Cần thay đổi văn hoá "ép" uống rượu, bia

Thứ Sáu, 12/04/2019, 11:43

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến tại Phiên họp thứ 33 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, sáng nay, 12-4.


Theo báo cáo tiếp thu và giải trình ý kiến do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày, cần phải quản lý chặt chẽ rượu thủ công nhưng phải đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa về thủ tục hành chính nhằm tiến tới đạt được mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe, nhất là rượu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Đối với quy định “Vận động các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh chấm dứt việc sản xuất rượu” tại điểm c khoản 2 Điều 16, đề nghị Chính phủ cân nhắc theo hướng quy định cá nhân, tổ chức sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm và đăng ký việc sản xuất rượu với UBND cấp xã; cụ thể hóa quy định của dự thảo Luật về các giải pháp hỗ trợ các gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, quan trọng là quản lý đầu ra của rượu thủ công để đảm bảo chất lượng, không có độc và không bị phát tán ra thị trường, gây ảnh hưởng sức khoẻ của nhân dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị đừng đẩy xa khoảng cách, gây ra sự chênh lệch giữa rượu công nghiệp và rượu thủ công, thay vào đó nên kiểm soát đăng ký và chất lượng đầu ra. “Một số nước cho phép quảng cáo rượu truyền thống như một loại đặc sản của địa phương và phải đăng ký”, ông nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất, luật này ra không phải để triệt tiêu rượu truyền thống, tuy nhiên phải đảm bảo quản lý được chất lượng của rượu thủ công.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu thực tế tại Việt Nam thị trường buôn rượu Tây giả rất phổ biến. Đề nghị luật nên thiết kế điều nào để khi có hiệu lực thì chúng ta có thể uống rượu Tây chuẩn, nếu không sẽ vẫn không đảm bảo yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì mục đích của dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là để phòng ngừa tác hại của rượu, bia đối với sức khoẻ con người, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đối với an ninh trật tự. Do đó, cần khẳng định chúng ta không khuyến khích tiêu thụ rượu, bia.

“Tôi cho rằng đây là là dự án luật có phần nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của nhiều cơ quan. Tuy nhiên chúng ta phải lấy phương châm phòng ngừa là chính. Đồng thời cũng phải khẳng định, luật này phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với cuộc sống của con người, chứ không phải là để phòng, chống rượu, bia”, ông nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp.

Khẳng định hiện cả xã hội đang lo lắng, bất an vì người điều khiển phương tiện giao thông không chỉ sử dụng rượu, bia mà còn sử dụng chất ma tuý, gây ra bao nhiêu thiệt hại cho kinh tế - xã hội và tính mạng con người, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc đẩy mạnh truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia là hết sức quan trọng.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, luật này bảo đảm phòng, chống tác hại của rượu, bia nhưng phải bảo đảm tính khả thi, chứ không phải là đưa ra những quy định duy ý chí.

“Chúng ta phải chú trọng mục tiêu tăng cường giáo dục truyền thông về tác hại của rượu, bia, để có thể thay đổi hành vi tiêu dùng rượu, bia của người tiêu dùng; đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm rượu, bia và xử lý hành vi gây tác hại do sử dụng rượu bia”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, luật ban hành không phải để cấm sử dụng hay sản xuất rượu bia, mà khi văn hoá sử dụng rượu bia được nâng cao thì cung sẽ giảm, cũng như giảm được việc lạm dụng rượu, bia. “Văn hoá tiêu dùng bia của nước ngoài trong các bữa tiệc là rót ra từng cốc, muốn dùng cốc thứ hai thì xin tiếp. Còn ở ta là ép nhau uống, ép uống cho trào ra rồi vẫn ép. Cần phải thay đổi văn hoá này” – Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ.


Quỳnh Vinh
.
.
.