ĐBQH: Hạn chế tác hại rượu bia, vì tăng trưởng kinh tế và giống nòi đất nước

Thứ Sáu, 16/11/2018, 11:59

Sáng 16-11, Quốc hội thảo luận sôi nổi ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 26 đại biểu phát biểu, 5 đại biểu tranh luận. Đây là dự luật gây nhiều tranh cãi về tính hạn chế tác hại của hành vi lạm dụng rượu bia; quy định bán rượu bia trên internet cũng như tính khả thi của dự án Luật này.



Chúng ta chọn sức khoẻ nhân dân hay khoản thu 50.000 tỷ mỗi năm?

Dẫn lại số liệu mà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cung cấp trong tờ trình dự thảo luật, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết, mỗi ngày tổn thất từ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra khoảng 250 tỷ đồng, chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội. Rượu bia cũng là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh chấn thương, gián tiếp của 200 bệnh tật.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân

“Quảng cáo bia rượu làm người ta nhầm tưởng rượu như thần dược, với những từ như “hào khí ngàn năm”, “chung một đam mê”, “chất men thành công”... Những mỹ từ đó đã quên hay cố tình quên đi những bi kịch do rượu bia mang lại, các vụ tai nạn từ rượu bia, vợ mất chồng, con mất cha?” – đại biểu nói.

Theo ông, nếu đòi hỏi một văn hoá uống từ người tiêu dùng thì đây phải là văn hoá sản xuất rượu bia. Vì vậy rất cần thiết ban hành luật với những chế định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa quảng cáo bia rượu, trả về đúng bản chất tác hại vốn chực chờ lấy dần mòn và mãi mãi tâm sức của con người.

Ông đề nghị cấm quảng cáo bia rượu trên tất cả các phương tiện như báo nói, báo hình, báo mạng chứ không chỉ riêng chương trình thể thao, văn hoá, sân khấu như quy định tại khoản 1 Điều 11.

ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu ra con số mỗi năm bia rượu gây tổn thấy ít nhất 1,3% GDP của quốc gia. Qua đó khẳng định, dù cố gắng biện minh cho việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm thì vẫn khó chấp nhận.

“Có người đổ tác hại của rượu bia cho người sử dụng lạm dụng, và ngành rượu bia vô can. Việc cung cấp ra thị trường loại thức uống lắm tác hại và nhiều bệnh tật lại dùng nhiều lý lẽ và mỹ từ để bảo vệ. Bia rượu là nguyên nhân của vòng luẩn quẩn đói nghèo và bệnh tật, bạo hành; sản xuất đồ uống có cồn còn đe doạ sự phát triển bền vững sử dụng tài nguyên thiên nhiên” – ông phân tích.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Mặt khác, ĐBQH Phạm Trọng Nhân cho rằng, phản biện tranh luận là cần thiết, nhưng phản biện đến mức cho rằng nếu thông qua luật này “làm khai tử ngành rượu bia” thì hãy xin một lần đặt mình vào hoàn cảnh của những người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, hãy một lần lắng nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng do bia rượu gây ra hẳn sẽ có sự sẻ chia với những đau thương của người ở lại.

“Chúng ta chọn sức khoẻ của nhân dân hay khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm? Nhưng đừng quên rằng tổn thất do nó để lại lên đến 65.000 tỷ đồng. Như thế có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước. Vậy mà không ít người cổ suý là văn hoá uống”, ông đặt vấn đề.

Đại biểu đề nghị cần cam kết và cương quyết thực hiện “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phòng chống tác hại của rượu bia cần phải được thực hiện một cách triệt để và không nên nguỵ biện bất cứ lý do nào khác.

“Tôi mong rằng cần quy định một cách chặt chẽ, tránh cài cắm lợi ích qua việc cố tình đánh tráo khái niệm vì tổn thất và tác hại của bia rượu lên xã hội là rất lớn. Đã đến lúc phải hạn chế mức thấp nhất những tác hại này, hãy vì tăng trưởng của kinh tế và tầm vóc, thể trạng, giống nòi, đưa đất nước ra khỏi vị trí không mấy tốt đẹp ở hàng đầu khu vực hay thế giới”, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với đại biểu Nhân, ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng, cần nghiêm khắc kiểm soát việc lạm dụng rượu bia. Bởi rượu bia là nét văn hoá,  không nên hạn chế nhưng phải quản lý sử dụng đúng cách.

“Chẳng hạn kiểm soát chặt việc tiếp cận rượu bia đối với trẻ vị thành niên; quy định địa điểm, thời gian nhất định tiêu thụ rượu bia 24h trong ngày” – ông nói.

65.000 tỷ thiệt hại chỉ là con số áng chừng

Tranh luận lại về con số thiệt hại 65.000 tỷ đồng do rượu bia gây ra, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nói: “Từ góc độ người làm kinh tế tôi muốn trao đổi lại, đây là số liệu áng chừng, tính từ dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, và tính là 1,3% GDP nhân với GDP của Việt Nam là 5 triệu tỷ đồng cho nên mới ra số đó”.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên

Là một trong các đại biểu từ khoá XIII đã tham gia góp ý xây dựng luật này,  Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, riêng về kinh phí sử dụng, ở nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, ban soạn thảo đưa ra thành lập quỹ, nhưng khi Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) không cho thành lập quỹ thì dự thảo Luật này đã biến tướng từ điều 25 đến 28 quy định về mặt ngân sách để đảm bảo phòng chống rượu bia. Như vậy là lách Luật Ngân sách nhà nước, hình thành ra quỹ mới, nguồn ngân sách mới để bổ sung chi phí hàng năm.

“Tôi thấy, thứ nhất đấy là vấn đề cần cân nhắc lại khi đánh giá thiệt hại vì từ sáng giờ rất nhiều đại biểu dùng con số 65.000 tỷ để phát biểu. Thứ hai, về tác hại của rượu bia các đại biểu cũng đã nói nhiều, nhưng cái gì cũng có hai mặt. Nếu nói thế thì chúng ta sẽ nói thế nào khi Nhật gắn với rượu Sake, Hàn Quốc gắn với rượu Sochu, Trung Quốc gắn với rượu Mao Đài…” – ông phân tích.

Đại biểu cho rằng, Trung Quốc còn quy định các loại rượu là Quốc tửu dùng để thiết yến, nên việc hình thành ra những văn bản pháp luật có tính chất hơi thiên quá về một hướng thì cần cân nhắc lại tính khả thi.

“Cá nhân tôi đồng tình rượu bia nếu sử dụng quá liều thì có tác hại và cần phòng chống, nhưng đối chiếu cả 38 điều của luật này thì khả năng chế tài không có, mà để thực thi đều phải vắt sang các luật khác, nếu như vậy thì không khác gì một lời hiệu triệu”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.


Quỳnh Vinh
.
.
.