trưởng phòng mà không có quân thì có nên làm không?

Thứ Bảy, 22/10/2016, 11:50
“Anh là trưởng phòng mà anh không có quân thì có nên làm trưởng phòng không, có bình thường không?” – ông Dương Trung Quốc nói.

Liên quan đến việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) có 46 biên chế thì có tới 44 lãnh đạo phòng và chỉ có 2 nhân viên ở Hải Dương, sáng 22-10, trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc cho rằng, chỉ cần đưa ra số liệu, mô hình như thế đã cho thấy một hình ảnh hài hước.

Quy trình không chỉ là “vạch ra một con đường”

Nó không chỉ khớp với điều mà chúng ta hay nói là “thừa thầy thiếu thợ”, bất hợp lý, mà sâu xa đằng sau đó là chuyện giảm biên chế mới chỉ nghĩ đến số lượng mà không nghĩ đến chất lượng. “Giảm biên chế là phải giảm đi gánh nặng tài chính cho nhà nước. Chỉ cần nhìn vào mô hình ở Hải Dương, rõ ràng không thể có chất lượng ở một cơ chế như thế được. Thứ hai là nhìn thấy ngân sách nhà nước như 1 cái “mỏ” để đào mà chẳng mang lại hiệu quả bao nhiêu” – đại biểu nêu.

Ông Dương Trung Quốc cũng khẳng định, trong vụ việc này không loại trừ cả tệ “mua quan bán chức”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, đề bạt những người thân ở cuối nhiệm kỳ. “Vì người lãnh đạo hiện nay ở bộ phận ấy nói rằng tôi mới về, điều đó có nghĩa ông tiền nhiệm có những điều ở trên”.

Đại biểu đề nghị những hiện tượng ấy cần phải được nhìn nhận một cách hết sức nghiêm túc, không chỉ ở quy mô của Sở LĐ,TB&XH, của tỉnh Hải Dương mà đây là vấn đề lớn Bộ Nội vụ phải quan tâm. “Tôi rất ngạc nhiên khi luôn luôn thấy các nhà lãnh đạo nói đến quy trình, quy chế, hay cấp này, cấp kia thì chúng tôi mới quan tâm. Việc ở Phòng thì Sở đó quan tâm chứ không phải việc của Sở nội vụ hay của của tỉnh. Rõ ràng anh buông lỏng quản lý, để cho mỗi địa phương tự tung tự tác, cho thấy bộ máy lỏng lẻo của chúng ta”, ông nói.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi bên lề họp tổ, sáng 22-10

Theo đại biểu, đằng sau sự việc này có một điều chúng ta cần lưu tâm là giáo dục “liêm sỷ cho cán bộ”. Anh là trưởng phòng mà anh không có quân thì có nên làm trưởng phòng không, có bình thường không? Anh vẫn ghi vào card visit, vẫn đi giới thiệu tôi là trưởng phòng, nhưng trưởng phòng của ai? Việc con người tự xử tôi cho là quan trọng, bên cạnh giám sát, quản lý của nhà nước.

Đề cập đến giải pháp, ĐBQH Dương Trung Quốc đề nghị phải rà soát lại toàn bộ quy trình, một sở có bao nhiêu cấp phó. “Việc bổ nhiệm các ông ấy thì đúng quy trình, nhưng bao nhiêu cán bộ thì có một trưởng, bao nhiêu cán bộ thì có một phó? Bao nhiêu người thì có hai phó trở lên? Ở đây có một sự lắt léo, một sự ẩn dụ bất chấp quy chế, bất chấp tất cả”.

Đồng thời ông cho rằng, quy trình không chỉ là việc anh vạch ra một con đường, mà quy trình phải chỉ rõ con đường đó đi như thế nào, ai giám sát, đánh giá việc anh đi đúng hay đi sai. Quy trình cần được vận hành đúng chuẩn mực.

Nếu thực tài thì người nhà hay không không quan trọng

Cũng liên quan đến vấn đề bổ nhiệm cán bộ, khi phóng viên hỏi về vấn đề “cả họ làm quan”, ĐBQH Dương Trung Quốc đã nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “chọn người tài chứ không tìm người nhà”. Tức đặt việc chọn người tài lên đầu, còn người nhà là thứ yếu.

Nhưng nếu người nhà tài thì sao? Tại sao có ông Tôn Thất Tùng rồi lại có Tôn Thất Bách? tại sao có ông Lý Quang Diệu rồi lại có Lý Hiển Long? tại sao có ông Park Chung Hee lại có bà Park Geun Hye bây giờ? Như vậy, nếu ông bố đưa con mình vào để đào tạo một thế hệ, nối tiếp một truyền thống tốt đẹp thì hết sức hoan nghênh.

“Nhưng mà tôi lại muốn nhắc lại vấn đề liêm sỷ. Vì người có tài người ta có thể chọn rất nhiều chỗ đứng, nhiều sự lựa chọn. Và nếu người ta chủ động lựa chọn làm sao để tránh sự dị nghị của xã hội thì là tốt, đấy là người tài thực. Còn nếu kéo người nhà vào những vị trí của hệ thống công chức chỉ vì chức vụ, lợi ích thì là người tài tương đối thôi”, ông nhận định.

Đại biểu đề nghị khi lựa chọn người tài cần có sự đánh giá, đặc biệt là của cộng đồng nơi họ công tác, đồng thời giữ được môi trường dân chủ trong việc tiến cử người tài. Khi đó người nhà hay không người nhà không phải là vấn đề nữa.

Đồng thời khi chúng ta phát hiện đâu đó có tình trạng “cả nhà làm quan” thì cần đi điều tra xem người đó thực tài hay không, sau đó mới có những chuyện tiếp theo được, chứ không nên “vơ đũa cả nắm”. Tất nhiên vấn đề hiện nay là đánh giá thực tài rất khó, rất mù mờ.

“Cho nên việc tự xử của con người quan trọng. Và quan trọng nhất là phải minh bạch”, đại biểu nhấn mạnh.

Quỳnh Vinh
.
.
.